Đầu nậu xây nhà không phép vẫn vươn vòi bạch tuộc

19/05/2020 - 08:04

PNO - Nhóm nghi là đầu nậu thao túng nạn xây nhà không phép manh động đến mức gây áp lực với đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM. Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh cũng cho biết, ông bị hăm dọa sau khi chính quyền huyện tổ chức kiểm tra, xử lý các vụ việc mà Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh.

“Những thông tin mà Báo Phụ nữ TPHCM phản ánh là chính xác. Nạn bảo kê xây dựng nhà trái phép giống như những chiếc vòi bạch tuộc vươn dài; trong đó, những chiếc vòi to vẫn chưa bị chặt đứt. Nó giống như tảng băng, chỉ mới xử lý được phần nổi, còn phần chìm chưa chạm tới” - ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nhìn nhận như vậy khi làm việc với đoàn kiểm tra về trật tự xây dựng tại xã Vĩnh Lộc A ngày 17/5.

Đoàn kiểm tra này do lãnh đạo Thành ủy TPHCM chủ trì, nhằm làm rõ những nội dung trong loạt bài Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn, được đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM các ngày 11, 13 và 15/5 vừa qua, nhằm tìm giải pháp hữu hiệu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân thị sát điểm nóng xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A sáng 17/5
Ông Nguyễn Thiện Nhân thị sát điểm nóng xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A sáng 17/5

Chính quyền cũng bị đầu nậu gây áp lực
Sau khi nhìn nhận thực tế phức tạp về tình trạng xây dựng nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A cũng như ở huyện Bình Chánh, ông Trần Phú Lữ cho rằng, phía sau vấn nạn này, ngoài sự thao túng của các đầu nậu (những đối tượng thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền), còn có sự tiếp tay của cán bộ thoái hóa, biến chất. Do đó, ông cho rằng, ngoài lực lượng công an huyện, rất cần Công an TPHCM vào cuộc, lập chuyên án, điều tra. 

Gần 10.000 căn nhà xây không phép, sai phép

Theo báo cáo của Thanh tra TPHCM và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, tính đến nay, ở huyện Bình Chánh, còn gần 10.000 căn nhà xây dựng sai phép, không phép nhưng chưa được xử lý.

Lãnh đạo của Thanh tra TPHCM cho biết, việc xử lý các vụ vi phạm về xây dựng ở huyện Bình Chánh còn quá chậm, khi cơ quan chức năng lập biên bản thì công trình đã thi công được 80%. Có dấu hiệu bất thường trong việc thống kê các trường hợp vi phạm.

Đơn cử như trong giai đoạn 2018-2019, tại xã Vĩnh Lộc A, chỉ có hai quyết định xử lý vi phạm. “Nếu trong hai năm mà chỉ có hai vụ vi phạm thì quá tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể không đúng như vậy” - lãnh đạo Thanh tra TPHCM nêu nghi vấn.

Trước khi chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nêu sự thật đáng sợ về nạn bảo kê xây nhà không phép, ông Trần Lưu Quang - Phó bí thư Thành ủy TPHCM đặt thẳng vấn đề về điểm nóng ở xã Vĩnh Lộc A: “Cứ tạm không tính những trường hợp xây dựng rồi. Vậy với những trường hợp xây dựng mới, có ngăn chặn được hay không? UBND xã Vĩnh Lộc A có dám cam kết ngăn chặn được nạn xây dựng trái phép hay không?”.

Trước câu hỏi cụ thể của lãnh đạo Thành ủy TPHCM, ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - thừa nhận, UBND xã đang chịu áp lực rất lớn. Theo ông Duy, hiện có 38 đối tượng (có thể là đầu nậu thu gom đất nông nghiệp phân lô, bán nền - PV) gây áp lực, ngăn cản việc xử lý các vi phạm về xây dựng. Do đó, nếu dẹp những đối tượng này, mới ngăn chặn được tình trạng xây dựng nhà không phép ở xã.

Ông Trần Văn Nam - Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM - cho biết thêm, ngày 16/5, đoàn công tác của ủy ban này đi kiểm tra thực tế ở một số khu vực mà Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh, cũng bị hàng chục đối tượng có hành vi ngăn cản, gây áp lực, trong đó, có năm đối tượng tỏ ra manh động. Ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh - tiết lộ, bản thân ông cũng bị hăm dọa.

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nói, trong khi các đầu nậu, các đường dây thao túng nạn xây nhà không phép hoạt động có quy mô, dám gây áp lực, ra yêu sách với cả chính quyền địa phương, việc xử lý chỉ dừng ở vụ việc nhỏ lẻ như hiện nay là không thể chấp nhận được. Ông Hoan đề nghị, phải xử lý được các đầu nậu và ngăn chặn ngay từ đầu, không để nhà không phép mọc lên trên đất nông nghiệp:  “Cần phải kiểm tra, xử lý vấn nạn này trên diện rộng. Nếu không ngăn chặn được, hậu quả sẽ rất lớn vì hàng loạt quy hoạch bị phá nát. Sau này, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền, cũng không thể khắc phục được hậu quả từ thực trạng này”.

Đống vật liệu xây dựng ở một công trình không phép tại xã Vĩnh Lộc A được che chắn lại, chờ qua đợt kiểm tra để tiếp tục xây dựng
Đống vật liệu xây dựng ở một công trình không phép tại xã Vĩnh Lộc A được che chắn lại, chờ qua đợt kiểm tra để tiếp tục xây dựng

Tập trung xử lý điểm nóng Vĩnh Lộc A

Trước khi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Bình Chánh cùng nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực tế một khu vực có nhiều công trình xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A. Tại tổ dân phố 7, ấp 4, ông Nhân đã trò chuyện với một số người dân để nắm thêm tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở khu vực này. Ông còn tiếp cận một cơ sở môi giới nhà đất hoạt động ngay tại khu vực có nhiều căn nhà không phép và đặt ra một số câu hỏi về tính pháp lý của hoạt động này.

Phải xử lý các đối tượng gây áp lực với đoàn kiểm tra 

Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, sau khi nghe nhiều đơn vị, cá nhân phản ánh việc có nhiều đối tượng gây áp lực khi kiểm tra, xử lý tình trạng xây nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu công an vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng này, không thể để các đối tượng đầu nậu thao túng việc xây dựng trái phép và cản trở việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng.
Theo đại tá Đinh Thanh Nhàn - Phó giám đốc Công an TPHCM - ngày 16/5, có khoảng 37 đối tượng tập trung gây áp lực với đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM. Sau đó, có 32 đối tượng bỏ đi, còn năm đối tượng ở lại, tiếp tục có hành vi cản trở.  Hiện công an đã lập danh sách các đối tượng này để xử lý.

Sau khi chứng kiến một căn nhà không phép xây dựng sát bên trụ sở văn phòng ấp 4 vừa mới bị cưỡng chế phá dỡ, ở buổi làm việc tại trụ sở UBND huyện Bình Chánh sau đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: “Nhà xây dựng kiểu cò mồi sát bên văn phòng ấp, gần đó lại có điểm môi giới mua bán nhà đất giống như xúi người ta mua. Người mua dễ bị lôi kéo vì tin rằng căn nhà đó xây lên sẽ không bị xử lý. Vậy, việc này có sự tiếp tay của chính quyền hay không? UBND xã Vĩnh Lộc A có dám cam kết xử lý được các vụ vi phạm hay không?”.

Ông Nhân nói thêm: “Cuộc làm việc hôm nay không có trong kế hoạch. Là vì những bài viết của Báo Phụ Nữ TPHCM rất đáng để suy nghĩ. Báo nói vậy, phải kiểm tra xem có đúng không. Phải xem lại báo cáo từ dưới lên có đúng mức chưa, đầy đủ chưa. Vấn đề này ở Bình Chánh đã tồn tại mấy năm rồi. Ở huyện Bình Chánh, cụ thể hơn là ở xã Vĩnh Lộc A mà cứ tiếp tục như thế này thì sẽ không ổn”.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần phải tập trung ngăn chặn tình trạng vi phạm xây dựng ở xã Vĩnh Lộc A, xem đây là trường hợp điển hình để xử lý: “Có thể xây dựng kịch bản, khi tiếp nhận thông tin thì kiểm tra, xử lý ra sao, áp dụng những cơ sở pháp lý nào. Phải xử lý được lực lượng đầu nậu. Phải nói không với việc chia lô đất nông nghiệp, xây dựng nhà không phép và chuyển nhượng nhà trái phép. Từ đây cho đến ngày diễn ra đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh, phải tập trung xử lý. Lấy mốc từ ngày 30/5 trở đi xem còn có nhà nào không phép xây lên ở xã Vĩnh Lộc A nữa hay không”. 

Công trình không phép mọc lên, dân biết hết, sao chính quyền không biết? 

Bà M. - một người dân ở xã Vĩnh Lộc A từng nhiều lần phản ánh về tình trạng xây nhà không phép ở địa phương này - cho biết, khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng loạt bài về nạn xây dựng nhà không phép, các công trình xây dựng ở xã Vĩnh Lộc A đồng loạt “án binh bất động”. Bà M. thông tin: “Ngay ở cổng chào tổ 10, 11 thuộc ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, có một công trình xây dựng vừa hoàn thành nền móng, định xây tiếp thì đột ngột dừng lại; vật liệu xây dựng được chuyển đi nơi khác, chỉ để lại một ít cát và gạch”.

Bà M. cho biết, ấp 4 là “điểm nóng” của nạn xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A vì tiếp giáp với huyện Hóc Môn. Vài năm gần đây, xuất hiện tình trạng nhà mọc lên giữa đồng ruộng nhưng không bị xử lý, gây bức xúc cho người dân. Ngay tại tổ 7, ấp 4, khi dịch bệnh hoành hành, hàng loạt công trình mọc lên, trông rất chướng mắt. “Công trình mọc lên, dân biết hết, sao chính quyền không biết? Chờ đến khi Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh, chính quyền xã mới xuống đình chỉ. Hôm nay, biết tin Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đi thị sát việc xây nhà không phép, chúng tôi rất vui. Hy vọng lãnh đạo thành phố sẽ có những chỉ đạo quyết liệt nhằm dẹp nạn xây nhà không phép và xử lý nạn đầu nậu” - bà M. nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng loạt bài điều tra về tình trạng xây dựng nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A, có rất nhiều công trình đã bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý. Một số khu vực vốn xây dựng nhà không phép rầm rộ nay bỗng đột ngột “đứng hình”. Người dân địa phương lo rằng, nạn xây dựng không phép chỉ tạm lắng xuống khi báo chí vào cuộc phản ánh, sau đó “đâu lại vào đấy”. Người dân mong muốn lần này, cơ quan chức năng sẽ mạnh tay chặn đứng nạn xây nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung.

Trong vai một người có đất cần xây dựng nhà “chui”, chúng tôi gọi điện nhờ một thầu xây dựng xây nhà tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A thì người này cho biết: “Bây giờ báo chí đăng ầm lên rồi, không ai dám nhận xây cả. Anh cứ tạm đứng im, chờ một thời gian thử xem sao”. Người này cũng cho biết, từ đầu tuần đến nay, các thầu xây dựng ở xã này đã ngầm bảo nhau tạm dừng hoạt động để “tránh bão”.

Sáng 17/5, ông Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp đi thị sát tại điểm nóng xây nhà không phép trên đường Lê Thị Dung, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A. Đây là một trong nhiều “điểm nóng” xây nhà không phép mà Báo Phụ Nữ TPHCM đề cập trong loạt bài Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn. Theo người dân địa phương, từ tháng 1/2020 đến nay, đã có hàng chục căn nhà mọc lên ở khu vực này. Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cũng xác nhận với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM: từ đầu năm đến nay, đã xử lý 10 nhà tôn, 15 móng nền xây không phép ở ấp 4A.

Theo người dân địa phương, một ngày trước khi Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đi kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã đến tháo dỡ công trình không phép tại đây. “Khu này toàn nhà giấy tay thôi, ít ai có giấy tờ hợp lệ lắm. Tôi mong chính quyền xem xét cho chúng tôi. Nhà không phép nào mới xây thì xử lý, còn chúng tôi đã ở hàng chục năm nay rồi, giờ cưỡng chế thì chúng tôi không biết đi đâu” - một người dân nói.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI