Sáng hôm ấy, tôi và Hưng, con của dì Nga – dì ruột tôi – đang ngồi chơi ngay trước cửa nhà thì có một người đàn ông cao lớn đi vào sau một hồi nhìn ngó dáo dác ngoài cổng. Ông ấy vừa tới gần, tôi nhận ra ngay đó là chú Hùng, chồng cũ của dì Nga, tức là bố của Hưng. Lần cuối cùng tôi gặp chú là năm tôi mới tám tuổi, giờ tôi đã hai lăm, tức là đã mười bảy năm không một lần nhìn thấy nhau nên chú không nhận ra tôi cũng dễ hiểu. Nhưng tôi biết chú nhận ra Hưng, bởi nó giống chú như đúc, người ngoài nhìn thoáng qua cũng biết ngay là hai cha con, chứ đừng nói tới bản thân chú Hùng.
Câu đầu tiên, chú hỏi Hưng mà không nhìn tôi: “Mẹ có nhà không?”. Thái độ của chú vẫn thế, trịch thượng, gia trưởng, bề trên như kiểu mấy đứa trẻ con này không đáng được nghe một lời nói với giọng điệu nhẹ nhàng tử tế. Tôi đưa mắt nhìn Hưng. Sau khoảng mười giây suy nghĩ, Hưng bảo: “Mẹ cháu đi chợ rồi ạ, bác có nhắn gì thì bảo cháu, cháu nhắn lại cho”. Tôi sững người! Dù mười bảy năm qua không gặp bố nhưng lẽ nào Hưng không thấy chú Hùng và nó rất giống nhau?
|
Hưng đã lớn lên suốt mười tám năm qua chỉ bẳng tình yêu thương của mẹ và gia đình bên ngoại. Em chưa một lần cảm nhận được hơi ấm yêu thương từ cha mình (ảnh minh họa). |
Nghe con trai hồn nhiên gọi mình là bác, chú Hùng gằn giọng hỏi lại: “Mày có biết tao là ai không?” Đáp lại ánh mắt khó chịu của chú Hùng, Hưng tỉnh bơ trả lời: “Không ạ!”. Thấy thái độ của Hưng có vẻ thực sự không biết mình là ai, chú Hùng đứng yên một lát rồi hạ giọng: “Lát nữa mẹ mày về bảo có bác Sơn hỏi”. Hưng lại hồn nhiên hỏi thêm: “Vâng, mà bác ở đâu ạ? Không nói rõ nhỡ mẹ cháu không biết”. Nhưng chú Hùng không nói thêm gì nữa mà bỏ đi luôn.
Chú đi khuất hẳn rồi, tôi mới quay sang Hùng bảo: “Chú ấy là bố em đấy. Em không thấy ấn tượng gì à?”. Nó lại hồn nhiên nhóp nhép nốt nắm bỏng ngô đang cầm rồi đáp: "Bố thì đã sao? Em có gặp bao giờ đâu mà phải nhớ”. Bất giác, tôi thấy nghẹn lòng.
Mẹ tôi kể, hồi còn trẻ dì Nga vừa xinh đẹp lại đảm đang tháo vát nên chẳng thiếu đám nhòm ngó. Lúc dì lấy chú Hùng, nhiều người trong xóm tiếc nuối đến mức tụ tập uống rượu say mèm rồi khóc lóc trách cứ dì tôi sao lại chọn người xóm khác để lấy làm chồng. Sau này dì kể, hồi ấy có một lần dì phải tăng ca nên đi làm về muộn. Công ty của dì cách nhà hơn bảy cây số. Đến đoạn xóm nhà chú Hùng thì dì bị một đám trai làng chặn lại trêu cợt. Đang lúc dì sợ hãi nhất thì chú Hùng đi qua “giải cứu”. Một mình chú mà đánh sao khiến mấy gã kia sợ quá chạy mất cả. Xong xuôi, chú đưa dì về tận nhà, nhưng suốt quãng đường chẳng hé miệng nói câu nào.
Từ lần ấy, dì đã đem lòng cảm kích và thầm thương chú. Suốt thời gian yêu nhau, đôi lần dì cũng băn khoăn khi thấy chú ít chia sẻ chuyện trò với người yêu, ra ngoài đường cũng hay nóng tính gây sự với người này người khác chỉ vì những chuyện không đáng. Nhưng rồi dì lại gạt đi hết, cho rằng đó chỉ là những chuyện nhỏ.
|
Mặc dù cũng nhận thấy chú Hùng có vẻ cộc cằn, nóng nảy và gia trưởng nhưng dì Nga vẫn quyết tâm yêu và lấy chú bởi tin vào tình yêu giữa hai người (ảnh minh họa). |
Nhưng khi cưới nhau rồi về sống chung nhà, dì mới cay đắng nhận ra mình đã mù quáng thế nào. Chú Hùng độc đoán, gia trưởng, luôn nghe lời bố mẹ và coi vợ như một thứ “công cụ” để sai bảo và ra lệnh.
Dì tất bật việc nhà, việc công ty, chăm nom con cái, nhưng chỉ cần chậm một chút chưa có cơm ăn đúng giờ là chú sẵn sàng hất đổ mâm cơm mà dì vừa sấp ngửa dọn lên. Bố mẹ chồng mách gì không đúng về con dâu, chú chẳng bao giờ hỏi lại vợ nửa lời mà luôn bắt vợ phải xin lỗi bố mẹ. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà dì không được quyền tham gia ý kiến chứ đừng nói đến quyết định, bởi nhà chú Hùng sống đúng theo lề thói “xuất giá tòng phu”, chồng và nhà chồng là nhất, bảo sao phải nghe vậy. Dù thu nhập từ nghề may của dì cũng chẳng kém nghề mộc của chú là bao do dì có tay nghề rất giỏi nên được cất nhắc lên chức vụ cao hơn, nhưng dì vẫn luôn nhẫn nhịn chồng để gia đình êm ấm.
Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, sau khi dì sinh Hưng được bốn tháng, một hôm nghe bố mẹ chồng rỉ tai rằng thấy có người ở công ty dì đồn là dì rất thân thiết với ông quản đốc của công ty, chú Hùng nổi cơn ghen lồng lộn vì nghĩ Hưng không phải con mình. Chẳng thèm suy nghĩ lấy một giây, chú đi mua ngay một can xăng năm lít về tưới xung quanh giường dì và Hưng đang nằm ngủ rồi châm lửa đốt. Nếu dì không nhanh chân ôm Hưng chạy ngay khỏi căn nhà đó thì có lẽ hai mẹ con đã chẳng nhìn được ánh mặt trời ngày hôm nay.
Từ đó, dì sống ở nhà ông bà ngoại tôi luôn vì quá sợ hãi, mà cả gia đình chú Hùng cũng không ai có một lời xin lỗi hay phân bua. Về sau, dì tôi đã tìm ra người phao tin đồn nhảm đó và tra hỏi cho ra lẽ, cô ta đã phải đến tận nhà chú Hùng và ông bà ngoại tôi xin lỗi, chỉ vì ghen tỵ với việc dì tôi được cất nhắc mà cô ta đã bịa ra chuyện dì tôi lăng nhăng. Nhưng điều đó cũng chẳng cứu vãn được cuộc hôn nhân của dì, vì ông bà tôi quyết không để dì quay về ngôi nhà đó nữa.
|
Chỉ vì ghen tuông vô cớ, chú Hùng sẵn sàng châm lửa đốt cả vợ và con trai (ảnh minh họa). |
Sau hai năm giằng co, dì ly hôn với chú Hùng xong xuôi. Tòa xử Hưng ở với mẹ, bố có trách nhiệm chu cấp nuôi con hàng tháng và được quyền gặp con hai lần mỗi tháng. Nhưng chú Hùng chẳng những không một lần góp tiền nuôi con mà đến cả quyền lợi thăm con, chú cũng không thèm đoái hoài. Suốt mười mấy năm, Hưng lớn lên nhờ sự dạy dỗ của mẹ và ông bà ngoại, chưa từng biết bố và ông bà nội là ai. Dì tôi không hề cấm cản hay che giấu gì với nó, thậm chí khi Hưng bắt đầu vào cấp ba, dì còn trò chuyện nghiêm túc với nó và đề nghị nó tìm gặp bố cùng ông bà nội, nhưng Hưng từ chối thẳng: “Sao lại phải tìm gặp ạ? Bao nhiêu năm qua bố có lần nào đến tìm con đâu? Con không có bố vẫn sống tốt, ngoan ngoãn đấy thôi!”.
Hôm qua tôi nghe dì kể, thì ra chú sang nhà để xin phép dì cho Hưng về chịu tang ông nội theo trăn trối của ông. Dì đồng ý ngay, nhưng Hưng nhất định không chịu về. Chẳng biết đến bây giờ, chú Hùng có lần nào từng cảm thấy hối hận vì những gì mình đã từng đối xử với vợ con chưa?
Nguyên Thảo