Đấu trường buổi sáng

26/02/2018 - 11:06

PNO - 30 phút đầu ngày, nhà bạn có ầm ĩ với cảnh bố mẹ réo con dậy, giục con nhanh chóng đánh răng rửa mặt, thay đồng phục...?

Dù là trẻ mới lên hai hay đã mười tuổi, đa số chúng vẫn chưa dứt khỏi tình trạng lề mề này, và có lẽ bạn sẽ còn phải làm bảo mẫu dài dài nếu không áp dụng “luật tự lo” cho trẻ ngay khi còn bé.

Dau truong buoi sang
Ảnh minh họa

Bạn có phải “thỉnh” con khỏi giường?

Đây là công đoạn mệt mỏi của các ông bố bà mẹ. Sáng gọi năm hồi bảy trận mà con vẫn không chịu dậy. Có nhà, bố phải dựng con dậy, vác vô nhà vệ sinh, con vừa nhe răng cho đánh vừa khóc hụ hụ, năn nỉ cho ngủ thêm năm phút.

Chị Nam Anh chia sẻ một bí quyết đánh thức con không mệt mỏi: “Để con dậy đúng giờ vào buổi sáng thì tối hôm trước phải buộc trẻ đi ngủ sớm. Ngủ đủ giấc thì trẻ không xin ngủ thêm. Buổi sáng, bạn nên đặt đồng hồ báo thức để con tự dậy. Có thể thời gian đầu, bé nghe đồng hồ, nhưng lười dậy, bạn đừng réo gọi gì. Hãy đặt hai lần báo thức.

Lần đầu, nếu con tắt đồng hồ ngủ tiếp, cứ để con ngủ cho đến lúc cận trễ giờ hoặc trễ hẳn giờ; báo thức lần hai, đảm bảo là đứa nhỏ nào cũng tỉnh ngủ hẳn và cuống cuồng chuẩn bị đến trường. Bé trễ vài lần sẽ “quê” với bạn bè hoặc bị cô nhắc, trẻ sẽ không ỷ lại vào bố mẹ nữa, sẽ tự giác dậy thôi”.

Phương pháp trên đòi hỏi cha mẹ phải có “tinh thần thép” mới áp dụng được. Đối với những em nhỏ thích mè nheo, nhiều lúc bố mẹ thật khó cầm lòng. Thế nhưng, cũng có chiêu để con dậy một cách vui vẻ. Khi đánh thức con, hãy nằm kế bên, gọi khẽ đến lúc bạn biết bé đã thức (nhưng có thể còn giả vờ ngủ) thì chuyển sang các trò đùa nhỏ, nói về những thứ yêu thích của con.

Nếu bạn nhắc đến cô búp bê mới mua hoặc anh siêu nhân có thói quen ngộ nghĩnh, bé sẽ có thể hưởng ứng một cách hứng thú. Khi đó, hãy rủ bé dậy vừa trò chuyện vừa vệ sinh cá nhân. Hãy tạo thói quen bắt đầu ngày mới đầy hứng khởi như thế để cả bố mẹ lẫn các con đều không thấy chán ghét việc phải thức dậy.

Cùng khởi động ngày mới

Dau truong buoi sang
Ảnh minh họa

Các gia đình trẻ hiện nay dường như ngủ dậy là phải tất tả đưa con đi học rồi bố mẹ đi làm. Chúng ta quên mất thói quen dạy con thu xếp nhà cửa, phòng ốc khi vừa thức dậy. Việc này không mất nhiều thời gian, nhưng sẽ tập cho trẻ sự tự giác, có trách nhiệm và biết sắp xếp mọi thứ ngăn nắp. Đây cũng là những việc mà ngày bé, mẹ hoặc bà vẫn dạy trẻ con làm khi sáng dậy:

- Gấp chăn màn: thường thì “thỉnh” con ra khỏi giường đã khó nên nhiều ông bố bà mẹ trẻ sẽ làm giùm con cho nhanh. Thói quen làm giúp này khiến trẻ mặc nhiên cho rằng cha mẹ phải phục vụ mình. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn không biết trên đời có cái việc gọi là xếp gọn mền gối.

Đến khi trẻ lớn lên hoặc ra khỏi vòng tay cha mẹ, chúng vẫn sẽ để giường ngủ bề bộn “như cái ổ chó” và sẽ có thể bảo: “Xếp làm gì, tối ngủ cũng phải xổ ra thôi” nếu có ai đó nhắc chúng xếp dọn. Việc gấp mền gối mất chưa tới năm phút. Hãy tập cho con bạn thói quen ấy. Thời gian đầu, bé chưa quen, xếp chưa đẹp; bạn có thể hướng dẫn, làm cùng con cho vui để tạo thói quen, nhưng nhớ đừng làm hết phần của con.

- Chải tóc: việc chải tóc sau khi ngủ dậy cũng cần thiết như đánh răng, rửa mặt. Cho dù có ra đường hay không thì vẫn phải tươm tất, gọn ghẽ. Các bé gái có mái tóc dài càng phải gọn gàng. Bố mẹ sợ con không biết cách chải, đau đầu nên giành chải, cột, tạo kiểu. Hậu quả là có gia đình, con gái học lớp Tám rồi mà sáng vẫn ngồi chờ mẹ chải đầu, lấy quần áo cho thay rồi mới đến trường.

- Quét phòng: trước khi ra khỏi phòng để ăn sáng, đi học, hãy dạy trẻ làm sạch không gian nhỏ của mình. Cầm chổi quét vài nhát, thu tất cả bụi, tóc rụng, để chiều, khi con bước vào căn phòng sạch sẽ, gọn gàng sẽ có cảm giác nhẹ nhàng. Thử tưởng tượng, sau một ngày cạn năng lượng mà bước vào căn phòng bẩn, bừa bộn thì bức bối thế nào.

Ngày xưa, các cụ dạy ta làm rất nhiều việc vào buổi sáng. Ngày nay, con chúng ta học hành khá nhiều, nên chúng ta cần giản tiện, nhưng vẫn cần dạy trẻ ý thức giữ gọn gàng, sạch sẽ không gian nhỏ của mình để khỏe mạnh và thư thả. Những việc trên mất chừng 15 phút của bé nhưng sẽ giảm áp lực cho bố mẹ rất nhiều. Quan trọng hơn, đó là cách ta dạy con biết làm việc, có trách nhiệm với bản thân và không gian sống của mình. 

Nếu con không hứng thú đến trường, tuyệt đối không nên dùng câu: “Con ơi, dậy đi học, trễ rồi” vì nó sẽ làm cho bé tuột hứng, tìm cách phản kháng, chống đối.

Cảnh Hân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI