Đầu tư cần có kiến thức, không nên chỉ tin nhân viên tư vấn

05/01/2023 - 12:39

PNO - Không ít người thời gian qua vì ham lãi cao, tin theo lời tư vấn của các nhân viên ngân hàng, môi giới nhà đất... bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đất, bảo hiểm nhân thọ…Sau đó rủi ro xảy ra, khách hàng gánh chịu thua lỗ, nhân viên tư vấn, môi giới thì chối bỏ trách nhiệm dù trước đó họ cố tình tư vấn sai tính năng sản phẩm, năng lực doanh nghiệp phát hành trái phiếu…

Thời gian gần đây, Báo Phụ nữ TPHCM liên tục nhận được đơn phản ánh của bạn đọc về việc gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng nhưng lại bị nhân viên ngân hàng thuyết phục mua bảo hiểm nhân thọ hoặc trái phiếu doanh nghiệp (DN). Các nạn nhân cho rằng, nhân viên các ngân hàng đã lợi dụng lòng tin của khách hàng để tư vấn lập lờ, không trung thực, chỉ nhằm thu lợi. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - kể, mới đây, gần 30 nạn nhân đã tìm đến ông đề nghị giúp đỡ. Họ gồm 20 người lỡ mua trái phiếu DN qua kênh ngân hàng, gần 10 người đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng bị dụ mua bảo hiểm nhân thọ. Qua các vụ việc tiếp nhận, ông thấy lỗi liên quan đến 4 bên chứ không chỉ là lỗi của riêng nhân viên môi giới. 

Nhân viên một quỹ đầu tư tài chính đang giới thiệu về một dự án bất động sản cho nhà đầu tư
Nhân viên một quỹ đầu tư tài chính đang giới thiệu về một dự án bất động sản cho nhà đầu tư

Các bên có lỗi gồm khách hàng (còn gọi là nhà đầu tư), DN phát hành trái phiếu, DN bán, môi giới (ngân hàng, công ty chứng khoán) và cơ quan chức năng. Trong đó, khách hàng đã không tìm hiểu, nắm đầy đủ thông tin về sản phẩm, về DN phát hành trái phiếu, sản phẩm bảo hiểm mà chỉ tin vào lời tư vấn có chủ ý của nhân viên môi giới; DN đã che giấu thông tin và mục đích thật sự của sản phẩm; DN bán, môi giới sản phẩm cung cấp thông tin không đúng như cam kết; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đã không theo dõi mục đích, kế hoạch sử dụng vốn của DN sau phát hành đến nơi đến chốn…

Ông Phạm Ngọc Hưng nói: “Nhân viên môi giới không thể tự ý cung cấp các thông tin sai sự thật cho nhà đầu tư mà do có sự chỉ đạo hoặc dung túng của chủ DN. Theo Luật Thương mại, người môi giới không chịu trách nhiệm về mua bán, thanh toán sản phẩm cho khách hàng nên họ nghĩ rằng mình vô can. Hoạt động môi giới phát sinh lợi nhuận nên rất cần có hành lang pháp lý rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân môi giới. Ví dụ, trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, ở phần chữ ký khách hàng, cần ghi đó là sản phẩm bảo hiểm gì hoặc quy định phải ghi âm cuộc tư vấn của nhân viên với khách hàng”. 

Tiến sĩ Lê Đạt Chí (Trường đại học Kinh tế TPHCM) cho hay, ở các nước, nhân viên tư vấn sản phẩm tài chính, đầu tư phải có bằng cấp tư vấn; nhân viên không được chào bán, ép bán các sản phẩm mà khách hàng không hỏi đến; phải có quy trình để khách hàng trả lời câu hỏi và hiểu rõ sản phẩm mà mình đang đầu tư. Nếu nhân viên tư vấn vi phạm quy định, sẽ bị rút giấy phép hành nghề, thậm chí bị truy tố. Ở Việt Nam, không có điều khoản nào chế tài các hành vi nói quá, nói sai sự thật của nhân viên môi giới. 

Nhưng theo ông, không phải đụng đâu cũng cần có quy định. Chẳng hạn, thay vì có quy định đối với nhân viên môi giới thì trong lĩnh vực trái phiếu DN, để hạn chế việc lừa gạt nhau, cơ quan quản lý không nên để cho thị trường sơ cấp hoạt động (mua bán các loại trái phiếu mới phát hành để huy động vốn), chỉ nên cho thị trường thứ cấp hoạt động (thực hiện giao dịch giữa các nhà đầu tư giống như trên sàn chứng khoán). Ở nước ngoài, bảo hiểm nhân thọ cũng được nhân viên ngân hàng chào bán nhưng phải cung cấp thông tin về sản phẩm đầy đủ, rõ ràng cho khách. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho hay, tình trạng mua trái phiếu hoặc một sản phẩm đầu tư nào đó rồi trở thành “tờ giấy lộn” là điều bình thường không chỉ ở Việt Nam. Cơ quan quản lý không thể cứ tìm kiếm, săn lùng các hình thức lừa đảo rồi ban hành quy định, bởi dù có ban hành mà người dân không có kiến thức về các sản phẩm mà mình đầu tư, họ sẽ tiếp tục gặp những hình thức lừa đảo tinh vi hơn, bởi ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm rất mong manh. 

Theo ông, có nhiều người đổ hàng trăm tỉ đồng để mua trái phiếu DN là bởi họ ham lợi nhuận cao, dễ dãi, không coi trọng các cảnh báo. Họ thừa biết rằng lợi nhuận càng cao thì rủi ro cũng càng cao nhưng họ lờ đi các rủi ro. Với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nhà đầu tư vẫn có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhưng do thấy lãi suất cao nên đã chuyển tiền ngay. 

“Khi bị lừa, nhà đầu tư trái phiếu, bất động sản ở nước ngoài sẽ không nhờ cơ quan nhà nước can thiệp bởi đó là kinh tế thị trường, là giao dịch dân sự. Không có lĩnh vực nào có lợi nhuận cao hơn tiền gửi ngân hàng mà không rủi ro. Mỗi nhà đầu tư nên có 2-3 địa chỉ chuyên gia để nhờ tư vấn khi cần, đó mới là một công dân hiện đại” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI