Hồi tôi quen anh, ba mẹ ra sức ngăn cản. Anh ở xóm trên nên chúng tôi dễ dàng chạm mặt trong buổi xã phát động thanh niên tình nguyện mùa hè. Anh nhanh nhẹn, ăn nói ngọt như đường. Tôi mới lớn, rung động lúc nào chẳng hay.
Nhờ cái miệng “tía lia” của anh mà tôi thấy cuộc sống vui vẻ lạ thường. Đợt tình nguyện kết thúc cũng là lúc anh ngỏ lời hẹn hò. Tôi bước vào mối quan hệ ấy đầy háo hức, mặc dù cũng có lúc băn khoăn khi diễn tiến của cuộc tình nhanh quá.
|
Tôi cãi lời cha mẹ, dọn về sống cùng anh mà không ngờ anh là con người tệ bạc - Ảnh minh họa
|
Biết hai đứa yêu nhau, cha mẹ giận lắm. Mẹ tôi khóc hết nước mắt, khuyên con gái đủ điều. Từ chuyện anh không học hành đến nơi đến chốn, cha anh là người không đàng hoàng, từng cờ bạc, đánh đập vợ, cho đến chuyện ông ta ngoại tình, có con riêng...
Nói chung trong mắt cha mẹ tôi, gia đình anh “quá phức tạp”, anh cũng không có công việc ổn định, tính nết cũng thuộc dạng “chỉ giỏi nói”.
Nhưng khi yêu, tôi làm sao thấy được những điều đó là “vấn đề”. Tôi chỉ nghĩ cha mẹ đang cấm cản, lo xa, chưa hiểu hết về con người anh. Tôi cho rằng tôi đã lớn, có quyền lựa chọn hạnh phúc của mình. Vì thế nên tôi vùng vằng cãi, gạt bỏ mọi cảnh báo của người thân.
Yêu nhau 3 tháng, tôi quyết rời nhà đi theo anh, mặc cha mẹ hết khóc lóc khuyên can, rồi đe dọa từ mặt. Khi phải chọn bên tình - bên hiếu, tôi vẫn đặt trọn lòng tin và tương lai của mình, vào những lời hứa hẹn của anh. Tôi nghĩ một ngày nào đó cha mẹ sẽ hiểu và ủng hộ lựa chọn của tôi.
Dấu mốc rời bỏ nhà ấy đã đẩy tôi vào một hoàn cảnh mới.
Ban đầu, anh cũng tỏ ra xốc vác, chăm chỉ. Anh đi xin việc tại một khu công nghiệp, tôi theo đến ở với anh trong căn phòng trọ. Mất 1 tháng đầu loanh quanh trong nhà, sau đó tôi cũng xin được việc làm. Tôi nghĩ, một thời gian nữa thôi, khi sự cố gắng của tôi và anh có kết quả, cha mẹ sẽ chấp nhận. Tôi đâu phải đứa con bất hiếu.
Đâu ngờ, sống chung chưa tròn năm thì tôi đã nhận ra bản tính người mình chọn. Anh chỉ giỏi nói, chứ không giỏi làm, chỉ thích lông bông với bạn bè. Nhiều hôm say xỉn về ói ngay cửa, tôi phải dìu vào. Đi làm ở đâu, anh cũng gây sự với đồng nghiệp rồi bị sa thải, hết tiền tiêu thì về vòi vĩnh tôi.
Có tháng, hai chúng tôi cạn tiền, anh yêu cầu tôi đi vay. Tôi ngỡ ngàng, bởi tôi làm gì quen biết ai ở chỗ xa lạ, một người thân, một người bạn cũng không. Lúc đó tôi mới thấm lời cha mẹ, nhưng chân đã nhúng chàm, tôi chẳng thể thoát ra, lại càng không dám về đối diện với cha mẹ, nhất là khi trong bụng tôi đã hình thành một bào thai.
Ngày tôi bầu 5 tháng, hết tiền khám thai, tôi đành bán chiếc vòng đeo từ hồi còn đi học. Chiếc vòng ấy là kỉ niệm cha mẹ tặng khi tôi được nhận giấy khen của trường. Nhớ lại những gì cha mẹ khuyên bảo, cảnh báo, tôi càng hối hận. Đúng là "cá không ăn muối cá ươn"…
Tôi bầu đến tháng thứ 6, anh ta lén lút hẹn hò người khác. Tôi vác bụng đến tận nơi tìm, gào khóc, mắng chửi cô kia cướp chồng. Anh thản nhiên: “Tôi là chồng cô hồi nào? Chúng ta đâu có giấy tờ kết hôn”. Tôi đắng họng, mặt tái đi trước bao người đang tò mò đứng xem. Cô kia nhìn tôi cười khẩy. Cưa bao giờ tôi thấy nhục nhã, cay đắng như thế.
Về phòng, tôi gom hết đồ đạc, dự tính dọn đi. Nhưng biết đi đâu khi bụng đã vượt mặt. Bà chủ trọ cảnh báo, sẽ chẳng ai dám cho một bà bầu đơn thân thuê trọ, bởi khi khách thuê sinh nở, họ ngại phải "hốt hết". Chưa kể bé sơ sinh khóc cũng ảnh hưởng tới các phòng trọ khác.
Bà chủ khuyên tốt nhất tôi nên ở lại. Bà nói có thể hỗ trợ tôi lúc đi sinh, hay đón mẹ con từ bệnh viện về, nhưng bà không thể túc trực tại bệnh viện chăm tôi, và tôi đừng thiếu bà tiền thuê nhà tháng nào, vì thu nhập gia đình bà trông cả vào đấy.
|
Giờ tôi mới thấm thía câu "cá không ăn muối cá ươn" - Ảnh minh họa
|
Bấy giờ tôi vừa tuyệt vọng, vừa thấm thía lời cha mẹ. Là những người có kinh nghiệm sống, họ đã dành cả cuộc đời để nuôi lớn những đứa con, họ có trực giác và lý trí để nhận ra người đàn ông không phù hợp, tiếc thay, thứ tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ đã làm tôi mù quáng.
Bầu 8 tháng, quá nặng nề và mệt mỏi, tôi xin nghỉ làm, dày mặt trở về quê, vì thật ra tôi cũng chẳng còn chỗ nào để đi. Cha mẹ giận lắm, nhưng trước bước đường cùng của con gái, họ vẫn giang tay đón tôi và không hề nhắc chuyện tôi bỏ nhà theo trai năm trước.
Từ ngày tôi sinh nở, anh ta không một lần ghé nhìn mặt con. Chỉ có ông bà ngoại, hết lòng ẵm bồng, chăm sóc cháu. Có lần, ngồi trước cửa nhà, nhìn ông bà âu yếm bế con tôi ra phơi nắng buổi sáng, tôi nghèn nghẹn trong lòng. Tới tận khi lớn thế này, tôi vẫn làm cha mẹ khổ. Sẽ thế nào, nếu sau này con tôi cũng "cá không ăn muối" như tôi?
Ngọc Anh (Bình Dương)
Dấu mốc nào đã khiến bạn "bẻ lái" trên lối đi cuộc đời? Bạn đã vượt qua thời điểm ấy khó khăn hay dễ dàng? Mời bạn chia sẻ câu chuyện cùng chúng tôi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vn
Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|