Trẻ nghiện các thiết bị smartphone đang là một vấn đề nhức nhối với các ông bố, bà mẹ. Ngày càng có nhiều trường hợp trẻ vì nghiện quá dẫn đến bị sa sút về mặt sức khỏe cũng như tâm lý. Thậm chí nhiều trẻ còn có ý định tìm đến cái chết, đánh, dọa giết bố mẹ khi bị ngăn cấm.
Tự hành xác vì bị cấm chơi game
Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này Tiến sĩ, Chuyên gia y tế dự phòng Trần Tuấn, Giám đốc phòng khám Cây thông xanh (Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trong suốt quá trình khám và điều trị các vấn đề về tâm lý cho các bệnh nhân, ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nghiện game, sử dụng các thiết bị smartphone và để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trần Tuấn đưa ra ví dụ về một trường hợp điển hình là em Nguyễn A.Q (học sinh lớp 6). Vốn ở nhà Q không dùng các thiết bị điện tử nhưng khi đến trường bị các bạn rủ rê, Q trốn bố mẹ và thầy cô lao vào quán điện tử chơi game. Cho đến khi bố mẹ phát hiện ra và cấm đoán thì Q đã bị “nghiền” nặng.
Thấy con như vậy, cha mẹ Q rất giận, nhiều lần đánh mắng con nhưng một thời gian Q trở nên lì đòn, không còn biết sợ. Có lần bị bố đánh, Q lao vào đánh lại. Sau đó, em trả thù sự cấm đoán của bố mẹ bằng cách lao vào chơi nhiều hơn để trêu tức bố mẹ. Sự việc khiến gia đình em càng đau lòng và bất lực.
|
Trẻ nghiện game (ảnh minh họa). |
Trường hợp thứ hai là của em M.L (học sinh lớp 7). L là một cô bé hiền lành ngoan ngoãn, nhưng chính điều đó khiến L thường bị các bạn trêu trọc. Không làm gì được, L trở nên buồn chán và xa lánh bạn bè. Để giải tỏa sự uất ức, L tìm đến các trò chơi điện tử có tính chất bạo lực với ý nghĩ sẽ trả thù các bạn.
Học lực của em L ngày càng sa sút khiến bố mẹ phát hiện ra. Họ tìm cách chuyển trường cho con, nhưng ở ngôi trường khác tình trạng của em L lại càng nặng nề hơn.
Bố mẹ nhiều lần cấm đoán, mắng mỏ L nhưng em vẫn không bỏ được game. Có lần bị mắng nhiều quá, L đã tự đánh đấm vào đầu mình sau đó đập đầu vào tường. Bố mẹ L cho rằng con bị tâm thần và tìm đến bệnh viện tâm thần để điều trị. Nhưng tình hình không khá hơn. Cuối cùng bố mẹ em dẫn con đến phòng khám của bác sĩ Tuấn để điều trị.
Tự tử để trả thù cha mẹ
Chuyên gia Trần Tuấn từng nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị tâm lý cho trẻ chia sẻ rằng, không chỉ phản kháng lại bằng cách đánh đấm bố mẹ, tự hành hạ mình, nhiều trẻ còn có những hành động ngỗ ngược và nghiêm trọng hơn. Đó là trường hợp của em H (9 tuổi).
Vốn cũng là một cô bé hiền lành, lễ phép nhưng sau khi H bị nghiện điện tử vá các trò chơi trên mạng xã hội, H trở nên phá phách, ngang ngạnh. H sẵn sằng cãi lời bố mẹ, đập vỡ bát đĩa khi không được chiều theo ý muốn. Bị bố đánh mắng, H phản ứng lại dữ dội. Thậm chí có lần, H còn vơ dao dọa giết bố.
|
Bác sĩ, Chuyên gia y tế dự phòng Trần Tuấn. |
Đầu năm nay, Tiến sĩ Tuấn còn tiếp nhận thêm một trường hợp khác, nguyên nhân phát sinh cũng là do các thiết bị điện tử. Em M.A (học sinh lớp 10), khi còn học cấp 2, A học rất giỏi nhưng khi lên đến cấp 3, điểm số của em nhiều khi lên xuống thất thường.
Bố mẹ A chưa hiểu rõ nguyên nhân, quay sang trách mắng con. A lại càng buồn khi thấy bố mẹ quan tâm em trai nhiều hơn. Để giải tỏa tâm lý, A vùi đầu vào máy tính chơi game và viết truyện. Một lần bố mẹ A tá hỏa khi đọc được một đoạn A viết mình rất căm hận bố mẹ và muốn trả thù bố mẹ.
Khi bác sĩ hỏi: “Tại sao cháu lại có suy nghĩ như vậy?" thì cô bé trả lời: "Đời cháu con còn dài, đời bố mẹ cháu ngắn hơn, nên cháu phải hành hạ bố mẹ cháu."
Tiến sĩ Tuấn cho biết: “Hầu hết các trường hợp khi bị bố mẹ cấm đoán quyết liệt, trẻ đều có suy nghĩ tự tử. Bởi trẻ nghĩ, đó là cách để trả thù bố mẹ của mình”.
Giáo dục thế nào để trẻ tránh được vết thương tâm lý?
Tiến sĩ Tuấn cho biết, để điều trị cho các trường hợp này, ông đã phải rất kiên trì sử dụng liệu pháp tâm lý.
Nhưng điều quan trọng chuyên gia Trần Tuấn muốn nhắn nhủ đến các ông bố bà mẹ là: "Các bậc phụ huynh cần nắm được những phương pháp nuôi dạy trẻ đúng cách từ những năm tháng đầu đời, để không phải gánh những gậu quả nghiêm trọng”.
Như chúng ta đã biết, ngày nay trẻ đang sống trong một môi trường thông tin mở, có rất nhiều thông tin ồ ạt đến với trẻ từ các mối quan hệ trực tiếp và qua internet.