Đấu tranh “đến hơi thở cuối cùng” để chấm dứt hủ tục cắt âm vật

31/03/2024 - 07:04

PNO - Gần đây, một số chính khách tại Gambia (Tây Phi) gây tranh cãi kịch liệt khi tỏ ý muốn bãi bỏ luật cấm thực hành tục cắt âm vật, vốn đã ám ảnh nhiều thế hệ phụ nữ. Những người vợ, người mẹ ở quốc gia này đang không ngừng lên tiếng phản đối, vì quyền lợi và sự an toàn cho con cái họ trong tương lai.

Fatou bị cưỡng ép trải qua hủ tục cắt âm vật (Female genital mutilation - FGM) khi chưa tròn 1 tuổi. Gây tổn hại dai dẳng đến cơ thể lẫn tinh thần nữ giới, truyền thống ghê rợn này – phổ biến ở nhiều nước châu Phi – đã được Liên Hợp Quốc chính thức nhìn nhận là hành vi “xâm hại nhân quyền”.

Nay đã bước sang tuổi 29, Fatou sống ở thị trấn nhỏ Bundung, ngoại ô thủ đô Banjul của Gambia. Ít lâu trước đây, khi hay tin Quốc hội đang cân nhắc dỡ bỏ luật cấm thực hành FGM, cô rất lo cho tương lai con gái mới 9 tháng tuổi của mình.

Hàng dài người, phần đông là phụ nữ, biểu tình phản đối việc Quốc hội Gambia đang cân nhắc bãi bỏ lệnh cấm thực hành FGM. (Ảnh: Reuters)
Hàng dài người, phần đông là phụ nữ, biểu tình phản đối việc Quốc hội Gambia đang cân nhắc thông qua một dự luật đi ngược lại mục tiêu bài trừ FGM. (Ảnh: Reuters)

Nỗi đau người làm mẹ

Fatou nói, không giấu được sự phẫn uất lẫn ám ảnh về FGM: “Thời điểm kết hôn, tôi và chồng phải đối diện chuỗi ngày dài đau khổ. Hôn nhân của chúng tôi trở nên không trọn vẹn, vì cơ thể tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng”. Đến khi mang thai, cô trải qua ca sinh khó đe dọa tính mạng.

Chồng Fatou luôn ở cạnh, hỗ trợ các hoạt động đấu tranh bài trừ FGM của vợ. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn có chỗ dựa từ gia đình.

Sarata, một bà mẹ trẻ cũng là nạn nhân của FGM, đã hai lần phải “vượt cạn” trong đau đớn, khổ sở. Khi cô mang thai con gái thứ hai, chồng Sarata bất hạnh qua đời vì tai nạn giao thông. Kinh tế gia đình sa sút từ đó. Dẫu vậy, người phụ nữ 35 tuổi vẫn nỗ lực làm việc kiếm sống và một mình chăm sóc con nhỏ.

Nhắc đến quyết định của Quốc hội Gambia mới đây, cô nghẹn ngào chia sẻ: “Họ muốn gì đây? Những người muốn duy trì loại hủ tục rùng rợn này, điều họ muốn đạt được là gì?”. Sarata, tuy nhiên, không hề chùn bước. “Dù tôi đã mất chồng, nhưng tôi tin mình không mất đi sự ủng hộ của anh ấy. Chúng tôi từng nói với nhau sẽ quyết tâm đấu tranh để các con chúng tôi không phải sống trong sợ hãi nữa. Tôi sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng”.

Với nhiều trẻ em gái ở Gambia, FGM vẫn là nỗi ám ảnh thưởng trực dù luật cấm thực hành hủ tục này đã có hiệu lực từ năm 2015. (Ảnh: UNICEF)
Với nhiều trẻ em gái ở Gambia, FGM vẫn là nỗi ám ảnh thưởng trực dù luật cấm thực hành hủ tục này đã có hiệu lực từ năm 2015. (Ảnh: UNICEF)

Bảo vệ quyền phụ nữ

Almameh Gibba, nhà lập pháp giới thiệu dự luật bãi bỏ lệnh cấm thực hành FGM, tranh cãi rằng lệnh cấm đã vi phạm quyền được thi hành các tục lệ truyền thống của quốc gia.

Tuy nhiên, những tổ chức bảo vệ nhân quyền đưa ra lập luận, nếu dự luật được thông qua, nó sẽ trực tiếp tác động xấu đến toàn bộ tiến trình đấu tranh vì nhân quyền tại Gambia.

Tổ chức phi lợi nhuận Suy xét cho Phụ nữ trẻ (TYW), đơn vị luôn tích cực triển khai các phong trào đấu tranh bài trừ FGM, tin rằng dự luật đang “phản bội” phụ nữ và trẻ em gái của Gambia.

“Ác mộng” khi nào chấm dứt?

Vì nguyên tắc dân chủ, Quốc hội Gambia cho phép sự tồn tại của những dự luật gây tranh cãi như trong trường hợp này. Mặc dù vậy, Bộ Giới tính, trẻ em và phúc lợi xã hội Gambia đã trải qua một tiến trình dài (từ thập niên 1980) để ngăn chặn – loại bỏ dần thói quen thực hành FGM.

FGM vẫn đang âm thầm tiếp diễn trong một số cộng đồng dân cư bảo thủ. (Ảnh: Reuters)
FGM vẫn đang âm thầm tiếp diễn trong một số cộng đồng dân cư bảo thủ. (Ảnh: Reuters)

Thế nhưng, bất luận nhiều nỗ lực, 73% phụ nữ tuổi từ 15-49 ở quốc gia Tây Phi là nạn nhân của FGM. Con số thống kê chứng minh rằng, chặng đường đầu tranh phía trước hãy còn đầy thử thách. Ngay cả khi Đạo luật Bảo vệ Phụ nữ do chính phủ Gambia thông qua đã có hiệu lực từ năm 2015 – tuyên bố FGM chính thức bị cấm, nó hãy còn âm thầm “lây lan” nỗi kinh hoàng.

Sau khi được đệ trình hôm 18/3 vừa qua, một ủy ban chuyên trách sẽ tiến hành xem xét dự luật mới. Quy trình sửa đổi, bầu chọn tiếp đó có thể kéo dài hàng tuần, đôi khi hàng tháng liền.

Một tương lai không còn FGM chưa thể sớm thành hiện thực với phụ nữ và trẻ em gái tại Gambia. Giới hoạt động nhân quyền và những nạn nhân như Sarjo, Sarata, Fatou đang tiếp tục lo ngại.

“Tôi luôn ao ước một thế giới yên bình nơi con gái tôi có thể lớn lên mà không phải sợ hãi điều gì nữa”, Fatou ngậm ngùi chia sẻ.

Như Ý (theo ALJAZEERA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI