Dâu…khôn?

11/03/2014 - 15:38

PNO - PNO - Đọc bài “Chị em bạn dâu” của tác giả Đức Phương, tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt vì ngưỡng mộ tình cảm cao quý giữa hai người phụ nữ cùng làm dâu chung một gia đình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tự dưng tôi nghĩ đến hoàn cảnh bên chồng mình, cũng là chị em dâu, cũng là “thím út” mà sao lại khác nhau một trời một vực với người ta như vậy. Ngày em út của chồng tôi cưới vợ, một cô gái trẻ, xinh đẹp, cả gia đình 7 anh em ai cũng vui mừng vì chú út  khá “kén cá chọn canh”. Trước hôm cưới, tôi đùa với chú út: “Chú sung sướng rồi nhé, từ nay đã có người nâng khăn sửa túi, khỏi sợ cảnh chèo queo một mình nha”, em chồng tôi cười lỏn lẻn: “Em cưới con gái cưng nhà giàu, ai nâng sửa cho ai còn chưa biết chị ơi!”.

Dau…khon?
 

Tôi lập tức biết ngay sau đám cưới 10 ngày, bởi vì em dâu không hề động tay vào việc nhà, dù chỉ là rửa cái chén của chính mình. Mấy chị dâu khác đều ở riêng, chỉ có cô dâu kế út chưa đủ điều kiện nên phải sống cùng nhà, thế là bao nhiêu công việc không tên từ đi chợ đến nấu ăn, lau nhà, rửa bát đều đổ dồn lên cô ấy. Em dâu út viện cớ đi làm về mệt, suốt ngày ở trong phòng, chỉ có mặt vào giờ cơm, khi ăn xong lại thản nhiên để nguyên bát đũa cho chị dâu kế dọn rửa. Thấy chướng mắt, tôi gọi thím út ra góp ý, thay vì tiếp thu lời dạy bảo của chị lớn, thím ấy trả lời: “Em đã giao hẹn với ông xã trước khi cưới rồi mà, em không quen làm việc nhà, không thích dọn rửa hầu hạ ai, em cũng ngại vào bếp vì sợ văng dầu mỡ. Uả, mà hồi đó không có em thì chị sáu cũng nấu mà, giờ chỉ thêm cái chén đôi đũa có gì đâu. Với lại...người ở nhà thêu thùa làm sao so bì với người làm việc trí óc. Chị làm ơn nghĩ giùm em một chút đi”.
 
Đó là chưa kể đến việc thím ấy thấy chị dâu kế hay bưng cơm lên phòng phục vụ cho người anh chồng viêm khớp đi lại khó khăn, thím chẳng những không đỡ đần còn mai mỉa: “Ui trời, chị làm vậy chi cho cực thân. Tục ngữ có câu “Khi đói đầu gối phải bò”, hầu vậy riết quen đó!” Vào mỗi cuối tuần, thấy mấy anh chị ở riêng đưa các cháu về chơi, lúc nào thím cũng nhăn nhó khó chịu: “Một tuần chỉ được duy nhất ngày chủ nhật để nghỉ ngơi mà sao nhà cửa lúc nào cũng ồn ào mệt quá”, nói rồi thím xách xe đi mất biệt... Tôi và các chị em dâu khác thấy thím cư xử như vậy đều lắc đầu ngao ngán.

Gia đình chồng tôi xưa nay có truyền thống đoàn kết, thường yêu và nhường nhịn lẫn nhau nên mấy chị em bạn dâu cư xử với nhau rất ôn hòa, thân thiết...vào mỗi dịp giỗ chạp hay lễ Tết. Không ai nhắc nhở ai, mọi người đều tự nguyện góp công góp sức nấu những món ăn thuần Việt để cả đại gia đình cùng thưởng thức. Khi xong tiệc chị em lại cùng nhau dọn rửa, lau chùi...Những lúc như thế không bao giờ có mặt cô em dâu mới. Để tránh xảy ra chuyện bất hòa làm hỏng tình cảm anh em trong gia đình, tôi và các em dâu khác đành giả lơ trước những lời khó nghe cũng như cách xử sự kỳ quặc của thím út, nhưng dù không nói ra ai cũng biết rằng, với một người chỉ biết sống cho mình như vậy sẽ chẳng bao giờ hiểu được giá trị của tình thâm. Tự dưng tôi thấy xót cho em chồng mình quá!


HOA HẠ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI