Đâu phải ai cũng may mắn được mỉm cười vì con

17/05/2019 - 09:00

PNO - Nhiều khi chẳng do bậc làm cha mẹ như chúng ta quyết định, bởi “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Từ từ hãy chỉ trích chê bai hoặc hả hê…

Xưa, tôi đi siêu thị, thấy đứa trẻ đòi mua cái máy bay đồ chơi không được thì lăn ra ăn vạ. Cha mẹ nó vừa mắng vừa dỗ vừa lôi đi, tiếng gào của nó ồn ào cả một góc trời. Tôi lúc ấy đã nghĩ rằng, sao mà trên đời có đứa trẻ hư thế nhỉ. Mà ông bố bà mẹ của nó đúng là thảm thiệt, đến dạy con còn chẳng nổi, thì có thể làm nên trò trống gì. Tôi ấy hả, mai này lấy chồng sinh con, nhất định đứa bé ấy phải ngoan ngoãn đáng yêu, bảo đâu ngồi đó, sạch sẽ thơm tho, chứ không thể nào hư hỏng như này được…

Dau phai ai cung may man duoc mim cuoi vi con
Ảnh minh họa

Xưa, tôi ra quán ăn, thấy bàn bên có đứa trẻ cứ òn ỉ đòi gọi món này món nọ. Rồi mè nheo khóc lóc. Cha mẹ nó tức tối la mắng lớn giọng, bất chấp không gian công cộng. Tôi nhíu mày ngó về hướng đó, tự hỏi vì sao sinh con mà lại không quản được, để phiền tới người khác thế này. Nếu đã biết con mình khó dạy khó chiều, thì chịu khó ăn uống sinh hoạt tại nhà, sao phải dắt díu nhau ra đường để thiên hạ cười chê cơ chứ. Thật là…

Nay, tôi là mẹ của hai đứa trẻ. Mỗi khi nuông theo sở thích ăn uống hay mua sắm gì của chúng dù biết là không tốt cho sức khỏe, tôi đều tự nhủ rằng, thôi thì đời được mấy tí, cứ cho con thoải mái chút đi.

Lúc cô giáo gọi điện thông báo con tôi lười học, hay nói chuyện riêng, làm bài không đầy đủ… tôi lại nghĩ thầm: tuổi thơ con có một lần, sao phải bắt nó học hành cho cố vào cơ chứ. Giày dép còn có số, học cho lắm tắm cũng… ở truồng! Quan trọng là con được tận hưởng những năm tháng nhẹ nhàng.

Khi con tôi bị mắng vốn vì ngủ gục trong giờ học buổi chiều, tôi cho rằng, đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Giờ đó ai chả buồn ngủ. Dân công sở còn có thể đứng dậy pha ly trà hay cà phê, tán gẫu với nhau đôi câu, chứ bọn trẻ con thì… Lỗi đó nhỏ xíu, sao ta phải quan trọng hóa vấn đề kia chứ.

Tôi đưa con trai nhỏ lên cơ quan dự tiệc dành cho gia đình. Nó muốn ăn thêm món gì đó mà đã hết, chẳng ưng cái bụng liền ngồi bệt xuống nền mà giãy giụa gào rú. Tôi vừa bất lực dỗ dành vừa rít lên trong tai con đầy hăm dọa, cũng không sao thay đổi tình hình được. Đành bấm bụng đưa con về sớm, vừa xấu hổ vừa tức điên cả người.

Năm rồi, tôi được cô chủ nhiệm “mời” vài lần vì các pha ngoạn mục của cô con gái mới lớn. Nào là lén xài son môi, mang theo điện thoại và rúc rích dưới ngăn bàn, nào là… đánh bạn khác phái chung lớp đến nỗi cậu nhóc khóc òa lên nức nở. Cái lý do cuối cùng ấy, tôi vô cùng ngạc nhiên.

Dau phai ai cung may man duoc mim cuoi vi con
Ảnh minh họa

“Tiểu nữ” nhà tôi đâu phải “xì tai” bạo lực tới mức đó. Phải có nguyên nhân gì chứ? Cuối cùng, nạn nhân “phản cung” rằng bạn không đánh mình như ban đầu đã tố cáo. Gì lạ vậy? Cô giáo bỏ nhỏ cùng tôi là, con gái chị hình như thích bạn nam này, hai đứa giỡn hớt gì đấy, cậu trai tồ tuệch bị xô đẩy va chạm, uất ức nên… mít ướt. Thật là!

Hôm qua, một cô đồng nghiệp của tôi đã buông lời chê cười ông sếp, rằng dù “hắn ta” có phấn đấu cho con đi du học, tốn cả đống tiền, thì cũng chỉ phí của mà thôi. Tụi nó toàn quân ăn hại, lười biếng, chỉ giỏi tiêu tiền… Cũng đáng đời ổng, cố cho lắm vào, cuối cùng phải chịu thất bại đường con cái, không dạy dỗ được chúng.

Tôi biết bạn mình không ác ý gì, chỉ vì bức xúc ông sếp hay đồng bóng khoe khoang dở người mà buông lời cay đắng thế thôi. Nhưng cũng đành khẽ nhắc riêng bạn một câu. Rằng mình đều đã làm mẹ cả rồi, không còn như thời xưa nữa. Đã thấm thía chân lý rằng, được mỉm cười hạnh phúc mãn nguyện về con thật hiếm hoi khó nhọc lắm. Không phải ai cũng dễ dàng và may mắn đạt được đâu.

Nhiều khi chẳng do bậc làm cha mẹ như chúng ta quyết định, bởi “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Từ từ hãy chỉ trích chê bai hoặc hả hê… 

Lưu Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI