Hồi đó, một ngày sát nút tuổi 30, đi thăm bạn mổ nội soi trong Bệnh viện Từ Dũ, bước qua Khoa Hiếm muộn, thấy hàng trăm người ngồi mệt mỏi, tuyệt vọng ở hành lang, cảm giác của tôi rất kỳ lạ. Nếu mình cũng trong số những người “đoạn trường tìm con” kia thì sao?
Tôi về nằng nặc… đòi cưới. Bạn trai tôi, đã quen nhau tới 6 năm trời nhưng cứ dửng dưng. Tôi nghe nói, mọi phụ nữ muốn lấy chồng đều phải "kề dao vào cổ" người đàn ông, bởi anh nào cũng đòi chờ có nhà cửa, sự nghiệp. Mà chờ xong thì có khi đã tới tuổi… hiếm muộn mất rồi.
Tôi nói với anh ấy là tôi muốn có hai con trước tuổi 35, nếu anh không ủng hộ, tôi sẽ tới các phòng khám chui, xin tinh trùng để… tự thụ thai cho kịp.
Bạn trai thấy tôi kiên quyết và hào hứng với kế hoạch… tự thụ thai, cuối cùng đành đồng ý dắt tôi về xin gia đình cho làm đám cưới. Sau này kể với bạn bè thân, tôi hay nói rằng mục đích hôn nhân của tôi là để… sinh con. Nghe thật trái ngược với những khái niệm xây dựng hạnh phúc nhưng rõ ràng là vậy. Tôi muốn có con, tôi đòi kết hôn, chứ không phải phía bạn trai tôi muốn, thế nên tôi tự nhủ ngay từ khi bắt đầu, cuộc hôn này dù có tồi tệ ra sao đi nữa, tôi chấp nhận hết.
Thật may, chính vì không kỳ vọng hạnh phúc hoàn mỹ, mà chúng tôi sống được với nhau những tháng ngày thoải mái, không có cảnh căng cứng ghen tuông hay bó buộc nhau vào các nguyên tắc gia đình. Chồng tôi có tính cách đặc biệt từ nhỏ, anh ít nói một cách bất thường, chỉ thích ở yên trong phòng nghiên cứu, không thích chia sẻ tâm tình với ai, kể cả cha mẹ, người thân và sau này là vợ con.
Phía tôi cũng thế, tôi cũng có những sở thích lập dị. Ví dụ, anh chấp nhận mỗi năm cho tôi "biến mất" ít ngày để đi phượt với bạn bè như một kẻ độc thân. Chúng tôi không tiêu tiền chung như các cặp khác, đời sống hôn nhân có vẻ vẫn là hai cá thể độc lập, chỉ là chung mái nhà.
Nhưng rồi từ khi tôi cầm chiếc que thử thai hai vạch, quan hệ của chúng tôi vượt lên “một tầm cao mới”. Rõ ràng việc lần đầu làm cha, làm mẹ tạo nên một điều thiêng liêng khó tả, gắn kết chúng tôi thành một đội, giúp chúng tôi đạp bằng mọi khó khăn để trải nghiệm hạnh phúc được nuôi con, nhìn con khôn lớn.
Thai 7 tuần, con dọa sẩy thai. Tôi phải siêu âm mỗi lần khám để theo dõi tình hình rỉ dịch của túi phôi. Ở nhà, tôi uống đủ thứ thuốc bổ ngang bổ dọc, phải nằm bất động, gác chân lên cao trong căn phòng tuềnh toàng, nóng nực, không có máy lạnh.
Tôi cũng bắt đầu nghén 24/24, nôn ói cả ngày, không ăn uống được gì. Mỗi lần ói ra mật xanh mật vàng, ruột quặn thắt, tôi cứ lo mình sẽ ói luôn ra cái túi thai nhỏ bé mỏng manh trong người.
Tôi không ngủ được, nằm trên giường thấy đêm dài dằng dặc, nghe ngóng đủ thứ tiếng động trong nhà ngoài đường.
Tai tôi bỗng tinh và thính… như chó sói, đêm dài, tôi nghe tiếng thạch sùng đuổi nhau chạy trên tường, đếm tiếng từng chiếc xe chạy qua, từng tiếng chó sủa hẻm này, hẻm khác. Ngửi mùi cơm nhà bác xe ôm hàng xóm nấu lúc 3g sáng để đi làm sớm, tôi chếnh choáng đến khốn khổ. Thường thì, tận khi trời hưng hửng, đèn đường tắt và tiếng chim sẻ lích chích ngoài cành me, tôi mới có thể thiếp đi trong mệt mỏi.
Nhưng trên tất cả những đau nhức, đói khát, khó chịu, tôi sợ con không khỏe mạnh, không lành lặn. Lại những suy nghĩ tiêu cực tới trong đêm khuya, có nên giữ con bằng mọi giá? Nếu từng dọa sẩy thai, thì não bộ và thân thể con tôi có bị ảnh hưởng không? Đó là lý do lần nào siêu âm tôi cũng năn nỉ bác sĩ đếm ngón chân ngón tay cho con xem có đủ năm chiếc mỗi bàn không.
Hết đợt động thai ấy, tôi vừa đi làm được dăm ba buổi thì cơ quan xảy ra chuyện. Tinh thần mệt mỏi, tôi rơi vào đợt động thai thứ hai. Lại những ngày dài nghỉ làm, nằm im không nhúc nhích trong lo lắng, căng thẳng.
Tôi cũng chưa hết nghén và sợ mùi thức ăn, nôn thốc nôn tháo khi ngửi thấy bất kỳ mùi hương nào: hương nước lau sàn, nước hoa, dầu gió… Vợ chồng tôi trở nên quen lối bệnh viện phụ sản và thân với viên thuốc giảm co thắt có cái tên dài thượt mà tới giờ vẫn nhớ, viên Utrogestan.
Chưa kịp ổn định thai, thì tới cái hẹn tầm soát down khi thai nhi 12 tuần. Tôi lặn lội tìm tới bác sĩ giỏi nhất thành phố về kỹ thuật tầm soát này. Hồi hộp bước vào con hẻm có phòng khám sản, tôi thấy rất nhiều bà mẹ lớn tuổi như mình ở khu vực ghế chờ, nhiều chị tóc bạc, da nám lại thêm vóc dáng nặng nề, nhìn cứ như… bà ngoại.
Tôi nhớ nhất một chị ở Củ Chi cứ khóc nức nở ngoài buồng khám. Chị nhận kết quả xấu sau khi tầm soát, nguy cơ down của thai gần như là 100%. Lúc ấy, thần kinh của tôi căng thẳng tột độ, mồ hôi ướt hết người.
Tôi may mắn hơn chị bầu nọ, tỷ lệ nguy cơ của tôi được tính ra là khoảng 1/700. Dù vậy, vẫn là cao. Bác sĩ cho tôi hai sự lựa chọn: nếu chọc ối, xác suất sẽ được tính sát sao hơn, nhưng do tôi có tiền sử dọa sẩy thai, nên đụng vào ối sẽ dễ gây sẩy thai.
Tôi bần thần trở về nhà, ngấu nghiến đọc hết những bài viết về bọn trẻ bị down. Cha mẹ chúng đã yêu thương chăm sóc đứa con ấy như mọi đứa con khác. Tôi nhớ các cô bé, chú bé down từng gặp, chúng đều dễ thương vô cùng. Nếu chúng là con tôi, thì cớ gì mà tước quyền ra đời, mà không yêu thương chúng. Duyên trời đã cho chúng tôi gặp nhau theo cách ấy, cứ thuận tự nhiên mà sống bên nhau thôi.
Thế là tôi chọn không chọc ối, chấp nhận dù con thế nào, tôi cũng sẽ phải gặp được con. Tôi lặc lè đi qua những tháng ngày bất an ấy với thân hình tăng ký vùn vụt, hậu quả của những ngày tháng nằm im và việc bồi bổ sau khi hết nghén.
|
Thời gian mang bầu, trong tôi luôn thường trực các nỗi lo như: liệu con có đủ ngón chân ngón tay không, con có khoẻ mạnh hay không, có đang buồn bã giống tôi không?... - Ảnh minh họa |
Cùng thời điểm ấy, tôi hay tin nhau bám thấp, dọa thai tiền đạo. Tôi đổi bệnh viện theo dõi thai và tìm tới giáo sư đầu ngành sản nhi để được tư vấn về sự nguy hiểm của thai tiền đạo. Tôi xác định rằng, những tuần cuối thai kỳ, tôi sẽ ôm quần áo tới ăn ngủ tại bệnh viện để tránh nguy cơ trở dạ, bể nhau, dễ chảy máu, tử vong cả mẹ và con.
Qua quý thứ ba, cơ thể tôi tăng tới 21kg, nên các khớp đau nhức, không tự nhấc được chân khi nằm, chồng tôi phải giúp trong mọi sinh hoạt. Bụng tôi lớn như một bà mang thai đôi, cùng đó là nỗi lo nguy cơ tiểu đường, huyếp áp do tuổi lớn và thai to, nên tôi phải nằm ở bệnh viện đo điện tim và thử đường huyết liên tục. Tất nhiên mỗi lần khám thường phải siêu âm. Phiếu siêu âm của tôi dày thành tệp, trong khi mọi khuyến cáo trên sách báo nói rằng chỉ nên siêu âm chừng 3-4 lần cho toàn thai kỳ, tránh các nguy cơ tán huyết thai nhi…
Vậy mà, tới… phút 89, còn một ngày nữa tới lịch đón con ra đời, tôi bàng hoàng nhận tin nước ối cạn và ngả màu xanh do nhiễm khuẩn. Cùng đó là hai vòng dây quấn cổ và kích thước thai quá lớn, trên 4kg. Chồng tôi ký giấy cho tôi lên bàn mổ ngay trong đêm.
Lúc bác sĩ đưa con ra khỏi cơ thể, nghe tiếng oe oe, tôi nhìn đồng hồ tường bệnh viện: 5g15 sáng một ngày của tuổi 30, nước mắt tôi cứ thế trào ra… Con tôi đủ 10 ngón chân, 10 ngón tay, xinh xắn, khỏe mạnh.
Minh Lê
Dấu mốc nào trong đời đã "bẻ lái" lối đi của bạn? Bạn đã vượt qua thời điểm ấy khó khăn hay dễ dàng? Mời bạn chia sẻ câu chuyện cùng chúng tôi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vn.
Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|