Đâu thể lấy diễn xuất bù diện mạo

18/01/2024 - 06:41

PNO - Bộ phim Việt giờ vàng vừa lên sóng cách đây không lâu - "Dưới bóng bình yên" (HTV7) - đang thu hút sự quan tâm của người xem vì cốt truyện gần gũi về người nghèo ở TPHCM và vấn đề làm thiện nguyện của giới trẻ thành phố. Phim cũng có một điểm gây chú ý là việc nam nữ chính Lương Thế Thành và Nghệ sĩ ưu tú Kim Tuyến cùng “cưa sừng làm nghé”.

Trong phim, cả 2 hóa thân thành những thanh niên ngoài 20 tuổi trong khi ngoài đời Lương Thế Thành đã ngoài 40, Nghệ sĩ ưu tú Kim Tuyến ngấp nghé 40 tuổi. Không thể phủ nhận Lương Thế Thành và Nghệ sĩ ưu tú Kim Tuyến đều lột tả tốt tâm lý của nhân vật Quân và Mai Anh, nhưng xem phim, khán giả vẫn thấy màn nhập vai của họ chưa thể tự nhiên vì ngoại hình không phù hợp độ tuổi nhân vật. Lương Thế Thành trong vai một sinh viên vừa ra trường, đại diện cho những người trẻ sống ngây thơ, trong sáng. Tuy nhiên, nhìn diện mạo của anh, người xem khó cảm được đặc điểm đó ở Quân. So với tuổi thực, Lương Thế Thành vẫn trẻ, nhưng so với vai diễn một thanh niên ngoài 20 tuổi, diện mạo của anh không còn phù hợp.

Lương Thế Thành (trên, phim Dưới bóng bình yên) và Linh Sơn (dưới, phim Chúng ta phải hạnh phúc) có ngoại hình quá lệch so với nhân vật là sinh viên
Lương Thế Thành (trên, phim Dưới bóng bình yên) và Linh Sơn (dưới, phim Chúng ta phải hạnh phúc) có ngoại hình quá lệch so với nhân vật là sinh viên

 

Tương tự ở phim Chúng ta của 8 năm sau phần 2 (VTV3), dù không thể chê diễn xuất của Mạnh Trường (vai Lâm), nhất là biểu cảm ánh mắt trong những phân cảnh bộc lộ tình cảm với Dương, nhưng người xem vẫn thấy lấn cấn vì anh quá “dừ” để vào vai một thanh niên trẻ trung, si tình. Một phim Việt giờ vàng khác đang phát là Chúng ta phải hạnh phúc (VTV1) cũng khiến khán giả lấn cấn với dàn diễn viên ngoại hình không tương đồng với nhân vật, với bạn diễn. Phim bao gồm nhiều tuyến truyện xoay quanh một nhóm bạn đại học, sau khi ra trường 17 năm. Diễn viên Vĩnh Xương (vai Hòa) với bộ râu đặc trưng khiến anh trông già hơn nhân vật Hòa - người đàn ông tuổi trung niên. Một vài phân cảnh Hòa ở cạnh bạn học là Lê (Ngô Phương Anh đóng) trông giống cha con hơn bạn bè. Ở những phân cảnh tái hiện quá khứ, lúc các nhân vật đang ở đại học, khán giả khó có cảm xúc khi nhìn thấy diễn viên Linh Sơn (vai Tam) vào vai sinh viên vì gương mặt chững chạc và thân hình vạm vỡ. Chưa kể, anh còn đội thêm mái tóc giả để che đầu đinh khiến màn “cưa sừng làm nghé” thêm phần thảm họa. 

Trên màn ảnh rộng, khán giả cũng từng thấy khó coi khi Lê Dương Bảo Lâm hóa thân thành chàng trai ở tuổi thanh xuân trong Khi ta 25, Mạc Văn Khoa hay Quang Tuấn vào vai những học sinh cấp III trong phim 1990. Việc diễn viên phải vào những vai không hợp tuổi chỉ là lựa chọn an toàn cho đạo diễn, hoàn toàn không đem lại cảm giác dễ chịu cho diễn viên lẫn người xem. Diễn viên khi gồng mình “trẻ hóa” ít nhiều cũng khiến nét diễn thiếu tự nhiên.

Khán giả, cho dù bị diễn xuất thu hút, vẫn thấy khó cảm với nhân vật vì diện mạo lệch tuổi giữa diễn viên và nhân vật. Với những phân cảnh tái hiện quá khứ, thời lượng ngắn ngủi, người xem có thể chấp nhận, nhưng nếu diễn viên phải “cưa sừng làm nghé” xuyên suốt phim, chắc chắn là “thảm họa”. Dẫu đoàn phim có thể biện hộ lấy diễn xuất bù đắp, nhưng phim ảnh là sản phẩm kết hợp nghe - nhìn - cảm nhận. Không thể lấy cái này che lấp hạn chế của cái kia. 

Nguyễn Ngọc 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI