Những tấm gương thầm lặng mà cao cả - Bài 2:

Dẫu không lành lặn vẫn miệt mài cho đi

16/01/2025 - 05:59

PNO - Dù bước chân xiêu vẹo, thậm chí không tự đi được trên đôi chân của mình, nhưng hơn 1 thập kỷ qua, cô giáo Trần Ngọc Điệp và thầy giáo xe lăn Nguyễn Ngọc Lâm vẫn bền bỉ nơi bục giảng với tâm niệm mang tình yêu thương đến với những mảnh đời không may mắn.

17 tập thể và 23 cá nhân tiêu biểu vừa được UBND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ sáu. Họ là những người đến từ những vùng đất khác nhau nhưng đã chọn thành phố này là quê hương thứ hai, lặng lẽ góp thêm vào cuộc đời sự ấm áp cho người yếu thế, sự bình yên mỗi ngày trên từng con đường, góc phố và truyền đi thông điệp về lẽ sống, về sức mạnh của tình yêu thương.

Bài 1: Giúp đời, giúp người theo cách của riêng mình

16 năm gắn bó với trẻ khuyết tật

Trong bộ quần áo lấm lem bùn lầy, cô học trò nhỏ Trần Ngọc Điệp cố chống tay đứng dậy sau cú ngã sõng soài trên con đường sình lầy ở vùng nông thôn huyện Củ Chi. Thế nhưng, khi cô vừa đứng lên thì chúng bạn lại xô ngã và cười nhạo. Ngọc Điệp ấm ức khóc. May thay, một cô giáo tình nguyện về vùng sâu vùng xa đã đỡ Điệp dậy rồi nghiêm khắc với những học trò đã cười nhạo bạn mình.

Dù khuyết tật nhưng cô Trần Ngọc Điệp luôn nỗ lực vươn lên - ẢNH: THIÊN ÂN
Dù khuyết tật nhưng cô Trần Ngọc Điệp luôn nỗ lực vươn lên - Ảnh: Thiên Ân

Đó là câu chuyện hơn 20 năm trước của cô Trần Ngọc Điệp - giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Củ Chi. Đó cũng là câu trả lời của cô cho câu hỏi về “động lực khiến cô theo đuổi nghề giáo”.

Cơn sốt bại liệt năm lên 2 tuổi khiến Ngọc Điệp không thể đi lại. Cô bé được đưa vào trung tâm phục hồi chức năng trẻ em bại liệt để rồi sau đó chỉ có thể đi lại một cách xiêu vẹo, mức độ khuyết tật đến 50%. Cũng tại đây, Ngọc Điệp học hết chương trình tiểu học và được trở về gia đình học hòa nhập với bạn bè.

Trong môi trường mới, bị bạn bè trêu ghẹo vì đôi chân không lành lặn, Ngọc Điệp đã khóc rất nhiều. Những lúc như vậy, cô bé Điệp lại nghĩ về ước mơ để cố gắng. Cô nói: “Dù con đường đến lớp, đến giảng đường không hề bằng phẳng, nhưng tôi luôn giữ được tinh thần tiến về phía trước và chưa bao giờ bỏ cuộc”.

Nỗ lực của Ngọc Điệp đã được ghi nhận. Năm 2008, cô trở thành giáo viên của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ròng rã hơn 10 năm, mỗi ngày cô bắt xe buýt từ Củ Chi về trung tâm thành phố để dạy học. Nhưng khó khăn trong đi lại chỉ là một phần, bởi cô phải học tập rất nhiều, từ chữ nổi đến cách miêu tả vấn đề cho học trò khiếm thị có thể hình dung.

Rồi cách đây 6 năm, cô xin chuyển công tác về Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Củ Chi. Ở môi trường mới, cô phải học lại từ đầu những kỹ năng dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn hành vi xã hội. Cô kể, những ngày đầu đứng lớp, khi cô cố gắng giải thích về màu sắc để phân biệt chức năng của những chiếc áo, nhưng không học trò nào nhớ bài khiến cô cảm thấy bất lực.

Sau đó, học trò đã hỏi cô những câu hỏi rất ngây ngô theo cách nhận diện của chúng qua số lượng những chiếc nút được đính trên áo chứ không phải là màu sắc. Từ đó, cô hiểu từng dạng khuyết tật khác nhau thì cách dạy, cách tiếp cận cũng khác nhau và người giáo viên cũng phải dạy theo khả năng tiếp cận, kiểm soát của các em. Để làm được điều này, cô đã phải tham gia rất nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.

Hiện tại, cô Điệp đang phụ trách nhóm lớp Ba. Lớp học chỉ có 6 học trò và mỗi bạn đều có dạng khuyết tật khác nhau, độ tuổi chênh lệch từ 9-18 tuổi. Ngoài ra cô còn phụ trách lớp cờ vua với hy vọng giúp các em có thể tham gia một bộ môn thể thao giúp rèn luyện khả năng tư duy logic, kiên nhẫn và sự thận trọng. Cô Điệp cũng là vận động viên của Đội Cờ vua người khuyết tật TPHCM, đã đóng góp đáng kể cho đội tuyển với nhiều huy chương.

16 năm gắn bó với nghề giáo, cô Điệp không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn trao tình yêu thương, sự đồng cảm, thấu hiểu với trẻ khuyết tật. Với sự đóng góp nhỏ bé của mình, cô mong các em có kiến thức, kỹ năng để hòa nhập, tự tin hơn khi ra ngoài xã hội. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn động viên học trò phải cố gắng từng ngày, từng giờ để hoàn thiện bản thân, để được tôn trọng và chấp nhận.

Nhìn lại hành trình đã đi qua, cô Điệp ví cuộc đời mình như “quân tốt” trong bàn cờ vua, tuy nhỏ bé, chỉ đi thẳng và đi rất chậm, nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ ước mơ. Cô đã đi từng bước, có thể chậm nhưng vẫn phải đi, để chạm đến ước mơ đời mình.

Truyền cảm hứng cho trò nghèo bằng nghị lực của mình

Kết thúc buổi học, học trò ùa ra khỏi lớp như bầy chim non. Rời lớp sau cùng trên chiếc xe lăn, thầy Nguyễn Ngọc Lâm dừng lại ở hành lang để quan sát học trò, mỉm cười rồi lại đăm chiêu.

Cố gắng nâng cánh tay gầy gò co quắp, thầy Lâm diễn tả cách thầy dạy tin học cho bọn trẻ từ đôi bàn tay mềm oặt. Để có thể thao tác trên máy tính thành thạo như ngày hôm nay, thầy đã phải mất nhiều năm, vì những ngón tay co quắp không biết “nghe lời”. Sau khi thử với rất nhiều cách, thầy Lâm quyết định bó nẹp vào tay và dùng 5 khớp ngón tay để gõ bàn phím. Bằng cách đó, 10 năm nay thầy đã dạy tin học cho những đứa trẻ tại Làng May Mắn.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bìa phải) và Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc (bìa trái) trao kỷ niệm chương, bằng khen cho thầy giáo Nguyễn Ngọc Lâm tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ sáu - ẢNH: NGUYỆT MINh
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bìa phải) và Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc (bìa trái) trao kỷ niệm chương, bằng khen cho thầy giáo Nguyễn Ngọc Lâm tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ sáu - Ảnh: Nguyệt Minh

“Hiện tại, tôi rất an lạc và hạnh phúc khi có một gia đình nhỏ, làm một công việc rất ý nghĩa là dạy học cho những trẻ em nghèo mồ côi tại Làng May Mắn. Trước đây, đối mặt với cơn thập tử nhất sinh mà vẫn vượt qua được thì giờ đây, những khó khăn, vất vả không là gì nữa” - thầy Nguyễn Ngọc Lâm tâm sự.

Cơn “thập tử nhất sinh” mà thầy Lâm nhắc đến chính là biến cố thời sinh viên đã khiến thầy trở thành người tàn tật, mất đi 97% sức lao động.

Năm 2004, với ước mơ làm thầy giáo, Lâm rời quê nhà Thanh Hóa để vào miền Nam học Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước. Rồi anh bị tại nạn giao thông, gãy chân, chấn thương cột sống và gãy 2 đốt sống cổ. Sau 2 tuần điều trị tích cực, các bác sĩ đánh giá “không có khả năng phục hồi” nên đã trả anh về. Không chấp nhận mang con về chờ chết, cha anh đã quyết tâm giữ anh ở lại TPHCM để chữa trị với phương châm “còn nước còn tát”. Lời khẩn cầu hằng đêm của người cha đã được đáp lại khi Lâm đã qua cơn nguy kịch nhưng phải ngồi xe lăn suốt đời vì đôi chân liệt hoàn toàn.

Rồi kinh tế suy kiệt nên gia đình đành chấp nhận đưa Lâm về quê. Nhưng không muốn mình trở thành gánh nặng, cũng không muốn sống trong nỗi tuyệt vọng, Lâm chọn ở lại TPHCM. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ, ở đây may ra tôi mới có cơ hội sống tiếp. Nên tôi bàn với cậu em, nếu đến bước đường cùng, không còn tiền và chỗ ở thì 2 anh em đi bán vé số, tối ngủ ở hành lang hoặc xin vào bệnh viện ngủ nhờ, kiểu nào cũng sống được. Và cậu em đã đồng ý ở lại với tôi để chiến đấu với bệnh tật đến cùng”.

Và may mắn đã mỉm cười. Trước ngày anh xuất viện, giám đốc Làng May Mắn đã tìm đến bệnh viện và đề nghị anh về làng để có điều kiện tiếp tục tập vật lý trị liệu. Vậy là không những có chỗ ăn, chỗ ở ổn định, Lâm còn được tạo điều kiện học nghề. Em trai anh tiếp tục được theo học văn hóa.

Tính đến nay, thầy giáo xe lăn Nguyễn Ngọc Lâm đã dạy tin học tại Làng May Mắn được 10 năm. Bằng tình yêu nghề và yêu thương học trò nghèo mồ côi, anh cố gắng chuyển tải kiến thức và chia sẻ những điều tốt đẹp đến các em. Anh cũng kết nối bạn bè, mạnh thường quân ở khắp nơi để chung tay giúp đỡ những học sinh khó khăn và những người khuyết tật.

Việc trở thành một trong những “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” khiến anh cảm thấy bất ngờ và cảm động. “Đây chính là sự động viên quý báu để tôi có thêm động lực sống tốt hơn, làm thêm được nhiều việc ý nghĩa cho thành phố và cho đời. Đi dự lễ tuyên dương, tôi mới biết những việc mình làm vẫn rất nhỏ bé so với nhiều cô, chú, anh, chị khác. Tôi tự nhủ mình phải luôn cố gắng, nỗ lực hơn nữa, sống tử tế hơn nữa và làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho cuộc đời” - thầy Nguyễn Ngọc Lâm tâm niệm.

Thiên Ân - Nguyệt Minh

Kỳ cuối: Những bạn trẻ dấn thân vì cộng đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI