LTS: Văn hóa ứng xử là một trong những trọng tâm trong mục tiêu “chấn hưng văn hóa”, phát triển và quảng bá văn hóa. Xây dựng con người văn hóa là nền tảng góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Thực tế cho thấy có rất nhiều hành vi ứng xử nhân ái, văn minh, nghĩa tình…, lan tỏa những thông điệp đẹp đẽ trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít biểu hiện ứng xử không đẹp, lệch chuẩn, thiếu ý thức; thậm chí đã để lại những hình ảnh xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế… Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn về vấn đề này để tập hợp ý kiến của quý độc giả, nhìn lại thực trạng đáng lo đó, góp ý, đề xuất, giải pháp phát huy giá trị chuẩn mực trong văn hóa ứng xử; cổ xúy, lan tỏa những hành vi đẹp, ứng xử nhân văn... |
Hành vi kém văn hóa khắp nơi
Gõ từ khóa “văn hóa ứng xử” trên Google, ta sẽ thấy hàng loạt sự việc liên quan đến hành vi/ứng xử kém văn hóa/thiếu ý thức. Gần nhất là câu chuyện ồn ào quanh việc ca sĩ Đinh Trang tố học trò vô ơn. Họ là 3 ca sĩ trẻ từng được Đinh Trang hướng dẫn, giúp đỡ trong một cuộc thi âm nhạc, nhưng đã lập nhóm riêng tư trên Facebook và cùng miệt thị, xúc phạm người đã dìu dắt, hỗ trợ mình.
|
Du khách quốc tế ngạc nhiên trước tình trạng viết, vẽ bậy ở tấm bia Ngự kiến Thiên Mụ tự của chúa Nguyễn Phúc Chu (Huế) - ẢNH: THUẬN HÓA |
Đó chỉ là một vụ việc điển hình cho những hành vi/ứng xử kém văn hóa trong thời đại 4.0. Ngoài chuyện người nổi tiếng “tố” nhau, mạng xã hội hiện có rất nhiều hội nhóm được lập với mục đích cho học sinh tự do nói xấu thầy cô giáo.
Những dòng trạng thái hay tin nhắn, bình luận được chụp màn hình, đăng tải công khai cho thấy có không ít học sinh, sinh viên đã quên mất tinh thần “tôn sư trọng đạo”, dùng lời lẽ rất kém văn hóa để nói về thầy cô mình. Điều đó cho thấy một thực trạng xót lòng về đạo đức, phẩm cách của một bộ phận người trẻ hôm nay. Khi nhận thức lệch lạc, mọi hệ lụy cũng từ đó mà thành. Không gian tự do ngôn luận trên mạng đã phơi bày mặt tiêu cực không chỉ trong môi trường học đường mà ngày càng trở nên phổ biến trong ứng xử ngoài xã hội.
Chuyện những bạn trẻ ăn mặc đẹp nhưng thoải mái văng tục trong quán cà phê, nam thanh nữ tú vô tư xả rác nơi công cộng; sẵn sàng chửi nhau bằng ngôn từ khó nghe, “bóc phốt” trên mạng hay bạo lực ngoài đời không còn là chuyện hiếm. Một bộ phận người lớn khác cũng không khá hơn: mâu thuẫn nhỏ cũng có thể đánh/chửi nhau ngoài đường, chen lấn/xô đẩy chốn đông người, cướp hoa bẻ cành những dịp lễ hội, lãng phí thức ăn… Chưa kể những hành vi thuộc phạm trù đạo đức như “boom” hàng, mua vui một cách vô trách nhiệm trên khó khăn, đau khổ của người khác.
Hành vi lệch chuẩn/kém văn hóa thể hiện trong cộng đồng ngày càng nhiều sẽ tạo hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và ứng xử của cộng đồng. Từ môi trường gia đình, nhà trường hay ở nơi thờ tự, chốn công cộng, không gian mạng..., rất dễ dàng thấy những hành vi, ứng xử kém văn hóa. Mạng xã hội với những lượt share (chia sẻ) càng góp phần lan tỏa hơn những hình ảnh/câu chuyện không đẹp.
|
Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu cũng bị khách tham quan vô ý thức viết, vẽ bậy |
“Cái tôi phán xét” trong mỗi cá nhân dễ dàng trỗi dậy, cộng hưởng, đẩy sự việc thành tiêu điểm dư luận. Ngược lại, những câu chuyện đẹp, tử tế; những ứng xử có văn hóa, nghĩa tình, bao dung lại ít được chia sẻ hơn. Nếu có cũng thường rất ít khi được viral (lan truyền nhanh). Điều đó càng khiến cộng đồng cảm nhận cái xấu, cái tệ trong ứng xử của người Việt hiện đại đang lấn át những giá trị tốt đẹp, chuẩn mực.
Không ít văn nghệ sĩ, người có ảnh hưởng, lẽ ra nên có ứng xử chuẩn mực thì lại cho công chúng thấy điều ngược lại. Khi trí thức, những người làm văn hóa dự phần vào ứng xử kém văn hóa thì đâu là điểm tựa cho công chúng hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ?
Từ thiếu ý thức đến vi phạm pháp luật Nhiều hành vi kém văn hóa/thiếu ý thức dẫn đến vi phạm pháp luật mà chính người trong cuộc cũng không ngờ đến. Mới đây, người mẫu Ngọc Trinh vừa bị khởi tố, tạm giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Hệ lụy bắt đầu từ việc cô đăng lên mạng xã hội hình ảnh thể hiện các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm trên xe mô tô phân khối lớn, gây bức xúc dư luận. Kết quả điều tra của Công an TPHCM xác định thêm Ngọc Trinh không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2. Trước đó, đầu bếp Võ Quốc đăng status miệt thị người làm báo với lời lẽ vô văn hóa trên trang cá nhân, cũng đã bị điều tra và xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Trường hợp tiktoker Nờ Ô Nô bị chỉ trích và xử phạt trước đây cũng vì nhận thức kém mà làm clip phản cảm, xúc phạm người già. Càng là người nổi tiếng, có ảnh hưởng, càng phải có trách nhiệm rèn giũa, nâng cao ý thức với bản thân và cộng đồng. Thế nhưng “bầu khí quyển” trong văn hóa ứng xử của người nổi tiếng lại bị ô nhiễm bởi chính họ. Nhiều trường hợp hành vi thiếu ý thức có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trường hợp viết/vẽ bậy lên di tích, phá hoại di sản/cảnh quan danh thắng. Đây cũng cần là bài học cho bạn trẻ trong việc nâng cao nhận thức, hành xử văn minh. |
Từng giọt nước làm nên dòng sông
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa - Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã nhấn mạnh: “Con người là giá trị cao nhất - giá trị của mọi giá trị. Sự phát triển và hoàn thiện nhân cách con người là chiến thắng lớn nhất của văn hóa”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến việc phải làm cho văn hóa bồi đắp những tình cảm tốt đẹp, hướng đến lòng yêu nước, nhân văn bác ái, tình yêu thương con người. Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đề cập đến nội dung trọng điểm: xây dựng con người văn hóa, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh.
Xây dựng được “con người văn hóa” sẽ góp phần rất lớn trong việc xây dựng nên gia đình - cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Vai trò, nhận thức của mỗi cá nhân rất quan trọng trên con đường hướng đến những giá trị cao đẹp của văn hóa cộng đồng, cao hơn nữa là văn hóa của quốc gia/dân tộc. Thế nhưng, con đường đi đến “chiến thắng lớn nhất của văn hóa” ấy trải qua hàng thập niên, nay vẫn đứng trước rất nhiều thách thức.
Người viết từng chứng kiến những câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ: cha mẹ cãi nhau, chửi thề trước mặt con; người lớn thoải mái xả rác trước mặt trẻ nhỏ, chở con nhưng vượt đèn đỏ, phóng ngược chiều, thờ ơ khi con trẻ có lời nói/hành vi không tốt nơi công cộng… Điểm tựa cho thế hệ sau là nền tảng giá trị được tạo dựng từ những người đi trước. Khi chính người lớn cũng thực hiện hành vi lệch chuẩn/ứng xử kém văn hóa thì sự dìu dắt nào hoàn thiện nhân cách, phẩm chất tốt đẹp cho trẻ thơ? Bạo lực học đường - một vấn đề nhức nhối cũng chính là hệ lụy nghiêm trọng từ việc đứt gãy những giá trị, mất kết nối giữa các thế hệ.
Khi cái tôi, lợi ích riêng được đề cao thì sự ích kỷ lên ngôi, những chuẩn mực văn hóa bị phá vỡ. Nhiều tọa đàm chủ đề về văn hóa ứng xử đã được tổ chức, bộ Quy tắc ứng xử được xây dựng và triển khai, áp dụng. Tất cả nỗ lực này đều hướng đến xây dựng một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh đồng thời cũng cho thấy văn hóa ứng xử đang là thực trạng đáng báo động và cần được cộng đồng chung tay chấn chỉnh. Thay đổi nhận thức, sửa đổi hành vi, đi từng bước chậm lại trên con đường góp phần làm nên “chiến thắng lớn nhất của văn hóa” - điều này cần đến vai trò quan trọng và to lớn của mỗi cá nhân.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn |
Lục Diệp