* Cứ như một trào lưu chung, đàn bà cứ thành đạt thường lại bất hạnh trong đời sống gia đình. Phải thế không?
Chắc chắn là không phải rồi. Cũng như câu nói “hồng nhan bạc phận” vậy, không phải cứ thành đạt thì bất hạnh, nhưng rất có thể khi thành đạt thì người phụ nữ dám quyết liệt không chấp nhận người đàn ông đó ở bên cạnh mình như một người chồng thôi.
Trong tầm hơn 10 năm trước tôi từng đọc một nghiên cứu cho thấy đàn ông trong xã hội bình quyền nam nữ dể cảm thấy bối rối và căng thẳng hơn. Cơ bản vì nhiều người đàn ông tự cho mình “quyền” phải giỏi hơn đàn bà. |
Tôi có quen một chị bạn là một người nổi tiếng cương trực và thẳng thắn, và cũng vì điều đó mà chị ấy nhanh chóng thành công trong công việc kinh doanh, bên cạnh ông chồng là một người có khả năng về kỹ thuật và trợ giúp rất tốt trong cơ sở sản xuất của gia đình.
Hai vợ chồng bắt đầu mâu thuẫn về chuyện anh chồng thấy mình không thể dưới cơ vợ được và có ý muốn là phải làm quản lý công ty. Nhưng khi anh ấy quản lý thì doanh số đi xuống thấy rõ, rồi chị vợ ấy phải quay lại làm quản lý. Việc công ty ngày càng nhiều, nhất là khi chị vợ quyết định mở rộng nhà xưởng và làm ăn to hơn. Bao nhiêu kỳ vọng về một anh chồng chăm lo cho con cái (một đứa cấp 1 một đứa cấp 2) bị phá sản hết, anh chồng dành thời gian bia rượu với bạn bè và… không làm gì, còn lại tất cả từ việc quản lý ở công ty đến chuyện chăm lo cho con học hành chị vợ phải lo trọn.
Chị vợ vừa hoàn tất xong hồ sơ ly dị vì anh chồng bắt đầu công khai quen một cô gái khác mà ở đó anh chồng rất được đề cao, và chỉ có việc mang tiền về cho cô ấy mà thôi.
Trong câu chuyện này, tôi thấy chị vợ có bất hạnh nhưng cơ bản thì có lẽ anh chồng bất hạnh hơn. Hơn nữa, tôi nghĩ chị vợ đã làm đúng và có quyết định đúng cho tương lai của con cái và hạnh phúc của chính chị ấy. Chúng ta hay nghĩ chia tay trong hôn nhân là bất hạnh nên có thể dễ dàng đưa ra đánh giá là người vợ ly dị là bất hạnh nhưng không phải như vậy.
Bất hạnh hay hạnh phúc là chuyện của mỗi người và chỉ có người trong cuộc cảm nhận mà thôi. Tôi nghĩ chúng ta cần định nghĩa lại về thế nào là bất hạnh trong đời sống gia đình hay hôn nhân.
|
Ảnh minh họa |
* Câu trả lời chung cho những cuộc hôn nhân của đàn bà thành đạt là làm đàn ông sống chung với mình tự ti. Đàn ông chỉ có vậy thôi sao? Hôn nhân đơn giản vậy sao?
Không. Trong những trường hợp như vậy, cần đặt vấn đề về người đàn ông. Một người đàn ông tự ti luôn xuất phát từ anh ta chứ không phải do người vợ thành đạt mà anh ta tự ti.
Thói thường chúng ta rất hay đổ lỗi cho người khác, và trong trường hợp này anh chồng đã đổ lỗi cho người vợ vì cô ấy thành đạt. Anh chồng trong mọi trường hợp cần thay đổi và điều chỉnh ở chính bản thân mình. Xem lại xem vì điều gì mà mình tự ti. Có thể chính anh ta là một người không đủ năng lực hoặc không đủ tự tin vào chính năng lực và mục tiêu của bản thân nên đã tự ti khi thấy người vợ thành đạt.
|
Ảnh minh họa |
* Có nhiều người, sau khi thành đạt họ thường quyết định đập bỏ hôn nhân của mình. Không phải vì họ quá đam mê cơ nghiệp, mà chỉ vì họ nhìn thấy người ở nhà rốt cuộc chẳng…ra gì. Đấy có phải là nguyên nhân chính của những bất hạnh trong hôn nhân không, thưa anh?
Đương nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng đó là một trong những nguyên nhân, một trong hai người không còn phù hợp nữa. Làm sao để phù hợp thì là một câu chuyện khác, nhưng cơ bản thì một người có quyền tỏ ra không hài lòng về người khác khi họ không thấy có sự tương hỗ nhau. Nếu anh hay chị không thành đạt thì có thể xem việc thành đạt của mình là hỗ trợ cho sự thành đạt của người kia. Hẳn nhiên là hai vợ chồng nên trao đổi với nhau về con đường và mục tiêu thành đạt của từng người.
* Việc theo đuổi sự nghiệp chính vì thế lại làm đàn bà rất đắn đo, vì phía sau mình thường không có chỗ dựa. Anh có thấy thật khó để dung hòa mọi thứ không? Xin anh đừng khuyên đàn bà phải “lùi” về phía sau nhé.
Chắc chắn chẳng bao giờ tôi khuyên đàn bà lùi lại bởi ai cũng có nhu cầu thành đạt cả chứ không phải chỉ có đàn ông. Chính yếu là hai người trong cuộc sống hôn nhân cần và có thể có cơ hội trao đổi với nhau, thống nhất với nhau và tôn trọng mục tiêu của từng người và tìm cách nâng đỡ nhau. Đôi khi sự trục trặc đã bắt đầu có từ khi hai người quen nhau, nhưng có lẽ vì nhiều người hay lý luận rằng vì “em lỡ yêu anh ấy” nên đã nhắm mắt đi đến kết hôn.
Các cặp đôi trước khi tiến tới hôn nhân nên học một khóa về chuẩn bị hôn nhân hoặc gặp một chuyên gia tâm lý được đào tạo tốt để trình bày về các suy tư của mình cho cuộc sống hôn nhân.
|
Không phải cứ chán chồng thì bỏ. Ảnh minh họa |
* Rốt cuộc khi đã thành đạt, đàn bà phải làm thế nào cho đúng, thưa anh?
Rất đơn giản. Khi thành đạt hay chưa thành đạt hay khi không thành đạt cứ làm điều đúng thì nó là đúng thôi. Đừng vì những chuyện nhỏ nhặt như thế nào để người kia hài lòng… để dừng đường đi của mình. Một hành vi đúng là một hành vi mang lại lợi ích và không gây hại cho bản thân và cho xã hội.
Ngoài ra, có thể khái niệm thành đạt được diễn giải theo lối có nhiều tiền hay có nhiều quyền trên người khác hơn, nhưng chính yếu thì thành đạt là bạn thấy hài lòng và thoải mái trong toàn bộ các khía cạnh tâm lý, thể xác, và xã hội của chính bản thân mình.
Lan Khôi