Đâu rồi ấu thơ giữa ngày phố lạ

04/03/2022 - 06:43

PNO - Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng má lại nhét vô tay tôi năm trăm, một ngàn đồng “để con ăn hàng”. Má cũng người miền Tây, lấy ba thì theo về xóm này…

Sáng cuối tuần, trở về nhà sau cữ cà phê sớm với hội bạn già nơi đầu hẻm, má buông câu tiếc nuối: “Bà Tám chè dọn đồ về quê luôn rồi bây”. Mấy đứa con nghe chưng hửng. Nắng tháng Ba rải những đốm vàng xuống đám bông giấy đỏ… 

Những gánh chè mộc mạc ngày càng hiếm dần giữa đô thị
Những gánh chè mộc mạc ngày càng hiếm dần giữa đô thị

Tuổi thơ tôi trong cái xóm nghèo giữa lòng Sài Gòn mang đầy ký ức chẳng thể quên. Đám trẻ con sàn sàn tuổi nhau hay kết thành nhóm, cứ rảnh rỗi thì tung cửa chạy ra ngoài, thể nào cũng có ngay vài đứa đang chơi, vậy là tụ lại. Xóm nghèo nên cũng toàn con nhà nghèo, ba má lo mưu sinh, đám nhỏ cứ vậy tự học, tự coi nhau. Xóm có vài ông bà già nội ngoại của đứa này nhưng rảnh rang thì canh luôn cho đám nhỏ nhà khác, thành thử nội đứa này cũng là nội đứa kia, ngoại đứa nọ cũng là ngoại của cả bầy. 

Xóm toàn dân tứ xứ, mỗi người lại mang theo phong vị ăn uống, món ngon quê mình để nhắc nhở bản thân hay cháu con không quên cội nguồn xứ sở. Tỷ như bà Tám chè người miền Tây, đám trẻ nhỏ chúng tôi chẳng biết bà tên gì, bởi món bà bán đã thành cái tên biết bao người lớn nhỏ trong xóm quen gọi, gọi miết thành tên. 

Gánh chè luôn là nơi đám nhỏ chúng tôi tìm đến sau những lần chạy chơi áo ướt đẫm mồ hôi. Ly chè bánh lọt sương sa hột lựu là thứ ăn vặt theo chân bà lập nghiệp nơi thị thành. Chồng bà làm thợ hồ, hai đứa con nhỏ của bà cũng trạc cỡ đám tôi. Vậy là bà Tám chè quẩy gánh ra giữa con hẻm nhỏ của xóm, vừa bán vừa trông con. Ly chè ngày ấy chỉ một ngàn đồng mà nhiều quá chừng. Bánh lọt bà Tám làm kỳ công lắm.

Có lần, thằng con trai lớn của bà kể: "Nhà tao hồi đó dưới Cần Thơ, má tao học nghề chè từ ngoại. Nội cái bánh lọt tụi bây hay ăn cũng kỳ công lắm nghe. Má tao lấy gạo nở ngâm với tro cây gòn và vôi Càn Long. Má tao hay nói bí quyết là ở đó: phải đúng tro đúng vôi thì mới ra cọng bánh lọt dai dai, sần sật.

Má tao làm đàng hoàng tử tế, hổng có pha hàn the vì bán cho bà con trong xóm, rồi nhiều khi con cái mình ăn. Buôn bán là nghĩ tới cái bền chặt lâu dài chớ hổng phải một ngày một bữa. Mấy khi có người đặt, tụi tao phải làm phụ, riết hai anh em tao cũng biết canh gạo qua đêm, rồi xả nước cho hết mùi tro, đem đi xay, rồi ép bánh"... 

Thứ bánh lọt của bà Tám ăn với nước đường thốt nốt thắng sền sệt kèo kẹo và nước cốt dừa thơm lừng béo ngậy. Gánh chè bà Tám còn có thêm nhiều thứ cho tụi con nít mặc sức chọn, như sương sâm, sương sáo, chè thưng, chè chuối, chè đậu…

Gánh chè đó đi theo tuổi nhỏ chúng tôi suốt bao ngày hè. Đôi đòn gánh ngày càng cũ kỹ, oằn vai bà Tám thì đám nhỏ cũng dần lớn lên.

Nếu hỏi chè ở đâu ngon nhất Sài Gòn, tụi nhỏ trong xóm cứ chè bà Tám mà khen tấm tắc. Mãi sau này, khi đã lớn, đám chúng tôi vẫn tiếc hoài vị bánh lọt thủ công được làm từ đôi bàn tay của người đàn bà lam lũ ngày ấy. 

Đám trẻ cùng lớn lên nơi con xóm nhỏ hễ gặp nhau lại ngồi nhắc nhớ mấy thứ cũ càng kiểu năm một ngàn chín trăm… hồi đó, như đầu xóm có ông Hai công lộ. Cái tên gắn liền với cái tánh. Vợ chồng ông Hai có cái tiệm bán mấy món bánh kẹo chút cha chút chít cho đám trẻ trong xóm.

Nói là tiệm cho sang chớ thiệt ra đó chỉ là cái bàn với cái mẹt kê vài ba món bánh, dăm bảy thứ kẹo quê mùa.

Tiệm ngay đầu hẻm nên hễ xe cộ ra vào mà chạy rồ ga hay phóng nhanh, ông đều lớn tiếng nhắc nhở: “Hẻm nhỏ, xóm toàn con nít, chạy vậy lỡ tông trúng tụi nhỏ thì sao?”. Hẻm nghèo, con nít chơi rông, người này, người kia ngó phụ. Ba má tụi nhỏ đi làm, chỉ cần í ới “chú Hai coi giùm tụi nhỏ”, “thím Hai nhắc giùm tụi nhỏ trưa ăn cơm nhen”… Vậy nên ông Hai bắc cái ghế canh tiệm bánh, canh luôn chuyện xe cộ cho tụi nhỏ được an toàn. 

Mấy món quà vặt trong tiệm bánh ông Hai rẻ rề, năm trăm đồng hồi đó mua được bịch kẹo trái cây chia cho cả đám hay chỉ cần một ngàn đồng là đủ mua năm trái me ngâm. Thứ me dài đòn, xanh xanh, ngâm chua chua ngọt ngọt chấm muối ớt luôn là thứ đám con gái hay ăn nhất.

Tiệm ông Hai còn nhiều thứ làm mê đắm đám con nít, kiểu như mấy bịch si-rô đông đá giá chỉ hai trăm đồng/bịch. Sau mấy trò chơi mướt mồ hôi, đám con nít lại tạt qua tiệm ông Hai mua bịch si-rô đá đủ màu, cắn một phát vào đáy bịch rồi nút lấy nút để. Vị ngọt, vị mát thấm nơi đầu lưỡi, tan vào cuống họng thiệt đã nư. 

Chưa hết, trên đầu mấy bịch si-rô đá còn cột mấy chiếc xe đạp nhỏ xíu làm bằng nhựa xanh đỏ tím vàng theo màu nước si-rô. Lũ nhỏ chúng tôi cứ ăn xong lại để dành chiếc xe nhỏ xíu đó vào cái lon sữa bò. Đủ chục chiếc xe lại đem ra đổi một bịch si-rô mới. Cái trò khuyến mãi này khiến cả đám nhỏ ngày nào cũng phải ghé qua mua ít nhất một bịch si-rô để lấy chiếc xe bỏ lon sữa bò. 

Quán ông Hai còn một món mà tới bây giờ, đám trẻ chúng tôi vẫn hay nhắc: me ngào chua ngọt ăn với bánh tráng đỏ rắc thêm chút mè trắng. Một miếng chỉ hai trăm đồng nhưng cái vị me ngào sên dẻo cộng với bánh tráng giòn rụm, cắn vào một phát là đầu lưỡi ứa nước miếng.

Thời này ở Sài Gòn ít thấy món đó. Thỉnh thoảng, tôi đi ngang qua góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu lại thấy có chiếc xe đẩy của một phụ nữ lớn tuổi bán mấy món ăn vặt ưa thích của đám trẻ chúng tôi ngày nhỏ, bất chợt lại thèm vị xưa miền cũ. 

Vài món quà vặt gắn liền với tuổi thơ một thế hệ
Vài món quà vặt gắn liền với tuổi thơ một thế hệ

Thời cuộc đẩy nhiều cư dân tao tác khắp nơi. Còn chăng cũng chỉ dăm hộ gia đình kỳ cựu. Người mới đến mang theo nhiều cái mới, nhà cao cửa kín. Thành ra cái xóm vẫn đầy người nhưng vắng tiếng nói cười. Chỉ mấy nhà còn sót lại í ới cùng nhau.

Hơn hai chục năm, đám trẻ ngày xưa con cái đùm đề, bất giác gặp nhau giữa xô bồ phố xá, chào hỏi nhau, ưa nhắc chuyện bà Tám chè, hỏi vợ chồng ông Hai, hỏi anh bán cà rem dạo này sao rồi… Hồi xưa, tụi nhỏ còn mê món bánh mì ổ nhét cục kem đậu xanh, rưới miếng sữa đặc, rắc mấy hột đậu phộng.

Chuyện nhắc nhớ chỉ vậy rồi mạnh đứa nào đứa nấy lao vào hối hả cơm áo gạo tiền. Mấy món ăn vặt ngày ấu thơ cất luôn một góc đâu đó trong trí nhớ. Quên luôn chuyện đứa này hổng đủ tiền mua thì đứa kia cho mượn hoặc có khi “chơi lớn” bao luôn đám bạn chục đứa chục bịch si-rô mà cười hãnh diện vô cùng. Chục bịch là hai ngàn đồng, món tiền để dành cả tuần chứ ít gì. Nhưng thời đó, đám con nít nào biết sanh nạnh, toan tính từng đồng từng cắc với nhau. Miễn cùng ăn, cùng cười, cùng chơi đã là niềm vui chẳng tiền bạc nào mua được.

Phố giờ lạ quá, hẻm nới rộng ra, đường cái lớn phóng thành con lộ bốn làn xe. Vậy mà lòng người lại chật chội. Xóm nghèo giờ đã thoát nghèo, trở nên khấm khá. Xe chạy vào hẻm phóng vèo vèo nhưng không còn ông Hai công lộ nhắc nhở. Dọc xóm cũng đâu còn gánh chè, tiệm bánh. Đám con nít cũng chẳng túa ra đường chơi vì đã có game online. Đám con nít giờ hổng thèm mấy thứ ăn vặt quê mùa mà đòi pizza, gà rán, trà sữa… 

Bà Tám chè về quê sau bao nhiêu tháng năm neo phận đời ở xóm nhỏ. Đám con cái thành đạt sắm nhà chung cư cao cấp, bà ở không quen. Cái xóm cũ thì buồn hiu. “Thôi bả về cố xứ, đất quê chắc cũng còn dăm ba thứ cũ càng để níu giữ lòng xưa hen bây” - má nói vậy rồi thở dài thườn thượt. Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng má lại nhét vô tay tôi năm trăm, một ngàn đồng “để con ăn hàng”. Má cũng người miền Tây, lấy ba thì theo về xóm này… 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI