Đầu năm lên 4 ngôi chùa trên núi, vừa vãn cảnh, vừa rèn sức khỏe

11/02/2024 - 10:43

PNO - Đầu năm đi chùa lễ Phật là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Nếu bạn là người yêu thích hiking (đi bộ đường dài), có thể kết hợp giữa đi chùa lễ Phật với rèn luyện sức khỏe.

Dưới đây là 4 ngôi chùa trên núi tuyệt đẹp mà bạn có thể tham khảo để lên kế hoạch cho chuyến hiking rèn sức khỏe và lễ Phật dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024.

Chùa Châu Thới (tỉnh Bình Dương)

Ngôi chùa tọa lạc trên ngọn núi Châu Thới, thuộc tỉnh Bình Dương. Chùa trước đây chỉ là am nhỏ, được xây dựng vào thế kỷ XVII. Hiện nay, trải qua quá trình trùng tu và mở rộng, chùa trông khá bề thế, nằm uy nghiêm giữa núi rừng xanh mát.

Chùa Châu Thới nhìn từ xa
Chùa Châu Thới nhìn từ xa
Một góc chùa Châu Thới
Một góc chùa Châu Thới
Tượng điêu khắc hình rồng, một trong những điểm nhấn của chùa
Tượng điêu khắc hình rồng là một trong những điểm nhấn của chùa
Cảnh quan xung quanh chùa nhìn từ trên cao
Cảnh quan xung quanh chùa nhìn từ trên cao

Để lên chùa, bạn có thể đi bộ hoặc chạy xe máy. Từ khuôn viên chùa nhìn xuống, thu vào tầm mắt bạn là khung cảnh thiên nhiên bình yên xen lẫn những con đường, công trình hiện đại của tỉnh Bình Dương.

Chùa Tam Bảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chùa nằm ở sườn núi Lớn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nép mình giữa rừng cây khá bình dị ở thế “tựa sơn hướng thủy” (lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển). Được xây dựng từ năm 1970, chùa không chỉ thu hút nhiều người đến hành hương bởi địa thế đẹp, nhiều cổ thụ trăm tuổi mà còn bởi đàn khỉ hàng trăm con.

Lối lên chánh điện
Lối lên chánh điện chùa Tam Bảo
Tượng Đức Phật ngồi thiền dưới tán che của Rồng chúa bảy đầu
Tượng Đức Phật ngồi thiền dưới tán che của rồng chúa bảy đầu
Chú khỉ đang ăn thức ăn của người dân đến viếng chùa cho
Một chú khỉ đang ăn thức ăn do người đến viếng chùa cho
Đường lên chùa nhiều cây xanh khá mát mẻ
Đường lên chùa Tam Bảo khá mát mẻ do có nhiều cây xanh

Đường lên chùa dốc, quanh co, khúc khuỷu nhưng mặt đường đã được rải nhựa. Sẽ rất tuyệt nếu bạn đi bộ lên chùa bởi 2 bên đường có nhiều cây xanh, gió biển thổi lồng lộng gần như suốt ngày.

Bửu Quang tự (tỉnh Đồng Nai)

Một chọn lựa nữa cho chuyến hiking đầu năm rèn sức khỏe, vãn cảnh chùa là Bửu Quang tự (còn gọi là chùa Gia Lào, hay chùa Hàm Rồng), nằm ở lưng chừng núi Chứa Chan, tỉnh Đồng Nai. Ngôi chùa này được ví là “tiên cảnh nằm trong lòng núi” bởi kiến trúc độc đáo và cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Chùa Bửu Quang Tự và khung cảnh xung quanh
Bửu Quang tự và khung cảnh xung quanh
Đường bậc thang dẫn lên chùa
Đường bậc thang dẫn lên Bửu Quang tự
Cây 1 ngọn 3 gốc độc lạ
Cây 1 ngọn 3 gốc độc lạ trên đường lên Bửu Quang tự
Đường lên núi Chứa Chan
Đường lên núi Chứa Chan dốc, quanh co

Từ chân núi, đi bộ lên chùa khoảng 2km. Đường rợp bóng cây nên mát mẻ, dễ chịu. Trên đường đi, bạn sẽ gặp cây 1 ngọn 3 gốc độc lạ. Sau khi đến chùa, nếu đủ sức khỏe, bạn có thể hiking chinh phục núi Chứa Chan - ngọn núi được mệnh danh là thiên sơn đệ nhị (ngọn núi cao thứ hai của miền Nam, 837m).

Chùa núi Tà Cú (tỉnh Bình Thuận)

Chùa nằm trên núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chùa được xây dựng vào những năm 1890, gồm chùa Linh Sơn Trường Thọ và Linh Sơn Long. Tương truyền, Linh Sơn Trường Thọ là tên đặt theo sắc phong của vua Tự Đức nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính của nhà vua đối với sư tổ Hữu Đức - người có công chữa lành bệnh cho Hoàng thái hậu Từ Dũ.

Chùa núi Tà Cú
Chùa núi Tà Cú
Chùa núi Tà Cú
Cảnh quan ở chùa núi Tà Cú
Tượng sư tổ Hữu Đức trên núi
Tượng sư tổ Hữu Đức trên núi
Đường rừng dẫn lên chùa núi
Đường rừng dẫn lên chùa trên núi Tà Cú

Có 2 đường để lên chùa: đi cáp treo hoặc lội bộ xuyên rừng dài khoảng 2,5km. Sau khi chinh phục chùa trên núi Tà Cú, “phần thưởng” cho bạn là thiên nhiên xanh mát nơi đây và có thể ngắm nhìn toàn cảnh tỉnh Bình Thuận từ trên cao. Đặc biệt, bạn còn có thể chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn (Phật nằm) lớn nhất Đông Nam Á.

Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI