Dẫu người ấy có… bĩu môi

12/08/2020 - 10:45

PNO - Yêu, nếu sau đó nuối tiếc có phải là yêu? Không. Không bao giờ.

Quyết liệt, mãnh liệt và cũng thống thiết đến tột cùng của tâm trạng đang yêu cuồng nhiệt, theo tôi vẫn là lúc họ gào lên: “Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi”. Dù tuyệt vọng, đau đớn, ê chề như rơi xuống vực sâu, nhưng rồi họ vẫn níu lấy một chút ảo tưởng dẫu mong manh như tơ trời. 

Với họ, chỉ một người ấy là đủ. Hàng tỷ người trên trái đất cũng không thể sánh nổi. Thế thì, khi yêu họ yêu đến tận cùng máu thịt. Không ai có thể thay thế. Còn nếu mất? “Anh lấy thịt xương đâu chứa đầy mộng ước/ Anh lấy gì biến hóa để thành em?” (Xuân Diệu). Không thể. Sự điên cuồng và quyết liệt này, theo tôi rất đáng ngưỡng mộ và chân thành cảm phục. Yêu là yêu. Đơn giản mà cao thượng biết bao nhiêu.

Kìa, mãi đến giờ, đôi lúc xem tranh Van Gogh, thỉnh thoảng tôi lại hình dung ra một gương mặt tiều tụy đến nao lòng. Chính chàng đã cắt đôi tai của mình. Tại sao? Tôi tin vào lý do này, ngày kia, trong cơn đói giày vò, lang thang bên bờ sông Rhôn, không một xu dính túi, chàng đã gặp Rachel - một cô gái điếm. Nàng ngỏ lời xin năm quan, chàng thẹn thùng đau khổ vì không thể, bù lại chàng hứa sẽ tặng nàng một bức tranh vào mùa Giáng sinh sắp tới. Nghe thế, nàng cười mà rằng: “Nếu không thì hãy tặng… cái lỗ tai cũng được”. 

Khi anh đem cả lòng thành kính yêu dấu, dâng hiến thành khẩn, thì làm sao người phụ nữ có thể nhẫn tâm đùa với anh? Làm sao có thể bỡn cợt trước ái tình vẹn nguyên chỉ dành cho nàng? Và, Rachel đã nhận được món quà từ câu nói đùa. Nàng mở ra xem và ngã xỉu.

Trong thời đại này, có còn những Van Gogh? Chắc hẳn còn, nếu không, chúng ta lấy gì để tin vào lòng yêu thương, sự cả tin của con người? Sự cả tin dù phải trả giá vẫn đáng yêu hơn là những tính toán chi li, chi tiết đặng phải “được việc” bằng mọi giá. 

Kìa, mãi đến giờ, đôi lúc đọc lại Truyện Kiều, tôi vẫn hình dung ra vầng trăng sáng trong vườn, hoa đã thơm dìu dịu và lắng nghe đâu đó có tiếng động vang lên. Tiếng động từ bước chân của Thúy Kiều. Và đã mường tượng thấy nàng đi “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Nàng đi đâu giữa bốn bề gươm giáo chằng chịt của lễ giáo phong kiến? Nàng đi đâu mà dám vượt qua khuôn phép “nam nữ thụ thụ bất thân”? 

Thưa, nàng chủ động đi đến với người mình yêu. Đi một cách dứt khoát và quả quyết: “Xăm xăm băng lối”. Không chần chừ. Đơn giản, nàng đang yêu. Chính tình yêu, cuồng nhiệt yêu đã tạo nên sự quyết liệt không bao giờ đầu hàng, không bao giờ bỏ cuộc nửa chừng. Mọi sự can thiệp ấy dù có dữ dội đến đâu có khi cũng phải bất lực:

Dao phay kề cổ máu đổ anh không màng
Chết anh chịu chết chớ buông nàng anh không buông

Kìa, mãi đến giờ, tôi vẫn còn nghe đâu đó vọng về tiếng hát não nùng của chàng Trương Chi. Trong âm thanh nức nở ấy, mãi mãi về sau, ngàn sau nữa, vẫn là “thông điệp” của người đang yêu, dẫu thế nào đi nữa, có chết đi nữa, thì vẫn là “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Tình cảm ấy chân thành ghê gớm. Trọn vẹn ghê gớm. Chẳng khác gì tiếng hát cuối cùng cất lên trong tuyệt vọng: “Yêu người như suối cuộn rừng sâu/ Như con tàu say gió/ Như con giun ngước lên trời/ Yêu trăng sao vời vợi/ Làm sao nói được tình tôi” (Phạm Duy). Nếu không là họ, làm sao ai khác có thể hiểu.

Không thể nói, không thể thổ lộ cho ai khác, ngoài chính mình, đã có lần tôi rơi vào tâm trạng: “Đã em thì bão tố/ Đẩy anh về cuối trời/ Chiếc linh hồn bé nhỏ/ Gió quất nát tả tơi”. Làm sao cho vơi nỗi thống khổ tương tư giày vò, đành phải tự an ủi: “Trăm năm trong cõi người/ Đã yêu thì phải gọi”.

Không chỉ là gọi. Gọi tên người mình yêu. Mà âm thanh của kẻ tình si đang yêu cuồng nhiệt còn là: “Đi theo ai tới chân trời/ Đi không ngơi kêu gào”. Đi, đi theo mãi với lời khẩn cầu đáng thương: “Xin yêu, dù gian dối/ Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ" (Phạm Duy).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dẫu thế nào, dẫu đã thấy phía đường hầm không ánh sáng nhưng vẫn cứ lao tới. “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa” (Trịnh Công Sơn). Không sao cả. Họ đang đi bằng sự mách bảo của nhịp tim ngày ngày rạo rực ngút ngàn như lửa cháy… “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đi trên lửa như ngồi đống than”. Ở đây, không có một sự tính toán cân, đong, đo, đếm nào cả.

Kìa, mãi đến giờ, tôi vẫn thương chàng trai kia trong ca dao Việt Nam. Tôi yêu chàng quá đỗi. Ngày kia, chàng đi qua ngõ nhà nàng và thấy gì? Ơ hay, trước đó chính tai chàng đã nghe: “Mình nói với ta mình hãy còn son”, nhưng nay sao lại: “Ta đi qua ngõ thấy con mình bò”? Nàng nói dối. Ván đã đóng thuyền. Bẽ bàng quá đi thôi.

Thiên hạ bảo: “Gái khôn tránh khỏi đò đưa/ Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta”. Thiên hạ à? Mặc kệ thiên hạ. Chàng trai ngẫm nghĩ và quyết định rất bản lĩnh, cao thượng. Rằng, quyết định ra làm sao? Thì phải thế này: “Con mình những trấu cùng tro/ Ta đi gánh nước tắm cho con mình”. Mẫu người này, tôi rất thích, nói như nhân vật trong tác phẩm Love story của Erich Segal: “Yêu là không bao giờ nói lời nuối tiếc”.

Yêu, nếu sau đó nuối tiếc có phải là yêu? Không. Không bao giờ. Tôi rất chán những kẻ sau đó giật mình, hoảng hồn, trách móc rồi tự nhủ một cách rất hèn: “Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn tiếc hoài sợi dây”. Trời đất ơi! Trước đó hăm hở bao nhiêu, rạo rực bấy nhiêu thì sau đó lại tiếc nuối bấy nhiêu. Nghe lời than ấm ớ ấy cứ như nhai phải cơm nếp nát. Cơm nếp nát cũng chả sao, cứ như vấp phải hạt sạn. Ê cả răng. Thế đấy! 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI