Đau lòng những vụ án huynh đệ tương tàn do tranh chấp đất đai

01/09/2019 - 18:00

PNO - Nếu như những mâu thuẫn ngoài xã hội với người lạ thường xảy ra xung đột là điều dễ hiểu thì những va chạm trong gia đình giữa anh em ruột thịt chưa hẳn đã dễ giải quyết.

Sáng 1/9, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông dùng dao chém liên tiếp vào nhiều người. Một số nạn nhân bị gục tại chỗ, số khác tiếp tục bị đối tượng truy sát. Những người có mặt chỉ đứng nhìn từ xa, không ai dám can ngăn.

Vụ việc xảy ra ở thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, đối tượng Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1966) đã truy sát cả nhà người em trai gồm 5 người. Bốn người đã chết. Một người đang nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn nảy sinh từ việc tranh chấp đất đai giữa hai anh em ruột.

Dau long nhung vu an huynh de tuong tan do tranh chap dat dai
Đối tượng Đông thản nhiên ngồi uống trà sau khi gây án (Ảnh từ Facebook)

Gần đây, nhà em trai ông Đông đang chuẩn bị đào móng trên khu đất tranh chấp, khiến mâu thuẫn thêm căng thẳng, dẫn đến sự việc đau lòng. Hầu hết mọi người đều kinh hãi trước hành động tàn nhẫn của đối tượng Đông khi nạn nhân chính là gia đình em ruột.

Điều đáng nói là sau khi gây án, Đông vẫn bình tĩnh, ung dung ngồi uống trà, khi người vẫn bê bết máu me. Khi công an đến hiện trường, đối tượng vẫn vẫy tay chào mọi người.

Thời gian gần đây, những vụ án đau lòng xảy ra liên tiếp, liên quan đến tranh chấp đất đai giữa anh chị em trong một gia đình ngày càng nhiều. Ở Tiền Giang, vụ án cha con ông Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Bình Sơn, do thiếu kiềm chế trong việc tranh chấp đất đai, đã đánh tử vong anh trai ruột là ông Nguyễn Văn Bé. Tòa án đã phạt tù với Thịnh và Sơn, đồng thời buộc hai bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 159 triệu đồng.

Ở Quảng Ninh, tháng 12/2018, hai cha con nguyên đại tá công an Nguyễn Anh Tuấn bị tuyên án do đánh tử vong anh trai ruột là ông Nguyễn Mạnh Hồng, vì tranh chấp nhà từ đường. Theo cáo trạng, ông Tuấn và vợ chồng ông Hồng nảy sinh mâu thuẫn trong việc xây dựng và sử dụng nhà từ đường. Ông Hồng đã thuê hai đối tượng hành hung vợ chồng Hồng, khiến ông Hồng tử vong, còn vợ bị thương nặng.

Ở Sóc Trăng, tháng 5/2019, do tranh chấp đất ruộng, Nguyễn Văn Tèo đã đâm chết cậu ruột của mình là ông Nguyễn Văn Út. Trước đó, do thấy ông Út ban bờ đất đang tranh chấp với mình trong khi chính quyền địa phương chưa giải quyết dứt điểm nên Tèo và ông Út có tranh cãi lời qua tiếng lại. Ông Út dùng dao mát thủ sẵn trong người đâm Tèo và bị đâm lại. Nhát dao chí mạng của Tèo khiến ông Út tử vong ngay tại chỗ.

Nếu như những mâu thuẫn ngoài xã hội với người lạ thường xảy ra xung đột là điều dễ hiểu thì những va chạm trong gia đình giữa anh em ruột thịt chưa hẳn đã dễ giải quyết. Chỉ một phút thiếu kiềm chế, nóng nảy, không ít gia đình đã rơi vào cảnh tang thương khi anh em ruột tàn sát lẫn nhau, người mất mạng, kẻ vào vòng lao lý.

Dau long nhung vu an huynh de tuong tan do tranh chap dat dai
Hai cha con Thịnh và Sơn trong phiên toà xét xử (Ảnh từ Internet)

Đặc biệt là khi mâu thuẫn nảy sinh từ việc tranh chấp đất đai liên quan đến vấn đề thừa kế, phân chia tài sản trong gia đình lại càng dễ xảy xung đột. Đồng tiền làm con người mờ mắt, bất chấp tình thân để vun vén lợi ích cho mình.

Một vấn đề nữa đặt ra ở đây là các vụ án xảy ra khi xung đột đã lên đến đỉnh điểm, chứng tỏ mâu thuẫn đã diễn ra rất lâu giữa hai bên. Tất nhiên, hàng xóm và chính quyền địa phương chắc chắn nắm rõ, nhưng không có biện pháp ngăn chặn và hướng giải quyết kịp thời.

Có phải chính quan niệm sống “đèn nhà ai nấy sáng”, không nên can thiệp vào gia đình người khác đã tạo điều kiện cho những vụ án huynh đệ tương tàn?

Tú Linh

Điều 132 Bộ Luật Hình Sự 2015 (BLHS) về “tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI