Đầu tàu TPHCM đang chạy chậm lại?

12/07/2022 - 12:12

PNO - Sáng 12/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị về vai trò của TPHCM trong phát triển kinh tế vùng.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị

Sáng 12/7, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TPHCM. 

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Trung ương, Bộ Chính trị quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, việc phát triển các khu vực này còn nhiều điểm chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng.

Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,65%/năm, vùng Đông Nam bộ tăng trưởng 5,51%/năm, trong khi cả nước tăng 5,99%/năm.

"Đầu tàu TPHCM dường như đang phát triển chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển vùng", ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - nhận định.

Ông Phạm Bình An cho rằng, do TPHCM gặp nhiều điểm nghẽn, như thiếu hạ tầng giao thông kết nối vùng, nguồn lực tài chính, ý tưởng sáng tạo để phát triển. 

Ông Phạm Bình An phát biểu tại hội nghị
Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM - phát biểu tại hội nghị

Đối với phát triển vùng, ông Phạm Bình An nhận định, vướng mắc lớn nhất chính là thiếu giải pháp về mặt thể chế. Ông nói: "Chúng ta có ban chỉ đạo và hội đồng phát triển vùng nhưng không có ngân sách riêng, không có bộ máy chuyên trách. Chúng ta cần hiểu rõ, muốn các địa phương gắn kết, cần sử dụng công cụ tài chính, ngân sách thay cho mệnh lệnh hành chính".

Về giải pháp, ông Phạm Bình An cho rằng, vùng Đông Nam bộ cần có cơ quan tư vấn chuyên trách, hội đồng, tổ công tác chuyên sâu. Ngoài củng cố bộ máy, cần có định chế ngân sách cấp vùng, có đội ngũ chuyên gia xây dựng đề án, rà soát quy hoạch, tổng hợp thông tin, dữ liệu vùng, tham mưu Chính phủ để kịp thời ban hành các quyết sách.

Ông Phn Công Bằng
Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM 

Theo ông Phan Công Bằng, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần chia thành năm tổ công tác có sự tham gia các sở, ngành liên quan của các tỉnh/thành. Ngoài ra, Trung ương cần hỗ trợ kinh phí để các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông liên vùng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng để tác động hành vi, thói quen tham gia giao thông của người dân.

Vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh vùng Đông Nam bộ cùng với tỉnh Long An và Tiền Giang.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp 42,6% GDP; 51,9% thu ngân sách và 39,9% về kim ngạch xuất khẩu cả nước.

TPHCM có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong nước và quốc tế cũng như đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng.

Nếu xét vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, riêng TPHCM đóng góp 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của cả vùng.

TPHCM có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào thành phố và đầu tư của thành phố ra vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đây cũng là trung tâm ngân hàng, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo của vùng, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao về dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp trong vùng…

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI