Đâu là sức mạnh của ngành cà phê ASEAN?

14/10/2019 - 06:09

PNO - Theo Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), phụ nữ chiếm tới 80% tổng số lao động tại các trang trại cà phê ở bắc Sumatra, Indonesia và khoảng 50% tại Lâm Đồng, Việt Nam.

Theo báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), vào năm 2017, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng 5,34 tỷ USD cà phê. Theo báo cáo năm 2019 của cơ quan này, có tựa đề “Phụ nữ trong ngành cà phê”, gần như tất cả cà phê trong khu vực được sản xuất tại các trang trại nhỏ từ 5ha trở xuống với hàng triệu người dựa vào cà phê để kiếm sống.

Dau la suc manh cua nganh ca phe ASEAN?
Phụ nữ rang cà phê ở tỉnh Aceh, Indonesia - Ảnh: AFP

Báo cáo năm 2018 của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) về “Bình đẳng giới trong ngành cà phê” cho thấy, ít nhất 30% trang trại cà phê do phụ nữ điều hành. Ở Đông Nam Á, sự đóng góp của phụ nữ vào lĩnh vực cà phê là rất đáng kể. Theo Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), phụ nữ chiếm tới 80% tổng số lao động tại các trang trại cà phê ở bắc Sumatra, Indonesia và khoảng 50% tại Lâm Đồng, Việt Nam.

Cũng  theo báo cáo của ICO, phụ nữ có quyền tiếp cận đất đai, tín dụng và thông tin thấp hơn nam giới một cách có hệ thống. Việc cho phép phụ nữ tiếp cận bình đẳng các nguồn lực và hệ thống hỗ trợ có thể thúc đẩy ngành công nghiệp cà phê. Việc trao quyền cho phụ nữ trong ngành cà phê góp phần vào bình đẳng giới, một trong những mục tiêu trong chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Phụ nữ giờ đây đang đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị cà phê tổng thể, bao gồm trồng trọt, chế biến và tiếp thị. Theo tờ The Asean Post, các nữ nông dân cà phê Đông Nam Á đang thành lập các hợp tác xã do phụ nữ lãnh đạo để có nhiều tự do hơn trong việc ra quyết định và chọn cách tái đầu tư lợi nhuận vì lợi ích của các thành viên. Các hợp tác xã này tăng giá trị về giá cả, chất lượng hạt và cải thiện sinh kế cho ngành cà phê.

Các hợp tác xã đáng chú ý của Indonesia là Ari Awas Awali và Kokowa Gayo. Được thành lập vào năm 2016, Ari Awas Awali mang đến cho phụ nữ nông dân tiếng nói và cải thiện các hoạt động nông nghiệp của họ. Hợp tác xã này hiện có 346 thành viên nữ, mỗi người sở hữu trung bình 0,5-2ha đất. 

Tại Việt Nam, cộng đồng người K’Ho bản địa giúp cải thiện danh tiếng cà phê của quốc gia bằng cách trồng hạt cà phê Arabica hữu cơ có chất lượng tốt hơn. Rolan Co Lieng - một trong những nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ thuộc cộng đồng K’Ho - đã thành lập một hợp tác xã nhằm cải thiện danh tiếng cà phê của Việt Nam, đồng thời bảo vệ truyền thống của cộng đồng.

Báo cáo của USAID tiết lộ rằng, phụ nữ lãnh đạo ít nhất phân nửa các công ty kinh doanh cà phê nội địa tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, họ là người có hiệu quả hơn trong việc đàm phán giữa bên mua và nông dân. Nghiên cứu cũng cho thấy, ở Indonesia, gần như tất cả (99%) doanh nghiệp cà phê do nữ lãnh đạo đều tăng trưởng doanh thu, 1/3 trong số này tăng ít nhất 20%. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI