Đầu tư cửa hàng giặt ủi, chi phí thấp nhưng... dễ ôm lỗ

08/09/2019 - 06:30

PNO - Nhiều tiệm giặt ủi mở ra khác đông nườm nượp, nhưng cũng không ít tiệm mở ra rầm rộ nhưng sau thời gian ngắn lặng lẽ giải thể.

Anh Phạm Văn Khoa - chủ cửa hàng giặt ủi Tâm Khoa trên đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình, TP.HCM - cho biết, cửa hàng đầu tiên anh đầu tư 200 triệu đồng, sau ba tháng kinh doanh đi từ lỗ đến huề vốn. Mở lần thứ hai, anh phải đóng cửa vì không đạt yếu tố “địa lợi”. Phải đến lần thứ ba, hoạt động mới ổn định.

“Nhiều người cho rằng mở tiệm giặt ủi chỉ cần sắm vài cái máy giặt công suất lớn. Thực ra, để mở tiệm giặt ủi thành công cần phải lên kế hoạch thật tỉ mỉ, lơ mơ ôm lỗ như chơi” - anh Khoa chia sẻ.

Nên xác định đối tượng

Trước khi mở tiệm giặt ủi, bạn cần xác định rõ đối tượng khách hàng của mình, từ đó chọn vị trí, chi phí cần bỏ ra, loại máy móc cần đầu tư… Khi chọn mặt bằng cần tìm hiểu xem khu vực bạn chuẩn bị mở tiệm đã có bao nhiêu tiệm giặt ủi, nhu cầu sử dụng dịch vụ giặt ủi tại khu vực này có nhiều hay không. Việc xác định tốt thị trường sẽ giúp bạn thành công hơn khi mở tiệm. 

Nếu khách hàng là công nhân, học sinh, sinh viên… bạn nên chọn mặt bằng nơi khu dân cư lao động, gần các trường học. Với đối tượng này, chi phí máy móc thấp. Ngược lại nếu đối tượng là doanh nghiệp, shop cho thuê trang phục, khách sạn, công ty may mặc, nhà hàng… chi phí đầu tư máy móc nhiều hơn, đòi hỏi phải có máy công nghiệp, mặt bằng phải rộng (có thể chọn mặt bằng trong ngõ, hẻm để có diện tích lớn). 

Cần trang bị những gì?

Thiết bị quan trọng nhất chính là máy giặt. Nhân viên tư vấn tại Siêu thị Điện Máy Xanh cho biết, nên chọn loại lồng ngang (còn gọi máy cửa trước) thay vì máy giặt cửa trên. Bởi diện tích không gian mở của máy cửa trước khá lớn, giúp giặt được nhiều quần áo, tiết kiệm diện tích đặt máy cũng như số lượng máy cần sắm.

Ngoài ra, theo một kết quả khảo sát của các chuyên gia máy giặt, lượng nước tiêu thụ của máy lồng ngang chỉ bằng 40% chiều cao lồng giặt, giúp tiết kiệm được 60% lượng nước tiêu thụ. Máy lồng ngang còn được đánh giá giữ được chất lượng quần áo sau khi giặt.

Dau tu cua hang giat ui, chi phi thap nhung... de om lo
 

“Tiệm giặt ủi không cần các loại máy có quá nhiều công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, nên chọn loại máy có công nghệ truyền động trực tiếp vì giúp hạn chế tiếng ồn, giảm độ rung lắc” - một nhân viên tư vấn tại Siêu thị Điện Máy Xanh cho hay. 

Nên xác định trung bình mỗi ngày giặt bao nhiêu quần áo để xác định công suất máy cần mua. Ví dụ, nếu sử dụng máy giặt công nghiệp với công suất 25-30 kg/lần giặt, mỗi ngày công suất làm việc có thể 10 lần, từ đó tính được số lượng quần áo, vải vóc có thể giặt trong ngày. 

Đồng thời tùy từng loại khách hàng sẽ có dịch vụ khác nhau, từ đó chọn những thiết bị phù hợp. Ví dụ, với khách hàng dân sinh, dịch vụ chủ yếu là giặt ướt, giặt khô và ủi hơi nước; có thể sắm máy giặt ướt, giặt khô, bàn ủi. Còn nếu khách hàng là nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ là giặt ướt, giặt khô, ủi hơi, ủi ép. 

Ngoài ra, cần trang bị bột giặt, nước xả vải, bàn ủi, móc treo đồ, túi bóng đựng đồ sạch, sọt đựng đồ, cân lớn, kệ đựng quần áo, sổ hóa đơn, giấy ghi tên khách cùng kim băng cài giấy ghi thông tin vào quần áo của khách để tránh nhầm lẫn…

“Việc chọn nước xả vải không kém phần quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định khách có quay trở lại hay không. Nhiều khách hàng ngại giặt đồ ở tiệm vì mùi nước xả vải quá kinh khủng. Với họ, ngoài dịch vụ chu đáo, quần áo lưu giữ mùi hương lâu, mùi thơm dễ chịu là điều quan trọng” - anh Khoa nói. 

Chọn máy giặt cũ hay mới?

Hiện rất nhiều chủ cửa hàng chọn mua lại thiết bị của các tiệm giặt ủi khác hay thu mua thanh lý thiết bị không rõ nguồn gốc trên mạng. Do đó, họ không thể biết được hệ thống máy giặt, máy sấy hoạt động có tiết kiệm điện, nước, không gây tiếng ồn hay không. 

Dau tu cua hang giat ui, chi phi thap nhung... de om lo

Ngoài ra, rất nhiều cửa hàng giặt ủi quy mô nhỏ thường sử dụng máy giặt, máy sấy gia đình có công suất nhỏ để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu. Việc sử dụng các dòng sản phẩm máy giặt gia đình để phục vụ hệ thống giặt ủi có tần suất hoạt động cao khiến các thiết bị quá công suất, dễ hỏng hóc và tuổi thọ kém. 

Do đó, nếu có điều kiện, chủ cửa hàng nên đầu tư máy mới. Hãy chọn máy có công suất lớn. Nên đầu tư hệ thống điện 3 pha, tiết kiệm chi phí vận hành. 

Nếu kinh phí hạn hẹp, muốn mua máy cũ, bạn nên đến các siêu thị điện máy uy tín như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Thiên Hòa… Tại đây có bán máy giặt cũ nhưng không hoàn toàn cũ vì có những sản phẩm khách trả lại còn nguyên phụ kiện, thùng hộp như hàng mới, trong khi giá rẻ hơn máy mới từ 30-50%, được một đổi một trong tháng đầu tiên nếu mắc lỗi kỹ thuật.

Tuy nhiên, mua máy cũ tại các hệ thống này, khách phải chấp nhận một số nhược điểm: có thể máy không còn hoạt động êm ái hoặc hết công suất như mới khui thùng, phải cài đặt lại một số thông số trên bảng điều khiển nên thời gian giặt lâu hơn, dẫn đến lượng điện năng tiêu thụ nhiều; thiếu thùng hoặc một số phụ kiện đi kèm… 

Khi lựa chọn máy cũ cần kiểm tra kỹ các bộ phận quan trọng của máy như ống xả nước, lồng giặt, mâm giặt, van cấp nước, bảng điều khiển, ngăn chứa bột giặt, các mối điện… Chọn máy vẫn còn thời gian bảo hành. Nên mời người am hiểu về máy móc đi cùng để họ kiểm tra kỹ các chức năng hoạt động của máy. 

Dự trù kinh phí ra sao?

Cần dự trù kinh phí từ lúc thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, thuê nhân viên, đưa vào hoạt động… diễn ra bao lâu. 

Hiện mỗi máy giặt bình thường tầm 15-20 triệu đồng/máy; máy giặt công nghiệp loại 20kg giá 110 triệu đồng. Mỗi cửa hàng phục vụ cho khách hàng lẻ cần đầu tư khoảng 5-7 máy giặt ướt, 2-3 máy giặt khô. Như vậy, chi phí mua máy móc khoảng 100-200 triệu đồng cho máy mới và 50-100 triệu đồng cho máy cũ.

Ngoài ra, chi phí mua bột giặt, nước xả, móc, bàn ủi, giỏ đựng quần áo, bao bì, máy tẩy vết bẩn… tầm 20-30 triệu đồng; chi phí thuê mặt bằng từ 5-15 triệu đồng/tháng. Trong giai đoạn đầu, cần có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng như giảm giá, phát hành thẻ tích điểm, xả thơm miễn phí… Phải dự phòng kinh phí những chương trình này. 

Đặc thù của giặt ủi là khách hàng sẽ quay lại nếu dịch vụ tốt, giá cả hợp lý. Do đó nên tùy theo đối tượng mà có mức giá khác nhau để giữ chân khách. Nếu đối tượng là công nhân ở trọ, thì có thẻ ưu đãi về giá, khuyến mãi thêm xả thơm. Nếu đối tượng là nhân viên văn phòng, chất lượng dịch vụ phải đảm bảo để họ có cảm giác “tiền nào của nấy”.

Nên mở cửa sớm để tiện cho khách hàng đi làm sớm vào buổi sáng có thể ghé vào gửi đồ giặt và đóng cửa trễ để sau 18-19g khách vẫn có thể lấy được đồ. Tốt nhất nên có thêm dịch vụ nhận, giao đồ tận nơi cho khách và dự trù thêm khoản kinh phí này. 

Nên thuê sinh viên làm bán thời gian để có chi phí rẻ. Mỗi cửa tiệm nên thuê 2-4 nhân viên trực, 1-2 nhân viên giao nhận, chia ca với mức lương 12.000 -15.000 đồng/giờ (nhân viên trực) và 15.000 -17.000 đồng/giờ (nhân viên giao nhận).

Nên dành thời gian thử việc với nhân viên trước khi nhận làm chính thức, cần hướng dẫn kỹ cho nhân viên các khâu nhận đồ, vận hành máy giặt, sắp xếp quần áo. Nên chọn nhân viên trung thực, cẩn thận vì khách có thể bỏ quên tư trang, tiền bạc trong quần áo và tất cả phải được trả lại cho khách. Đây cũng là yếu tố ghi điểm của cửa hàng với khách. Nếu cửa hàng vận hành theo mô hình gia đình thì không cần thuê thêm nhân viên. 

Cần dự trù khoản kinh phí quảng cáo để thu hút khách hàng, cả kinh phí đề phòng rủi ro khi máy móc hỏng hay các vấn đề kỹ thuật khác. Như vậy, với số vốn khoảng 200 triệu đồng, bạn có thể mở được tiệm giặt ủi bình thường.

Nếu muốn đầu tư dàn máy giặt công nghiệp, bạn nên cân nhắc kỹ vì chi phí mua máy móc khá lớn và trước đó bạn phải ký được các hợp đồng lớn về số lượng giặt ủi hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Đầu tư máy xịn nhưng không có nguồn khách sẽ dễ ôm lỗ. 

Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua email:   tuvantaichinh@baophunu.org.vn

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI