Dấu lặng ở những làng nghề cổ truyền

26/06/2013 - 19:55

PNO - PNO - Ban tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 cho biết Festival là cơ hội để quảng bá những di sản, giá trị truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước. Nhưng đằng sau sự rộn ràng của những lễ hội, những hoạt...

Cách TP. Hội An chưa đầy 10 km, làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) những ngày này vẫn vắng lặng. Festival Di sản lần thứ 5 này, làng nghề Phước Kiều đã không còn được UBND tỉnh đưa vào chương trình lễ hội như các năm trước.

Dau lang o nhung lang nghe co truyen

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn đang thực hiện một đơn hàng hiếm hoi vừa được khách đặt

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn (SN 1957) là một trong chưa đến 10 người con Phước Kiều còn theo nghiệp của cha ông. Ông Tiễn cho biết, tỉnh có gửi thư mời các nghệ nhân tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm, biểu diễn các công đoạn làm nghề tại Festival nhưng số tiền hỗ trợ quá ít. Gần 10 lò đúc đồng họp lại, gom góp vẫn không đủ tiền trang trải chi phí. “Làng nghề bây giờ cũng không đủ nghệ nhân để đi trình diễn nữa. 4 lần Festival trước, Tỉnh nói đi dự nhằm quảng bá sản phẩm đến du khách, tiếp cận thị trường. Họ còn hứa mở tour du lịch, đưa khách Tây đến làng tham quan, học nghề. Nhưng mỗi lần kết thúc Festival, làng nghề lại thêm nhiều xưởng đóng cửa”, ông Tiễn buồn bã nói.

Trong ngôi nhà truyền thống làng nghề Phước Kiều được huyện Điện Bàn dựng lên cách đây mấy năm, quanh năm cửa đóng then cài, không có bóng người ra vào. Cụ Dương Nhi (SN 1925) cho hay, mỗi năm nhà truyền thống mở cửa chỉ 1, 2 lần trong dịp giỗ tổ làng nghề. Cụ Dương Nhi hồi tưởng về quá khứ huy hoàng khi sản phẩm đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng khắp cả nước. Khách mua hàng từ Thừa Thiên - Huế, các tỉnh Tây Nguyên nườm nượp đổ về đặt hàng, nghệ nhân sản xuất không kịp bán. “Hồi đó xưa rồi, bây chừ ai đặt mới làm còn không thì đóng cửa. Nhiều cửa hàng treo bảng sản phẩm Phước Kiều nhưng mua hàng từ miền Bắc vô bán nhằm lừa khách. Sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, mất đoàn kết nên đánh mất thương hiệu rồi đóng cửa làng nghề là chuyện sớm muộn mà thôi", cụ Nhi chia sẻ. Từ năm 2004, cụ Nhi làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu nghệ nhân truyền thống nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận vì thiếu thành tích dù cụ là người nhiều kinh nghiệm nhất ở làng Phước Kiều.

Cùng chung số phận với làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng dệt Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cũng cửa đóng im lìm trong ngày hội Di sản của tỉnh. Ở đây, không hiếm xưởng sản xuất dừng hoạt động lâu ngày, khung dệt nhện giăng tơ đầy không ai quét dọn. Đau xót hơn, hàng trăm máy dệt vải được rao bán với giá bán đồng nát, ve chai mà chẳng ai thèm mua. Ông Hoàng Ngạn (SN 1960, trú tổ 1, thị trấn Nam Phước) cho hay, những hộ còn bám nghề chỉ hoạt động cầm chừng. Tiền lãi làm nghề một ngày của vợ chồng ông Ngạn chỉ khoảng 50.000 - 80.000 đồng. Sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. “Hàng nước ngoài mẫu mã đẹp, đa dạng, phong phú và quan trọng nhất là giá rẻ khiến sản phẩm làng nghề bị lép vế khi đưa ra thị trường. Nhà nước, các tổ chức văn hóa thỉnh thoảng đưa về làng vài mẫu mã mới rồi yêu cầu sản xuất để bán tại các điểm du lịch. Để làm được hàng, chúng tôi phải tự mua nguyên vật liệu. Đến khi có sản phẩm thì đưa hàng đi bán, bán được họ mới trả tiền, không thì thôi. Như vậy, làm sao chúng tôi có đủ vốn để quay vòng”, ông Ngạn than thở.

Dau lang o nhung lang nghe co truyen

Khung cửi dệt vải của ông Hướng ở làng Mã Châu đầy bụi, mạng nhện giăng đầy

Ông Trần Văn Hướng, chủ xưởng sản xuất H.V ở làng dệt Mã Châu cho biết, khoảng năm 2007 một số công ty du lịch, lữ hành về đặt vấn đề mở tour đến tham quan làng. “Họ yêu cầu phải làm mới khung dệt, mở rộng sản xuất để đón khách khiến nhiều chủ xưởng đầu tư hàng tỉ đồng. Thời gian đầu, khách du lịch nước ngoài đến tham quan thường xuyên nhưng sau đó vắng dần. Đến nay chỉ còn “Tây ba lô” ghé vào tham quan. Những hộ lỡ đầu tư thì ôm nợ, nhiều người phải bỏ trốn vào Sài Gòn”, ông Hướng nói.

Năm 2004, Mã Châu, Phước Kiều là 2 trong số 3 làng nghề nằm trong chương trình phát triển du lịch làng nghề với kinh phí lên tới 16 tỉ đồng. Sau gần 10 năm, hai làng nghề này gần như đã lụi tàn. Vậy nhưng theo ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, làng nghề Mã Châu và Phước Kiều sẽ được "cứu" bằng dự án phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, sẽ triển khai trong năm 2014.

Ông Cường cho rằng, dự án này sẽ vực dậy các làng nghề nhằm mang lại thu nhập cho người dân. Và biện pháp cụ thể được đưa ra trong kế hoạch này vẫn “y nguyên” dự án 10 năm trước, tức là “sẽ xây dựng các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và xưởng sản xuất để thu hút khách du lịch, đưa làng nghề Phước Kiều, Mã Châu vào các tour du lịch".
 

ĐÌNH THỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI