Tôi lấy chồng làm cùng ngành kiểm toán. Tới thời điểm vợ chồng bên nhau 10 năm thì chúng tôi có đủ nếp đủ tẻ với một con trai và một con gái học tiểu học.
Bạn bè thường khen tôi giỏi giang, chưa tới 40 tuổi đã sở hữu một căn nhà hai tầng để ở, một căn nhà cấp bốn trong con hẻm nhỏ đem cho thuê, một mảnh đất bỏ không ở ngoại thành.
Nhìn tới nhìn lui, tôi cũng bằng lòng với những gì đang có, con tôi học trường công, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, cuộc đời trôi êm đềm...
|
Con cái đủ đầy, có 2 căn nhà, một mảnh đất, lại mới mua xe hơi, bạn bè xem tôi là hình mẫu đáng mơ ước - Ảnh minh họa |
Căn nhà cấp bốn trong hẻm nhỏ là tài sản đầu tiên mà chúng tôi làm lụng và sắm được, hai đứa con cũng lớn lên từ đây. Khi con đầu vào cấp II, vợ chồng tôi mua ô tô để tiện chở con đi học trong trung tâm thành phố. Hẻm nhà quá nhỏ, chúng tôi đành chia tay ngôi nhà cũ, chuyển sang căn nhà mới rộng rãi, có chỗ để xe.
Vợ chồng tôi cho thuê căn nhà cũ ấy, nhưng người thuê không giữ gìn, và nhà cũng quá cũ, nên tới hồi xuống cấp, người ở đó liên tục than phiền, đề nghị chúng tôi sửa chữa. Nay hạng mục này, mai hạng mục khác, việc sửa nhà kiểu chắp vá rất tốn kém và mệt mỏi.
Bán đi thì tiếc nơi chốn bao kỷ niệm, nên hai vợ chồng tôi bàn chuyện đập ra xây mới. Nhưng xây nhà đâu phải chuyện đơn giản, cuối cùng chúng tôi chốt phương án bán miếng đất để hoang ở ngoại thành để có tiền dựng nhà.
Tuy nhiên, quyết định xong mà chồng tôi có vẻ chần chừ, lúc thì anh nói thị trường nhà đất đang chững, bán thiệt tiền, lúc thì anh nói: "Thư thư chút, mình có gì gấp đâu". Anh khiến tôi có cảm giác không yên tâm, nên tôi truy, và rồi anh cũng nói thật.
Hóa ra, mảnh đất đó anh đã khai hoang, đắp nền, cho người ta thuê làm nhà xưởng chứ không còn bỏ không. Tiền thuê xưởng mỗi tháng mười mấy triệu đồng, anh để cô em gái nhận.
Tôi nghĩ, gần hai năm nay trời, tiền thuê không ít, thôi thì coi như lọt sàng xuống nia, nhưng đất là của vợ chồng tôi, bây giờ có việc, lý do gì chúng tôi lại không thể đem bán?
Lúc này cha mẹ chồng tôi mới lên tiếng, ông bà kết luận tôi là đứa con dâu tính toán, keo kiệt. Mười mấy triệu đồng đó là thu nhập của gia đình cô em chồng, nay tôi bán đất thì vợ chồng con cái em chồng sống bằng gì. Mẹ chồng xỉa xói: "Các con giàu có, lên xe xuống ngựa, ăn cơm ăn thịt thì cũng phải cho em miếng cháo chứ!".
Bố mẹ chồng tôi cho rằng, cái nhà trong hẻm kia không xây thì vẫn có người thuê, dù giá thấp một chút, nhưng đầu tư tiền tỷ dựng nhà mới rồi cho thuê, cùng lắm một tháng được mấy chục triệu đồng, tới khi nào mới hồi vốn?
Rồi mẹ chồng ra điều kiện: một là giữ nguyên hiện trạng cho gia đình em chồng có thu nhập, hai là bán mảnh đất lấy tiền xây nhà cho thuê, thì tiền thuê phải chia cho em chồng một nửa.
Vậy mà chồng tôi đồng ý. Cả gia đình bên chồng và anh không hề nhìn ra hay cố tình không thấy: vì có nguồn thu ngon lành nên vợ chồng cô em gái chẳng chịu làm ăn, ngày ngày ở nhà đi ra đi vào chờ tới tháng nhận tiền.
Tôi mệt mỏi khi ai cũng nói tôi quý của hơn người, rằng em út trong nhà mà cũng so đo. Nhà chồng đã quên chuyện hàng tháng chính tay tôi gửi tiền về lo cho ông bà từ sinh hoạt, đến việc chu toàn giỗ chạp hay mua này sắm kia. Bao năm nay như vậy, tôi đâu có so đo gì!
Khi xảy ra chuyện, chồng tôi nói rằng cha mẹ anh nói đúng, rằng anh đã lấy nhầm vợ. Trong một trận cãi cọ nảy lửa, chồng tôi buông ra câu: "Cô thích bán đất bằng được thì cứ bán đi, chia đôi tiền, chia luôn cả con luôn!"
Tôi chua chát: "Nếu kết hôn với tôi là sai lầm, thì anh có thể anh sửa sai, với điều kiện con tôi nuôi cả hai".
Tôi rao bán mảnh đất, số tiền thu được, tôi yêu cầu dùng để xây lại ngôi nhà trong hẻm, tiền còn dư thì chia đôi. Có hai cái nhà, tôi đề nghị anh chọn một cái, cái còn lại mẹ con tôi sống với nhau. Anh đồng ý.
Kể lại câu chuyện, nghe có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng phải ở địa vị của tôi khi ấy, bạn mới thấu nỗi phẫn uất. Không ai cảm thông, một mình tôi đối phó với nhà chồng. Tôi ra vào mỗi ngày trong ánh mắt dè bỉu của chồng, lâu lâu lại nhận tin nhắn trách móc của em chồng, cuộc gọi mắng nhiếc của cha mẹ chồng...
Chồng tôi đi công tác nhiều hơn, khi anh ở nhà, chúng tôi cũng sống ly thân, mỗi người mỗi phòng ngủ, bữa ăn ngồi qua quýt, chẳng buồn nhìn mặt nhau. Sau đó không lâu, tôi nghe phong thanh chồng có tới vài cô bồ trẻ. Họ là tiếp viên phục vụ nhà hàng, quán ăn, nhân viên của anh, và anh không giữ quan hệ lâu dài với ai...
|
Chồng tôi bắt đầu gặp gỡ, quan hệ với các cô gái trẻ... - Ảnh minh họa |
Cha mẹ ruột của tôi biết chuyện, liên tục gọi tôi về khuyên bảo hãy nhịn chồng, hãy nhường em chồng để giữ gia đình, kéo chồng lại. Vợ chồng đâu phải cứ nghĩ bỏ là bỏ, còn con cái, hãy thương chúng...
Tôi trình bày với cha mẹ, rằng tới nước này, chuyện không còn đơn thuần là nhà cửa đất đai nữa, mà là tình cảm và thái độ. Nếu chỉ nhà chồng coi thường tôi, tôi chấp nhận và có thể chịu đựng được, nhưng đến chồng cũng khăng khăng tôi tham lam, sống không biết điều, thì anh đã đổ bỏ hết những cố gắng của tôi với gia đình nhỏ và gia đình lớn.
Tôi kể với mẹ rằng, mỗi lần có gì không vui bên ngoài, đặc biệt là mỗi lần anh chia tay bồ nhí, anh sẽ về đá thúng đụng nia, hở một chút là nhắc chuyện đất đai rồi chì chiết, nói lời khó nghe với tôi trước mặt hai con. Anh chẳng chút tôn trọng tôi và cũng chẳng buồn giữ gìn để con cái tôn trọng mẹ. Làm sao tôi có thể sống tiếp trong cảnh như vậy?
Ly thân gần một năm thì chúng tôi ra toà ly hôn. Anh chấp nhận để tôi nuôi hai con, anh chỉ đón chúng đi chơi vào cuối tuần. Lương tôi đủ cho ba mẹ con sinh sống và có dư chút ít. Từ ngày đó, nhà nội không một lời hỏi han các cháu, tôi cũng chẳng màng để ý, chỉ chăm chỉ làm việc để lo cho hai con.
Mẹ con tôi sống một cuộc sống khác, tự do, thoải mái, các con ngoan ngoãn, học tốt. Tôi thậm chí rất ngạc nhiên với cảm giác của mình: Người ta đổ vỡ hôn nhân, mất gia đình thì ít nhiều sẽ tiếc nuối, buồn bã, mà sao tôi chỉ thấy cảm giác dễ chịu, khoẻ nhẹ và tự do. Năm năm trôi qua, bạn bè hỏi thăm, tôi vẫn nói mình đã may mắn quyết định đúng.
Đôi khi nằm ngẫm ngợi, tôi thấy hoá ra, những cuộc đời tưởng thành công, trôi êm và đẹp đẽ, chẳng qua nó chưa được va chạm để phát lộ những bi kịch mà thôi...
Vân Trang (Bình Chánh, TPHCM)
Dấu mốc nào đã khiến bạn "bẻ lái" trên lối đi cuộc đời? Bạn đã vượt qua thời điểm ấy khó khăn hay dễ dàng? Mời bạn chia sẻ câu chuyện cùng chúng tôi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vn.
Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|