Đầu năm đã nóng chuyện trò tăng, trường lớp thiếu

15/01/2024 - 06:40

PNO - Hiện nay, các trường THPT ở TPHCM đã khởi động mùa tuyển sinh lớp Mười năm 2024. Năm nay, “cuộc đua” vào lớp Mười dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng do áp lực học sinh đông, trường lớp ít. Thiếu trường, thiếu lớp - bài toán nan giải lại làm nóng nhiều diễn đàn ngay từ đầu năm 2024.

Giáo viên vất vả, học sinh thiệt thòi

Mỗi năm, TPHCM tăng thêm 20.000-30.000 học sinh nhưng chỉ thêm được vài trăm phòng học khiến sĩ số học sinh trong mỗi lớp quá đông, ảnh hưởng xấu đến chất lượng dạy và học. 
Từ nhiều năm nay, lớp do cô giáo Nguyễn Thị Kim Khánh (Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12) làm chủ nhiệm chưa bao giờ có dưới 55 học sinh. Năm nay, lớp 5/4 của cô có 57 học sinh, nhiều gấp 1,6 lần sĩ số chuẩn (35 học sinh/lớp). Lớp của cô được nhà trường ghép 2 phòng bộ môn tiếng Anh lại, sửa thành phòng học mới.

Do quá tải, Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) phải tổ chức cho toàn bộ học sinh học 1 buổi/ngày, mỗi lớp nhồi nhét 56-57 học sinh ẢNH: MINH LINH
Do quá tải, Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) phải tổ chức cho toàn bộ học sinh học 1 buổi/ngày, mỗi lớp nhồi nhét 56-57 học sinh - Ảnh: Minh Linh

Trong giờ đứng lớp, cô Kim Khánh liên tục đi lên, đi xuống để nhắc nhở, hỗ trợ học sinh. Cô nói: “Lớp đông, lại có thêm học sinh khuyết tật học hòa nhập nên giáo viên phải cố hết sức. Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tăng cường hoạt động nhóm, nhưng lớp có gần 60 em nên chỉ riêng việc ổn định trật tự cũng đã khó khăn. Khi tổ chức kiểm tra, chấm bài, soạn giáo án, làm sổ sách, khối lượng công việc đều gấp rưỡi so với lớp có sĩ số chuẩn. Do đó, giáo viên phải tranh thủ làm thêm trong giờ nghỉ trưa hoặc mang việc về nhà”.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, trường có gần 4.500 học sinh nên 13 năm nay, trường không thể tổ chức được lớp bán trú. Nhà ăn trước đây đã được phân ra làm phòng học, các phòng chức năng cũng được trưng dụng làm phòng học khiến trường thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn. Nhà trường cố gắng vun vén lắm mới có được 2 phòng vi tính cho học sinh học theo yêu cầu của chương trình mới (bắt buộc học tin học từ lớp Ba). Bởi vậy, học sinh thiệt thòi vì phải học “chay”, không có nơi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, không có phòng bộ môn để học tiếng Anh trên phần mềm hoặc rèn luyện về ngữ âm.

Những lớp đông học sinh như thế này khiến cô và trò đều mệt mỏi - ẢNH: MINH LINH (chụp tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TPHCM)
Những lớp đông học sinh như thế này khiến cô và trò đều mệt mỏi - Ảnh: Minh Linh (chụp tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TPHCM)

Trường tiểu học Lê Văn Thọ có 90 lớp nhưng chỉ có 45 phòng học nên phải chia lịch: khối Một, Năm và một nửa khối Ba học buổi sáng; khối Hai, Bốn và nửa khối Ba còn lại học buổi chiều. Thiếu phòng nên học sinh phải học cả thứ Bảy mới kịp chương trình. Giáo viên phải dạy cả thứ Bảy nên khó tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng chuẩn, tập huấn. Với cán bộ quản lý, công việc cũng nhiều hơn hẳn những trường có quy mô chuẩn (không quá 30 lớp/trường).
Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa, việc không tổ chức được buổi thứ hai trong ngày ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy theo chương trình mới, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm theo chủ đề. Trường chỉ có thể chiếu phim ngắn (clip) cho học sinh tại lớp chứ không thể tổ chức tọa đàm, hội thảo, hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Bà nhận xét: “Chương trình mới rất hay, nhưng sẽ hiệu quả nếu được triển khai ở những trường đạt chuẩn về phòng ốc, sĩ số, còn ở những trường quá tải học trò, giáo viên chỉ cố làm vội cho xong khung chương trình”.

Học sinh phải học ké do thiếu chỗ

Có trên 3.400 học sinh nên 2 năm nay, Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) phải mượn phòng học của trường khác để dạy. Bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, năm ngoái do thiếu phòng, trường phải mượn 14 phòng ở Trường THCS Tô Ngọc Vân cách xa 2 - 3km để học sinh khối Năm học tạm. Năm nay, nhà trường tiếp tục mượn 12 phòng cho học sinh khối Năm. Trường phải phân công 2 hiệu phó thay phiên nhau cùng khối trưởng trực ở trường bạn để quản lý việc dạy và học. Năm nay, trường tuyển sinh khoảng 940 học sinh lớp Một (đông nhất quận) nên sĩ số bị đẩy lên hơn 50 em/lớp. Năm ngoái, khối Một tổ chức được 2 lớp bán trú nhưng năm nay không tổ chức được lớp nào.

Cảnh chen chúc nộp hồ sơ cho con vào lớp Mười ở TP Hà Nội - ẢNH: UÔNG NGỌC
Cảnh chen chúc nộp hồ sơ cho con vào lớp Mười ở TP Hà Nội - Ảnh: Uông Ngọc 

“Chắc cũng chỉ mượn phòng học thêm 1-2 năm nữa thôi vì nếu Trường THCS Tô Ngọc Vân tuyển sinh đủ thì không còn dư phòng nữa. Lúc đó, nếu quận không có thêm trường mới thì chúng tôi đành tổ chức lại, cho toàn bộ học sinh các khối chỉ học 1 buổi/ngày. Rất đông phụ huynh muốn cho con học 2 buổi/ngày, đặc biệt là lớp Một, nhưng nhà trường không thể đáp ứng nhu cầu này do điều kiện cơ sở vật chất eo hẹp” - bà Nguyễn Hoàng Yến nói.

Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 - cho biết, năm học 2023-2024, quận tăng khoảng 3.000 học sinh. Mức tăng này không bằng mọi năm (năm 2022-2023, tăng hơn 5.700 học sinh) nhưng để đảm bảo chỗ học, nhiều trường vẫn phải tăng sĩ số mỗi lớp và giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Cụ thể, tỉ lệ học 2 buổi là 30% ở bậc tiểu học và 22% ở bậc THCS. Nhiều trường có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp. Năm nay, chỉ có dự án xây Trường tiểu học Trần Quốc Toản hoàn tất giai đoạn 1 với 10 phòng học và phải đến năm học 2024-2025 mới hoàn thành giai đoạn 2 với 10 phòng học còn lại.

Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh cho hay, năm nay, toàn quận có 9.500 học sinh khối lớp Sáu, tăng gấp rưỡi so với các năm nên các trường phải dồn lớp, nâng sĩ số mỗi lớp. Các năm trước, tỉ lệ học sinh THCS học 2 buổi/ngày đạt 100% nhưng năm nay chỉ còn hơn 99%.

Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM - năm học 2023-2024, bậc THCS và THPT của TPHCM tăng hơn 55.000 học sinh nhưng toàn thành phố chỉ tăng thêm 1 trường THCS và 1 trường THPT. Số học sinh bậc tiểu học có giảm nhưng nhu cầu về phòng học vẫn cao do phải dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP Thủ Đức, các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn đang thiếu phòng học trầm trọng. 

Minh Linh

Năm học 2024-2025, TPHCM cần thêm gần 7.000 phòng học

Ông Hồ Tấn Minh cho hay, đa số dự án xây trường ở TPHCM chậm tiến độ do vướng mắc về thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng. Sắp tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ rà soát, phân tích và đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án. Với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền của UBND thành phố, sở sẽ đề xuất giải pháp để UBND thành phố kiến nghị các bộ, ngành sớm tháo gỡ.

TPHCM hiện có 50.655 phòng học. Với dự kiến dân số trong độ tuổi đi học năm 2025 hơn 1,9 triệu người thì tổng số phòng học cần có vào năm 2025 là 57.423. Như vậy, trong giai đoạn 2024-2025, toàn thành cần bổ sung gần 7.000 phòng học. Hiện nay, ngành giáo dục đặt mục tiêu hoàn thành đề án xây dựng 4.500 phòng học mới vào năm 2025 để chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước.

P. Thanh

Xây trường lớp là vấn đề rất cấp bách

Chúng ta cứ nói thiếu đất xây trường nhưng theo tôi, không có chuyện thiếu đất. Sao có đất xây nhà, xây trung tâm thương mại, chung cư mà lại bảo thiếu đất làm trường? Đang có nhiều khu đất bị bỏ hoang, rất lãng phí. Ngay trong khu đô thị ngoại giao đoàn mà tôi đang ở (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), nhà cửa mọc lên nhiều rồi nhưng phần đất quy hoạch xây trường vẫn cứ bỏ trống đó và học sinh phải đi học chỗ khác. Như vậy đâu phải thiếu đất, mà chính quyền chưa thực sự quyết tâm đầu tư xây trường, lớp. Việc tăng dân số cơ học là quá rõ ràng nhưng năm nào chính quyền cũng lấy lý do thiếu đất để đổ thừa cho việc quá tải trường, lớp. 

Chúng ta quy định sĩ số chuẩn của bậc tiểu học là 35 học sinh/lớp. Sĩ số như thế này cũng đã quá cao rồi. Ở Singapore, mỗi lớp tiểu học chỉ có 20 học sinh, phòng rộng hơn 100m2, chỉ mất 1 phút kéo bàn ghế là chia thành 5 nhóm thảo luận. Còn ở Việt Nam, nhiều lớp có 50-60 em chen chúc, phòng nhỏ, bàn ghế xếp sát nhau thì rất khó chia nhóm, khó phát huy năng lực người học. 
Muốn theo chương trình dạy, học tiên tiến thì số trường phải gấp đôi, số giáo viên phải gấp đôi. Còn như hiện nay thì mỗi giáo viên phải gánh công việc gấp đôi. Do đó, phải thấy được việc xây trường, lớp là vấn đề rất cấp bách. Cần ưu tiên ngân sách đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, miễn thuế, khuyến khích doanh nghiệp xây trường. Phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, mới giải quyết được vấn đề trường, lớp cho học sinh theo chương trình mới. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Học trường công lập là quyền của mọi học sinh phổ thông 

Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực - cho rằng, chỉ cần nhìn vào quận Hoàng Mai là biết TP Hà Nội có thiếu trường, lớp hay không và mức độ ra sao. Từ mầm non, phụ huynh đã phải bốc thăm tìm vận may cho con vào trường công, đến bậc tiểu học thì phải học luân phiên. “Nhiều vị trí đẹp đã được dành để xây chung cư cao cấp và trung tâm thương mại, nhiều dự án treo suốt nhiều năm nhưng hễ nhắc đến đất xây trường lại bảo không có” - ông bức xúc.
Theo ông, khi quy hoạch các khu đô thị mới, ngành giáo dục cần tham mưu cho chính quyền địa phương, rằng với dân số như thế, cần phải xây dựng thêm bao nhiêu trường mẫu giáo, bao nhiêu trường tiểu học, THCS, THPT. Dự án nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu về các thiết chế xã hội như giáo dục, trường học, mới được phê duyệt. Việc quy hoạch cần đáp ứng nhu cầu chung của cộng đồng, phải tính đến trường của cộng đồng, của phường, xã để đảm bảo mọi học sinh đều có quyền học phổ thông công lập, được hưởng việc dạy và học có chất lượng.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI