Bệnh trầm cảm: Yêu thương - phương thuốc diệu kỳ!

Đau lòng bệnh nhân trầm cảm mới 14 tuổi

27/04/2021 - 06:30

PNO - N.T.P. vốn là một đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ. Vậy mà ngày gia đình đưa vào bệnh viện, em bất động như pho tượng.

Dòng người chờ đợi khám bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
Dòng người chờ đợi khám bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2

Mở đầu cuộc nói chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), trầm tư: "Nhiều năm làm nghề, tôi chứng kiến nhiều người còn quá trẻ bị trầm cảm. Bệnh này không đợi tuổi, tôi mãi nhớ về hình ảnh cô bé ở tuổi 14 đã bị trầm cảm".

N.T.P. vốn là một đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ. Vậy mà ngày gia đình đưa vào bệnh viện, em bất động như pho tượng. “Bé tự cô lập mình, không nói chuyện với ai, cả ngày đóng cửa trong phòng riêng. Gặp bác sĩ, bé gào khóc, không thiết tha học hành và có ý định tự sát. Bé đau khổ khi sống trong gia đình mà ba mẹ cãi nhau cơm bữa. Thêm vào đó, em áp lực học hành, không người chia sẻ nên rơi vào bẫy trầm cảm.” - bác sĩ Thắng nhớ lại.

May mắn, khi thấy con gái chuyển từ trạng thái nói nhiều sang nói ít, khép mình, mẹ em vội vã đưa đến bệnh viện. Sau một thời gian sử dụng thuốc cộng với việc ba mẹ có nhiều thay đổi (không cãi vã trước mặt con), giảm áp lực từ việc học tập, bé P. dần trở lại như trước.

Theo bác sĩ Thắng, khoa Khám bệnh ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 tiếp nhận nhiều bệnh trầm cảm thuộc thế hệ 9X. Họ có những bế tắc trong cuộc sống, dần rơi vào buồn phiền, lo âu, suy nghĩ mông lung dẫn đến mất ngủ, cơ thể bắt đầu suy nhược. Khi phải đối mặt với những áp lực về kinh tế, công việc, gia đình, nhiều người có ý chí mạnh mẽ sẽ vượt qua được những trạng thái tiêu cực. Nhưng có người sẽ không chịu được và rơi vào trầm cảm.

Bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhân trầm cảm
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân trầm cảm

Bệnh trầm cảm ngày càng trẻ hóa vì trong cuộc sống hiện đại hầu hết mọi người đều phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, vấn đề nuôi dạy con và những khó khăn về kinh tế… Tuy nhiên, không phải ai cũng đến các phòng khám hoặc bệnh viện tâm thần để khám, chữa ngay khi bệnh ở giai đoạn khởi phát.

Bác sĩ Thắng cho rằng: “Vì chưa thực sự hiểu hết về trầm cảm cộng với những định kiến, mặc cảm khi vào bệnh viện tâm thần khám nên người dân thường đến khám tại các bệnh viện đa khoa và chỉ đến khi bệnh đã nặng”.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Bảo Hùng, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, trong nhiều năm làm việc, ông đã gặp nhiều bệnh nhân đến bệnh viện với gương mặt buồn rầu, hỏi cũng không nói hoặc nói rất ít. Ông cũng cho biết thêm, số lượng người chịu đi khám bệnh và chữa trị trầm cảm chỉ là tảng băng nổi.

Rất nhiều bệnh nhân không ý thức được mình mắc bệnh trầm cảm mức độ nhẹ. Nhiều người chỉ cảm thấy mệt mỏi, công việc bê trễ, hay buồn phiền… nhưng vẫn nghĩ là chuyện bình thường. Chỉ khi bệnh nặng dẫn đến phải nghỉ việc, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình lên đến mức căng thẳng… họ mới đi khám. “Nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng vẫn còn rất hạn chế”, bác sĩ Bảo Hùng nhận định.

Theo bác sĩ Thắng, trầm cảm thường biểu hiện bằng các triệu chứng: buồn phiền không rõ lý do, mất ngủ, giảm năng lượng (mệt mỏi), không tập trung vào công việc, giảm hứng thú vào các sở thích của bản thân…

Những biểu hiện này chiếm gần hết thời gian trong ngày và kéo dài liên tục khoảng 2 tuần. Khi bệnh ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ có hành vi tự sát. Bác sĩ Thắng cũng cho biết, điều quan trọng là nhiều người vẫn chưa biết những dấu hiệu để đi khám, điều trị khi bệnh vừa khởi phát.


Gia Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI