Đầu năm ngắm “nụ cười gộc tre”

16/02/2024 - 16:35

PNO - Bằng cái nhìn lạc quan, những gương mặt sáng bừng cùng nụ cười rạng rỡ dần hiện lên trên gộc tre như góp thêm niềm hân hoan vào sự khởi đầu mới.

Trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học, gian điêu khắc gộc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (đến từ TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Ai cũng thích thú ngắm nhìn những gương mặt rạng rỡ được ông Đỏ tạc trên những gộc tre (phần gốc và rễ của cây tre sau khi đã chặt bỏ).

Gian điêu khắc gộc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ trong khuông viê Bảo tàng Dân tộc học.
Gian điêu khắc gộc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học

Vốn là tay thợ của lang mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), ông Đỏ đến với nghề điêu khắc gộc tre rất tình cờ. Ông nhớ đợt lũ lụt lịch sử năm 1999, thấy gộc tre dập dềnh trôi qua nơi gia đình đang tránh lũ, cậu thanh niên 16 tuổi kéo về đục đẽo với mục đích… giết thời gian. Chẳng ngờ cái nghề ấy đã theo và nuôi sống gia đình ông suốt 35 năm qua.

Ông nhớ: “Ngày đó sống giữa làng nghề, nghĩ làm mộc như mọi người thì sao cạnh tranh nổi nên tôi chuyển dần qua điêu khắc gộc tre - cứ tự mày mò vậy chứ cũng không có ai chỉ bảo gì. Làm được vài cái lại cắp ra chợ bán, may mắn là được nhiều người thích và đặt mua”.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ trình diễn.
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ trình diễn
Gộc tre xù xì qua bàn tay đục đẽo của nghệ nhân...
Gộc tre xù xì qua bàn tay đục đẽo của nghệ nhân...
...đã trở thành những gương mặt vui tươi, sinh động, hài hòa cùng hình dáng ban đầu của từng gộc tre.
... đã trở thành những gương mặt vui tươi, sinh động, hài hòa cùng hình dáng ban đầu của từng gộc tre

Vừa lách cách tay chàng, tay đục, ông vừa giải thích: “Điêu khắc tre khó hơn điêu khắc gỗ rất nhiều, vì mỗi gộc tre 1 hình dáng, suốt mấy chục năm, tôi chưa từng thấy gộc nào giống gộc nào, tất cả đều khác biệt từ rễ, thân…”.

Những gộc tre gồ ghề xùm xòa rễ, qua những nhát đục đẽo của ông Đỏ đã hiện dần đôi mắt, khóe miệng. Điều độc đáo là dù tạc gương mặt nào thì hình dáng nguyên bản của gộc tre vẫn được ông giữ vẹn nguyên; cặp lông mày là phần rễ được xén ngắn sát, tóc, râu dài cũng đều là phần rễ tre lòa xòa.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ giới thiệu sản phẩm - tác phẩm với du khách quốc tế.
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ giới thiệu sản phẩm - tác phẩm với du khách quốc tế

Ông giải thích, điều cốt lõi là phải tạo được cái hồn và bố cục hài hòa với hình dáng gộc tre.

“Sáng tác” của ông là chân dung các nhân vật lịch sử, danh nhân, thần thánh và cả những người nổi tiếng; nhìn vào là đã nhận ra Quan Công, Thục Phán - An Dương Vương, Lão Hạc… Ông cho biết, để thể hiện được tâm thế hay sự uy nghiêm của từng nhân vật, ông đã đọc rất nhiều sách báo, truyền thuyết về họ.

Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng
Thục Phán - An Dương Vương
Thục Phán - An Dương Vương
Lão Hạc
Lão Hạc

Nguyên liệu của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đều là những gộc tre xù xì bị bỏ đi sau khi bụi tre đã được đẵn. Dù là phần bỏ, nhưng nhu cầu sử dụng tre trong đời sống không nhiều nữa nên ông phải đi nhiều nơi để thu mua.

Tìm được những gộc tre rồi phải lựa chọn chất lượng, rồi từ hình dáng của từng gộc phải hình dung xem gộc này sẽ tạc được gương mặt nào. Tất cả đều phải do tự tay ông làm từ đầu chí cuối.

Những gương mặt từ gộc tre như cất lên tiếng cười hân hoan.
Những gương mặt từ gộc tre như cất lên tiếng cười hân hoan

Ông cho biết hiện vợ chồng ông đang cùng hành nghề trình diễn điêu khắc gộc tre ở TP Hội An. Phần điêu khắc chính do ông phụ trách, vợ ông đánh giấy ráp cho các chi tiết, chỉnh sửa lại những tiểu tiết trước khi bày bán.

Ông Đỏ cũng thường nhận được những lời mời đi “lưu diễn” các nơi, các sự kiện - như biểu diễn điêu khắc gộc tre tại Bảo tàng Dân tộc học dịp này.

Những “nụ cười gộc tre” đến từ bàn tay nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ khiến du khách thích thú, như góp thêm niềm hân hoan vào sự khởi đầu mới.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI