Lương thấp, khó tuyển đủ giáo viên
Năm học 2023-2024, TP Hà Nội tăng khoảng 7.000 học sinh lớp Một, 58.000 học sinh lớp Sáu nhưng lại thiếu gần 9.000 giáo viên, trong đó riêng bậc tiểu học thiếu khoảng 3.600 giáo viên.
Để giải quyết, ngành GD-ĐT TP Hà Nội đã tăng cường hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các trường nội thành, ngoại thành, xây dựng ngân hàng giáo viên để trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên, cấp kinh phí cho giáo viên học sau đại học... Nhưng theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội - để ngành thu hút và giữ chân được nhân lực, Quốc hội, Chính phủ cần sớm hiện thực hóa chủ trương “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp”.
|
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nói về việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục ở TPHCM - Ảnh: Trang Thư |
Bà Y Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết, toàn tỉnh thiếu khoảng 800 giáo viên ở các bậc học nhưng với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn. Bà kiến nghị Bộ GD-ĐT có chế độ lương và chính sách đặc biệt để thu hút giáo viên đến làm việc ở những vùng khó khăn, dành ngân sách hỗ trợ việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cơ sở giáo dục công lập, không cắt giảm 10% nhân sự trong các đơn vị giáo dục công lập.
Ông Phan Thanh Duy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - đánh giá, đến nay, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn do một bộ phận giáo viên còn thiếu năng lực. “Do Bạc Liêu là vùng sông nước, đi lại khó khăn, lương giáo viên lại thấp nên rất khó tuyển được cũng như khó giữ chân giáo viên. Do đó, cần sớm có chính sách riêng cho giáo viên vùng sâu, vùng xa”.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - đầu tư cho giáo dục và y tế phải được đưa lên hàng đầu; trong đó, đầu tư cho con người là quan trọng nhất: “Trong xã hội, có 2 đối tượng được gọi là thầy, đó là thầy thuốc và thầy giáo. Người ta nhìn vào giáo dục, y tế và an sinh xã hội để đánh giá sự văn minh, tính nhân văn. Trong đầu tư cho giáo dục, phải chú trọng vấn đề tiền lương. Lương phải giúp giáo viên yên tâm giảng dạy, nghiên cứu”.
Đầu tư nhiều nhưng chưa tới
Ông Phan Thanh Duy cho hay, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư 27% ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, nhưng do tổng ngân sách không nhiều nên vẫn không thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều trường trong tỉnh Bạc Liêu còn thiếu phòng để dạy 2 buổi/ngày, thiếu các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch.
|
Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục, phải ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong ảnh: Một tiết học của Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: Trang Thư |
Ông Dương Xuân Huyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - nhận định, nhờ Nghị quyết 29-NQ/TW, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục của các địa phương khó khăn trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể, hệ thống trường lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn còn 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép. Tổng chi cho giáo dục ở Lạng Sơn chiếm gần 18% ngân sách, mà tổng ngân sách lại không nhiều nên kinh phí cải thiện trường lớp vẫn “khiêm tốn”.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, kinh phí đầu tư cho giáo dục chiếm 28% tổng chi thường xuyên từ ngân sách và chiếm 20% kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản. Hằng năm, TPHCM dành khoảng 2.000 tỉ đồng để hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. UBND thành phố tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi).
Ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - thừa nhận, đến nay, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục đào tạo, nhất là chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Mặt khác, các địa phương vẫn chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.
Phải làm nhiều hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo Bên cạnh ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29, cần nhìn nhận những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh mới. Đó là thách thức mới trong phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện; số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên; thách thức của mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số... Chúng ta thường nói tới bệnh thành tích nhưng sẽ còn những vấn đề lớn phía trước, như vấn đề giá trị ảo, vấn đề phi truyền thống. Các địa phương cần kiên định, nhất quán với định hướng đổi mới, đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới. Bộ GD-ĐT sẽ có những đề xuất với Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự thích ứng, vượt qua những thách thức trong thời kỳ sắp tới. Về vấn đề nguồn lực, có 2 từ khóa quan trọng là tiền và con người. Càng ngày, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện về vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới. Do đó, chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo, nhằm hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian tới. Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT |
Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng về tự chủ đại học Phát biểu tại hội nghị, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương - nhận định, trong 10 năm đổi mới, ở lĩnh vực giáo dục đại học, đã có sự phát triển hài hòa giữa trường công lập và ngoài công lập; các cơ sở đào tạo đại học đã xây dựng nhiều mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, đạt hiệu quả. Trong đó, việc cho phép các trường đại học tự chủ và việc ban hành Luật Giáo dục vào năm 2019 là 2 điểm đáng chú ý nhất, mang đến giải pháp đột phá và nhiều chính sách phù hợp, tạo động lực phát triển cho các trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều hạn chế, như sự nhận thức và kỳ vọng giữa nhà quản lý, nhà đầu tư cũng như những người phụ trách chuyên môn của cơ sở giáo dục có nhiều điểm khác nhau; nhiều quy định về đất, thuế đất, tổ chức bộ máy, tổ chức nhân sự, liên kết đào tạo… chưa rõ ràng khiến các trường bối rối; thiếu lộ trình rõ ràng cho việc triển khai tự chủ đại học nên các cơ sở giáo dục đại học có nhiều hình thức và mức độ tự chủ khác nhau; cơ chế thị trường để các cơ sở cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa hoàn thiện. Ông nói: “Chúng tôi mạnh dạn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng một nghị định mới về tự chủ để tạo đột phá cho sự phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh mới, trong đó hướng tới một cộng đồng các trường đại học cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo bình đẳng giữa các mô hình, các cơ sở; khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước”. Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có định hướng, quy hoạch về giáo dục đại học, có hướng dẫn rõ ràng về tự chủ để các trường không bối rối khi thực hiện. |
Nguyễn Loan - Trang Thư