Đầu tư làm phim - Mạo hiểm như diễn xiếc trên dây

15/05/2014 - 02:23

PNO - PN - Chưa bao giờ phim Việt nở rộ như hiện nay, cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Số lượng phim truyện nhựa sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2013 sản xuất 26 phim so với năm 2011 và 2012 chỉ có 16 phim). Các kênh truyền...

edf40wrjww2tblPage:Content

Làm phim trong sợ hãi

Bỏ ra vài tỷ đồng, có khi hơn chục tỷ đồng để làm phim, nhà đầu tư còn phải đối mặt với vô vàn bất trắc như chuyện phát hành, kiểm duyệt, chuyện tác quyền, và cả nỗi lo phim có hút được khách không…

Không hẹn mà gặp, tháng Tư vừa rồi, hai bộ phim cũ Cuộc chiến với chằn tinhThần tượng được “tái sinh” ở các rạp, nhằm giúp các nhà sản xuất vớt vát phần nào. Cả hai phim đều được đánh giá có chất lượng tốt nhưng doanh thu lại không bù nổi vốn đã bỏ ra. Thu không đủ bù chi, thậm chí có khi “mất trắng” là thực tế nghiệt ngã mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng có khả năng phải đối mặt. Đạo diễn Lê Bảo Trung đúc kết: “Làm phim Việt là sống trong sợ hãi. Vừa lo khâu kiểm duyệt lại vừa lo khán giả, chưa kể có khi bị báo "dập” cho tơi tả”.

Không như phim truyền hình có thời gian thực hiện ngắn, đầu ra rộng (vì có nhiều kênh), tác phẩm điện ảnh muốn ra rạp phải qua một quá trình phức tạp, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Riêng thời gian tiền kỳ ít nhất cũng mất vài tháng, có phim kéo dài cả năm cho đến vài năm. Đến khi bộ phim đi vào sản xuất, còn trăm ngàn khó khăn khác.

Theo thời giá hiện nay, để làm ra một bộ phim “xem được” ít nhất cũng phải mất từ năm-bảy tỷ đồng. Để hòa vốn, phải thu được gấp đôi con số đó, vì tiền vé còn phải chia lại cho các cụm rạp từ 50-60%. Mất 1/2 doanh thu như vậy cho khoản phát hành nhưng nhà sản xuất không dễ tìm được nơi nhận chiếu, nên những đơn vị làm phim nhưng không sở hữu cụm rạp luôn “trầy vi tróc vảy” trong khâu phát hành.

Để giải bài toán khó này, cách làm phổ biến hiện nay là các hãng phim có cụm rạp tự sản xuất luôn phim. Thị trường hiện có hai “đại gia” chuyên sản xuất phim Việt là BHD và Galaxy vì vừa có chức năng phát hành vừa có rạp trong tay. Cách làm thứ hai là “rủ” đơn vị phát hành hùn vốn sản xuất. Việc chung tay làm phim này không chỉ giúp từng khâu được chuyên nghiệp hóa mà còn giúp các bên chia sẻ những rủi ro nếu có.

Tìm được nơi phát hành chưa phải đã hết lo, vì nếu tính toán sai thời điểm ra rạp cũng phải trả giá đắt. Đã có nhiều bài học xương máu từ những bộ phim phát hành sai thời điểm như Đường đua, Thần tượng, dẫn đến việc phim tuy nhận được phản hồi tích cực nhưng nhà sản xuất “lỗ chổng vó”. Lại còn khi mọi thứ tưởng như đã xong (phim đã có, lịch phát hành đã lên) nhưng “đùng một cái” không qua được cửa kiểm duyệt (như Bẫy cấp ba, Bụi đời Chợ Lớn) thì cũng... “xong phim”!

Phút 89 vẫn còn lo

Qua hết những khó khăn kể trên, người làm phim còn phải đối diện với thị hiếu của khán giả - điều hết sức mông lung, khó lường. Gu khán giả Việt Nam thiên về thể loại hài, thể hiện rõ qua doanh thu “khủng” của các phim hài trong những năm qua: Cô dâu đại chiến, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ, Nhà có năm nàng tiên, Hello cô Ba, Tèo em. Nhưng, như thế không có nghĩa là phim hài nào cũng hốt bạc, dù đều do cùng một đạo diễn làm hoặc áp dụng đúng công thức thành công của phim trước.

Chẳng hạn Thiên sứ 99 giữ mô típ “hài nhảm” và “sao” teen, “ăn theo” Công chúa teen và ngũ hổ tướng nhưng lại thất bại. Phim Năm sau con lại về cũng có cùng đạo diễn, cùng nhà sản xuất với phim Nhà có năm nàng tiên nhưng không mấy thành công. Rõ ràng, việc đọc “khẩu vị” của khán giả với các nhà làm phim còn khó hơn “hái sao trên trời”. Một nỗi lo nữa của người làm phim là chuyện bản quyền. Theo ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Tình hình vi phạm bản quyền phim trên internet đang gây thất thu lớn cho ngành điện ảnh. Vi phạm có rất nhiều hình thức như sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm tái sinh, cung cấp lên internet để thu phí hoặc thu quảng cáo, thậm chí nhiều bộ phim còn bị các đài truyền hình địa phương tự ý phát sóng mà không thèm thỏa thuận với hãng phim”.

Hai trường hợp điển hình nhất gần đây là phim Cánh đồng bất tận chưa công chiếu đã bị in đĩa bán lậu và tung lên internet. Phim Bụi đời Chợ Lớn bị tung bản nháp lên internet, ngay sau đó vài ngày thì đĩa in lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường. Trước đó, vào đầu năm 2012, khi nhà sản xuất bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn đang chuẩn bị bán phim cho các đài thì ở cửa hàng băng đĩa đã có đĩa lậu của phim. Ông Trần Bình Trọng, phụ trách sản xuất hãng M&T Pictures than thở: “Nhiều phim của hãng mới chiếu trên đài tối nay thì sáng hôm sau đã có mặt trên mạng, gây khó khăn cho hãng khi bán phim cho các đài tỉnh”.

Rõ ràng, làm phim không hề là cuộc dạo chơi. Người làm phim giống như nghệ sĩ xiếc đang đi trên dây. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi nghe tin nhà sản xuất này cầm nhà, chủ hãng phim kia vay ngân hàng...

Dau tu lam phim - Mao hiem nhu dien xiec tren day
Phim Tìm cha - Vietcom

Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII, trong tham luận trình bày về thực trạng yếu kém của điện ảnh Việt Nam, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định: “Nhiều hãng phim tư nhân chạy theo thị hiếu một bộ phận khán giả, sản xuất các phim giải trí dễ dãi với mục đích thu lãi lớn. Bên cạnh một số ít phim đạt chất lượng thì hầu hết là phim câu khách rẻ tiền, nhiều phim được truyền thông gọi là hài nhảm hay thảm họa; có phim lạm dụng yếu tố bạo lực, tình dục hoặc xoáy sâu vào hiện tượng cá biệt, cái xấu, góc tối, “xã hội đen”, thậm chí kích động bạo lực”.

Cũng không thể trách các nhà làm phim tư nhân, bởi trong kinh doanh, yếu tố lời lỗ phải đặt lên hàng đầu. Việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO là phải xóa bỏ hạn ngạch nhập phim dẫn đến phim nội ngày càng lép vế trước phim ngoại. Cụ thể, năm 2011: 107 phim nhập, năm 2012: 126 phim, năm 2013 có 183 phim nhập được trình duyệt, 170 phim được phép phổ biến so với 26 phim Việt. Tình trạng này càng buộc các nhà làm phim phải tính toán sao cho trong thời gian trụ rạp (thường là hai - ba tuần) có thể thu hồi vốn nhanh nhất.

Giữa việc bỏ ra hàng chục tỷ rồi mất cả năm, có khi vài năm mới làm xong một phim nhưng ra rạp doanh thu không đủ hòa vốn với việc chỉ mất vài tháng hoàn thành, chỉ mất dăm bảy tỷ đồng đầu tư nhưng thu gấp cả chục lần vốn, tất nhiên các hãng sẽ chọn cách làm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Những “bom tấn” kinh phí như Dòng máu anh hùng (30 tỷ đồng), Thiên mệnh anh hùng (25 tỷ đồng) hay Lửa Phật (hơn 20 tỷ đồng) thì khiến nhà sản xuất thua lỗ; trong khi những phim “bình dân” như Long ruồi, Hello cô Ba, Cô dâu đại chiến, Tèo em… dễ dàng thu từ 20-80 tỷ đồng là bằng chứng sống động nhất về những bất cập trong đầu tư làm phim. Vì vậy, nếu nhà đầu tư không có tiềm lực mạnh, chuyện phá sản là có thể thấy ngay trước mắt.

Về phía phim truyền hình, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định phim Việt phải phát sóng 30% thời lượng trên sóng truyền hình đã tạo điều kiện cho nhiều hãng phim “tân binh” ra đời, khiến thị trường làm phim trở nên cực kỳ bát nháo. Hàng loạt tiêu cực xảy ra, nổi cộm nhất là hai chuyện: chạy theo tiến độ thả nổi chất lượng và diễn viên bị ăn chặn hoặc quỵt tiền cát-sê.

Để đáp ứng nhu cầu phát sóng hàng trăm ngàn tập phim/năm của các đài, nhiều nhà sản xuất đã phải tận dụng luôn cả những cây bút trẻ. Vốn sống nông cạn của những biên kịch trẻ đã cho ra đời những kịch bản non, vụng. Thêm vào đó, sự eo hẹp về tiền bạc càng khiến chất lượng phim giảm sút. Kinh phí trung bình cho một phim truyền hình khoảng 200 triệu, nhưng chỉ cần một ngày quay không kịp tiến độ là chi phí đã đội lên hàng chục triệu. Tiền bạc hạn chế nên nhiều khi những người làm phim tâm huyết cũng lực bất tòng tâm.

Cũng vì tiền, quảng cáo xuất hiện trên phim ngày càng lộ liễu, phản cảm. Biên kịch còn bị yêu cầu viết kịch bản theo “chỉ đạo” của nhà tài trợ. Nhà sản xuất bỏ tiền đầu tư có quyền chọn diễn viên, bất kể có hợp vai hay không. Thậm chí, có những ê kíp từ nhà sản xuất, đạo diễn đến diễn viên đều không được đào tạo bài bản cũng “nhảy vào” làm phim, miễn là có tiền.

Theo nhà biên kịch Châu Thổ, giờ làm phim lơ mơ là chết. “Khán giả thông minh lắm, không phải chỉ bày ra câu chuyện, tạo kịch tính trên màn ảnh là thu hút được họ. Nếu cứ làm phim theo lối mòn, nhợt nhạt khán giả sẽ quay lưng ngay. Thực tế cho thấy, nếu những năm trước đây diễn đàn điện ảnh luôn thu hút đông đảo khán giả bình luận, giờ hiếm hoi lắm mới có được một vài phim “vụt sáng”, thu hút sự chú ý của người xem. Còn lại phần lớn phim “lên sóng rồi xuống sóng” lặng lẽ”.

Dau tu lam phim - Mao hiem nhu dien xiec tren day

Phim Thần tượng

Ông Huỳnh Trung Tài - Giám đốc sản xuất Hãng phim Golden Eye Movies: Làm vì đam mê

Dau tu lam phim - Mao hiem nhu dien xiec tren day

Phim Cuộc chiến với chằn tinh

Cái khó nhất hiện nay của các hãng phim không có rạp là khâu phát hành. Chúng tôi làm chủ yếu vì lòng đam mê chứ không nghĩ đến rủi ro. Thu hồi vốn là việc phải tính của mỗi nhà sản xuất. Việc quan trọng là nhà làm phim phải sản xuất ra một sản phẩm có chất lượng mà không phải mất quá nhiều kinh phí để việc thu hồi vốn không gặp khó khăn. Nhưng, cũng đừng vì quá tiết kiệm mà làm ra những sản phẩm kém chất lượng để rồi đánh mất lòng tin của khán giả.

Bà Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP.HCM: Chọn mặt đặt hàng

Nói thật, có những bộ phim phát sóng trên các đài truyền hình tỉnh khá ăn khách, nhưng không thể phát ở HTV. Có thể khán giả bình dân thích xem dạng phim như vậy, nhưng khán giả trí thức sẽ khó chấp nhận vì sự gượng ép, vô lý của tình tiết, câu chuyện. Nói như vậy không có nghĩa là khu biệt khán giả nhưng cũng phải làm sao giữ được sự uyển chuyển trong kịch bản để phim có thể làm hài lòng được số đông. Nếu cứ chạy theo cái gọi là “thị hiếu khán giả” thì đến một lúc nào đó, các đơn vị sản xuất sẽ tự hạ thấp đẳng cấp của mình. Chúng tôi không có quy định bằng văn bản phải chọn phát sóng phim của đơn vị này hay đơn vị khác, nhưng thực tế phải chọn mặt… đặt hàng phim. Cái gốc vẫn là kịch bản, nhưng kịch bản hay chưa đủ, nếu giao vào tay ê kíp không chuyên nghiệp thì bộ phim cũng sẽ không hiệu quả bằng một kịch bản trung bình nhưng được thực hiện bởi một đội ngũ có tay nghề.

Bà Nguyễn Thị Bảo Trâm - Giám đốc Hãng phim Vietcom: Thị trường sẽ đào thải
Chúng tôi làm phim bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực để cho ra những sản phẩm tốt nhất có thể. Tôi tin dù thế nào khán giả cũng sẽ không quay lưng với phim Việt. Đó là món ăn quen thuộc hàng ngày, người ta có thể bỏ qua lúc nào đó nhưng không bỏ hẳn. Các đơn vị làm phim, nếu không chú trọng uy tín, chất lượng, một lúc nào đó sẽ bị thị trường đào thải.

Dau tu lam phim - Mao hiem nhu dien xiec tren day

Phim Kẻ gây hấn - M&T Pictures

HƯƠNG NHU - SONG GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI