|
Mùa mưa, cẩn thận tai nạn rắn cắn - Ảnh minh họa: Internet |
Rắn “xâm nhập” chung cư cao cấp
Ở khu vực nông thôn, nhìn thấy rắn, bị rắn cắn là chuyện phổ biến vì môi trường sống có nhiều cây cối rậm rạp, thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, tại thành thị, giữa trung tâm thành phố vẫn có nguy cơ bị rắn cắn nếu chúng ta không cảnh giác.
Vừa qua, gia đình anh P.V.Đ. (ngụ tại một khu căn hộ cao cấp ở quận 7, TPHCM) tá hỏa khi thấy một con rắn lục lao từ ban công vào phòng ngủ. Thoạt nghe, ai cũng bán tín bán nghi, không hiểu vì sao chung cư cao cấp lại có rắn. Sau khi nghe anh Đ. kể, mọi người mới vỡ lẽ. Nhà anh Đ. ở tầng 3. Vì tầng không cao nên ban công phòng ngủ của căn hộ ngang ngọn cây được trồng ở vỉa hè dưới đường.
Mấy hôm nay trời mưa, mát mẻ nên anh Đ. không bật điều hòa mà mở hết cửa sổ, cửa lùa ban công cho thoáng gió. Khi đang nằm trên giường, anh Đ. nghe tiếng “bịch” ở ban công, ngó ra thì thấy một con rắn lục nhỏ, dài chừng 2 gang tay từ tán cây bên ngoài rơi xuống sàn nhà rồi lao thẳng vào phòng, chui vào gầm giường.
Rất may, lúc này, 2 con của anh Đ. đang đi học. Không lâu sau đó, nhờ sự hợp sức của nhiều người, con rắn đã bị bắt. Tán cây um tùm bên ngoài ban công nhà anh Đ. cũng được tỉa bớt để không chĩa cành lá sang nữa. Anh Đ. vẫn còn ám ảnh việc con rắn lao vào phòng ngủ. Dù cây cối đã được phát quang, tỉa gọn nhưng anh vẫn luôn cảm thấy bất an, lo lắng. Kể từ đó, dù mở cửa lùa ban công đón gió, anh cũng thận trọng kéo cửa lưới lại để đề phòng các loại côn trùng, bò sát từ cây cối dưới đường “xâm nhập” vào phòng.
Tương tự, anh N.N.H. (ngụ tại một khu đô thị ở quận 7, TPHCM) có thói quen sáng sớm dắt cún cưng cùng chạy bộ trong công viên gần nhà. Cách đây vài ngày, khi anh H. chạy ngang bụi cây trong công viên, bỗng 1 con rắn lục lao ngang qua đường. Lúc đó, cún cưng của anh H. kích động, đuổi theo thì bị con rắn cắn trúng chân, sau đó không qua khỏi. Anh H. không bị thương nhưng cũng một phen hú hồn. Sau hôm ấy, anh bỏ luôn thói quen vào công viên chạy bộ.
Anh V.V.K. (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng cho biết vừa qua, anh thấy một con rắn lục đuôi đỏ trong vườn nhà. Kể từ đó, anh không dám ra vườn khi trời tối.
|
Nên rửa sạch vết thương do rắn cắn bằng xà phòng dưới vòi nước chảy - Ảnh minh họa: Internet |
Sơ cứu đúng cách rồi lập tức tới bệnh viện
Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị rắn cắn trong kỳ nghỉ hè, đặc biệt là giai đoạn cuối hè đầu thu, bước vào mùa mưa. Lúc này, mưa xuống khiến hang rắn ngập nước. Vì thế, rắn có xu hướng leo lên cây, ẩn mình trong các bụi rậm và tán lá. Tai nạn rắn cắn thường xảy ra khi trẻ em chơi đùa tại những nơi cây cối rậm rạp, đánh động chỗ ẩn nấp của rắn. Tại nông thôn, người dân hay bị rắn cắn lúc làm vườn, phát rẫy, dọn cỏ…
Không ít trường hợp rắn từ các bụi cây rậm rạp chui vào nhà cắn người. Nhiều người thường cho rằng môi trường đông đúc, nhộn nhịp như ở thành phố thì không có rắn. Thế nhưng, điều này chưa chính xác. Hiện nay, người dân thành phố đang có xu hướng sống xanh, gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, họ trồng khá nhiều cây trong sân nhà. Chưa kể tại các khu đô thị thường có nhiều công viên, trồng nhiều cây cối. Thế nên rắn vẫn có chỗ ẩn nấp ở thành thị.
Không phải trường hợp nào gặp rắn cũng may mắn tránh được. Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một bé trai 22 tháng tuổi bị rắn hổ mèo cắn. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, chèn ép khoang tại vị trí chân bị cắn. Các bác sĩ đã khẩn trương đặt nội khí quản trợ thở, lọc máu và chăm sóc vết thương cho bệnh nhi. Thật may, bé đã hồi phục và xuất viện. Nếu trường hợp này được đưa tới bệnh viện muộn hơn một chút, tính mạng sẽ bị đe dọa.
Một ca khác là bé trai M.L. (7 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương.) Gần đây, mưa xuống nên xung quanh khu vực nhà bé L. có nhiều rắn. Cha mẹ bé kể rằng, sau cơn mưa, có con rắn bò vào nhà. Bé L. không ý thức được sự nguy hiểm, hiếu kỳ nhặt con rắn lên chơi thì bị cắn vào ngón tay cái. Nghe tiếng bé kêu, nhìn thấy con rắn và trên tay bé có vết thương, gia đình đoán bé đã bị rắn cắn. Ngay lập tức, bé L. được đưa đi sơ cứu ở trung tâm y tế gần nhà rồi chuyển đến bệnh viện. Nhờ được phát hiện và đưa đi bệnh viện sớm, bệnh nhân chưa bị biến chứng nghiêm trọng.
Qua nhiều trường hợp trẻ em bị rắn cắn, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Ngân - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo người dân cần thực hiện đúng cách để cứu nạn nhân kịp thời. Trước tiên, cần giữ bình tĩnh, lấy gậy dài gạt con rắn ra khỏi nạn nhân. Tiếp theo, rửa sạch vết thương do rắn cắn bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Sau đó, dùng dung dịch sát khuẩn (Betadine hay Povidine) vệ sinh vết thương, nẹp cố định chi (tay, chân) có vết thương, băng bó lại; phần chi bị thương phải đặt thấp hơn tim để hạn chế tình trạng hấp thu nọc độc.
Nhìn chung, các trường hợp bị rắn cắn (kể cả rắn lành) đều cần xử trí và được theo dõi tại bệnh viện tối thiểu trong 12 giờ đầu tiên. Hiệu quả điều trị cao hay thấp phụ thuộc vào thời điểm đưa tới bệnh viện (sớm
hay muộn).
Tránh hoảng loạn, bỏ chạy khi bị rắn cắn. Cột ga rô quá chặt sẽ làm thiếu máu nuôi phần chi bên dưới. Ngoài ra, không ít trường hợp chữa rắn cắn bằng cách cắt lể, nặn máu, hút nọc, đắp lá… làm nhiễm trùng, tăng hấp thu nọc độc khiến tình trạng càng thêm nặng nề.
Theo bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng 1 - tai nạn rắn cắn rất hay gặp vào mùa mưa do khi đó, thời tiết trở lạnh, rắn thường bò vào nhà (gặp nhiều ở khu vực nông thôn) tìm chỗ trú ẩn ấm áp. Ngoài cách xử trí vết thương hợp lý, đưa nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt, ta còn cần ghi nhận đặc điểm của con rắn. Không ít trường hợp quá hoảng loạn nên không nhớ hình dáng, màu sắc con rắn đã cắn nạn nhân. Trong khi đó, việc biết chính xác loại rắn đã cắn sẽ hỗ trợ các bác sĩ quyết định được đúng loại huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp.
Những loại rắn độc thường gặp Tại Việt Nam, có 2 loài rắn độc thường gặp nhất là rắn họ hổ (hổ mang, hổ đất, hổ mèo) và rắn họ lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp). Rắn chàm quạp và rắn lục đuôi đỏ rất hay gặp ở các tỉnh, thành phía nam. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn rắn cắn gây ra hơn 5 triệu ca cấp cứu và 138.000 ca tử vong mỗi năm. Nọc độc từ rắn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, khiến nạn nhân có nguy cơ phải cắt cụt các chi và để lại nhiều khuyết tật vĩnh viễn. Nọc độc của rắn được chia làm 3 nhóm chính: cytotoxin, neurotoxin và hemotoxin. Sau khi bị rắn cắn, con mồi thường cố chạy thoát hoặc giãy giụa khiến chất độc lan tỏa nhanh theo dòng máu. Neurotoxin làm tê liệt thần kinh, hemotoxin phá hủy tế bào hồng cầu còn cytotoxin phong bế các enzyme hô hấp tế bào. |
Thanh Huyền