Trong những lần về thăm quê nhà, bè bạn, người thân của tôi dù rất vui mừng trước những đổi thay tích cực của đất nước nhưng vẫn đau đáu một điều khi có dịp đến các cơ sở y tế của: nạn ùn ứ, quá tải trong các bệnh viện, phòng khám công lẫn tư, khiến cả nhân viên y tế và bệnh nhân, người thân đều mỏi mệt. Ở đây không đề cập quá trình điều trị, chỉ nói đến quy trình khám-nhận bệnh, nơi dễ dàng nhận thấy sự quá tải trước tiên.
Tôi thường đi khám tổng quát vài thứ cơ bản ở một vài bệnh viện tư nhân lớn có tiếng trong thành phố. Khu vực khám lúc nào cũng đông nghịt người (có người đến từ rất sớm để "xí chỗ"). Lần nào cũng mất nửa ngày (không ít lần phải chờ qua giờ nghỉ trưa) chỉ để gặp bác sĩ khám, chụp X-quang phổi, siêu âm tim, bụng, đo điện tâm đồ, thử máu và nhận kết quả, mua thuốc tại bệnh viện. Nửa ngày (hoặc hơn) là khoảng thời gian không nhỏ với những người bận rộn. Các bệnh viện "5 sao" có quy trình khám bệnh nhanh gọn hơn nhưng dĩ nhiên, mức giá cũng chưa phổ biến với số đông (có lẽ vì vậy nên ít khách?). Chưa kể vẫn còn tâm lý nghi ngại các bệnh viện "5 sao" chỉ "xịn" ở cơ sở hạ tầng vật chất chứ chất lượng khám, chữa bệnh chưa đảm bảo.
Khu vực khám tại các bệnh viện ở Mỹ thường không quá đông (ảnh minh hoạ)
Nhiều người than phiền chế độ khám bệnh ở Mỹ rườm rà, mất thời gian và tốn kém. Tuy nhiên, từng đưa người nhà điều trị dài hạn tại các bệnh viện ở Mỹ, tôi vẫn công nhận những ưu điểm của cách làm việc trong hệ thống y tế của họ đáng để ta học hỏi và áp dụng vào các bệnh viện ở nước mình. Điển hình là quy trình tiếp nhận và khám bệnh.
Cụ thể, ở Mỹ khuyến khích người ta đặt hẹn trước khi đến khám nên không phải chờ lâu. Khám xong người bệnh ra về luôn, không cần chờ kết quả nên khu vực khám thường không đông. Nếu khám tại phòng khám gia đình, khi có kết quả bác sĩ sẽ gọi điện thông báo. Nếu khám tại bệnh viện, bệnh nhân có thể tạo tài khoản trên trang web hoặc ứng dụng của bệnh viện để tự xem kết quả. Nếu bác sĩ chỉ định xét nghiệm, chụp X-quang, MRI, CT... ở một đơn vị khác (thường là có liên kết với bệnh viện) thì khi có kết quả, những nơi đó sẽ gửi kết quả cho bác sĩ. Bệnh nhân không cần chờ lấy kết quả in ra rồi quay lại gặp bác sĩ khám như ở ta (bệnh nhân có thể tự xem kết quả trên web hoặc ứng dụng của những nơi này). Các bác sĩ ở đây rất linh hoạt trong việc dùng file hoặc bản chụp kết quả qua điện thoại chứ không yêu cầu bản in gốc.
Nếu bệnh nghiêm trọng, bác sĩ sẽ gọi điện yêu cầu nhập viện. Nếu chỉ cần điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ gửi toa thuốc cho nhà thuốc gần nhà nhất mà bệnh nhân chọn đăng ký từ đầu. Khi có thuốc, tùy cách bệnh nhân đăng ký nhận thông tin trước đó, nhà thuốc sẽ gọi điện, nhắn tin hoặc gửi email thông báo các loại thuốc bác sĩ kê toa để đến nhà thuốc nhận (nhiều trường hợp nhà thuốc sẽ giao tận nhà miễn phí). Quy trình này diễn ra khá nhanh bất kể bệnh nhân có bảo hiểm y tế hay không. Nếu chỉ khám đơn thuần, chậm nhất là trong ngày bệnh nhân sẽ nhận được thuốc. Nếu có xét nghiệm, chụp hình ảnh... thời gian nhận thuốc tuỳ vào kết quả nhưng cũng không quá 2-3 ngày. Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ cho những ca đặc biệt.
Có tiếp xúc thực tế với nhân viên y tế ở Mỹ cũng như được tiếp cận quy trình khám chữa bệnh của họ, tôi nhận ra trình độ chuyên môn của bác sĩ, quy trình điều trị cũng như khả năng ứng dụng khoa học công nghệ tại các bệnh viện ở ta không hề thua kém. Việt Nam từng tự hào là điểm đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh của nhiều bệnh nhân nước ngoài do trình độ chuyên môn trong lĩnh vực y tế cao. Thế nhưng, giữa thời đại 4.0, các bệnh viện vẫn chưa giải quyết được tình trạng quá tải ở khâu khám bệnh quả là điều đáng tiếc.
Được biết ngành y tế ở ta vẫn có chế độ đề cử cán bộ đi thực nghiệm ở nước ngoài để huấn luyện, tham quan, học hỏi. Giá mà những điều tôi được tai nghe mắt thấy như nói trên được quan tâm, xem xét và áp dụng vào quy trình khám, chữa bệnh ở nước mình thì việc chờ đợi, quá tải, áp lực ở khâu khám bệnh sẽ không còn là nỗi ám ảnh của cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.