Đau khổ nhìn vợ cũ dạy con oán ghét cha, thù hận nhà nội

05/07/2018 - 18:00

PNO - Anh cố gắng dạy con về những gì tốt đẹp, nhưng chị lại nhồi vào đầu con niềm oán ghét, sự thù hận. Chị nói với con, anh và nhà nội chính là nguồn cơn mọi khốn khó của hai mẹ con.

Vào lúc con anh trong cơn nóng giận mà nói hỗn, anh mới biết bao lâu nay trong lòng con, hình ảnh cha và ông bà nội hoàn toàn bị méo mó.

Dau kho nhin vo cu day con oan ghet cha, thu han nha noi
Anh là người cha cô độc. Hình minh họa.

Biết con đang ở tuổi định hình nhân cách, lại là con trai nhiều lúc rất khó bảo, anh vẫn âm thầm dõi theo, trò chuyện, cố gắng thấu hiểu và dành hết tình thương. Nhưng cuối cùng anh mới vỡ lẽ, bao lâu nay mọi thứ cũng chỉ là một mình anh cố gắng, trong đơn độc.

Hai vợ chồng anh ly hôn đã lâu. Con sống với mẹ, nhưng anh cũng thường xuyên ghé thăm, chu cấp tiền bạc. Anh vẫn đưa con đi chơi, nấu những món con thích, mua đồ dùng con cần. Cả cha lẫn mẹ đều đã thỏa thuận với nhau sẽ cùng chăm sóc con cái, không nghĩa vợ chồng thì cũng xem nhau như bạn. Sự thật không phải vậy. 

Dau kho nhin vo cu day con oan ghet cha, thu han nha noi
Anh hướng con về những giá trị sống, còn chị lại nhồi vào đầu con lòng thù hận...

Nhờ con tức giận cãi lời, anh mới biết bao nhiêu lâu nay, vợ đã tiêm nhiễm vào đầu con lòng thù hận, oán ghét. Chị đổ lỗi hết mọi khó khăn, vất vả là do anh và gia đình nhà nội. Những mâu thuẫn không hóa giải được của hai vợ chồng được chị đưa ra vô số lý lẽ tiêu cực, dồn chúng lên trí óc non nớt của con.

Anh cố gắng đọc những cuốn sách hay, tìm kiếm những giá trị bền vững để dạy cho con sức mạnh, niềm tin, nghị lực... Nhưng ngược lại, chị chỉ để con nhìn thấy những lỗi lầm - mà chị nghĩ là của anh; những đối xử tệ bạc, sai trái - mà chị nghĩ là của ông bà nội.

Dau kho nhin vo cu day con oan ghet cha, thu han nha noi
 
Những mối quan hệ trong công việc, cuộc sống không làm khổ anh bằng sự oán ghét của con. Hình minh họa.

Nghe con trách mắng mình thậm tệ, lòng anh đau như cắt. Mà thương cho đứa con trai của mình đã lớn lên trong lòng hận thù của mẹ, đã nghe đã biết quá nhiều những gì không nên biết. Tệ nhất là mọi thứ được suy diễn theo suy nghĩ của mẹ, con anh vẫn còn quá nhỏ để có thể nhận biết, phân định đúng/sai.

Anh nhớ ngày con chào đời, anh đã vui sướng như thế nào. Cả đêm trong bệnh viện không ngủ được chỉ ngồi đó mà ngắm con. Anh nhớ những buổi chiều ngồi mài mò làm những món đồ chơi mà con thích, lắp ráp cho con đủ thứ mô hình mà con yêu cầu.

Anh đưa đón con đi học, xấc bấc xang bang lo lắng những ngày con ốm đau nằm viện. Anh rạng rỡ những khi con trai đạt được thành tích cao trong học tập, nhận được những bằng khen trong những cuộc thi nho nhỏ ở trường... Anh đã và đang làm tất cả chỉ vì tương lai của con. 

Nhưng con trai anh không hiểu được tình thương mà bé đã được nhận. Như những đứa con sẽ không bao giờ hiểu hết yêu thương, tấm lòng của cha mẹ.

Công việc và những mối quan hệ, những mệt mỏi ganh đua kể cả những chì chiết trách móc của vợ không làm anh đau lòng bằng cách con trai đã đối xử với anh. Trong mắt con, cha là người xấu xa, thừa thãi. Bé thậm chí còn nói "con không cần cha nữa". 

Dau kho nhin vo cu day con oan ghet cha, thu han nha noi
Ai sẽ bù đắp được tâm hồn trẻ thơ khi phải lớn lên trong niềm thù hận của ba hoặc mẹ? Hình minh họa

Mà anh có phải là kẻ rượu chè, ham mê cờ bạc ăn chơi bỏ bê gia đình. Anh chỉ là một công chức nhà nước mẫn cán. Điều mà anh không làm được cho vợ con là xây nhà lầu, mua xe hơi. Anh vẫn đang ở trong căn nhà cấp bốn ở ngoại ô thành phố. 

Ly hôn, mỗi người sống cuộc đời riêng. Nhiều năm rồi, chị đã lấy chồng, còn anh vẫn không có người mới, cứ lặng lẽ làm việc rồi tìm vui bằng cách đọc sách, tập thể dục mỗi ngày. Facebook anh không bày tỏ gì cảm xúc cá nhân, chỉ chia sẻ về những bài viết cảm động về tình cha con, về giá trị sống.

Lần gần nhất, anh chia sẻ clip chủ đề Bố là người cô độc nhất. Những dòng tâm sự buồn trong clip như chính nỗi lòng của anh. Không biết con trai anh có đọc, có hiểu, có chia sẻ được với người vẫn dành tình yêu thương cho mình hơn tất cả?

Cuộc sống gia đình trong đời này có bao giờ thôi sóng gió, quan trọng là người trong cuộc bản lĩnh mà biết giữ cho riêng. Những gì mình thấy, mình nghĩ chưa chắc đã đúng. Nỗi đau cũng như niềm vui, sẽ luôn được sẻ chia. Nhưng ai sẽ bù đắp được tổn thương cho tâm hồn trẻ thơ khi phải lớn lên bằng lòng thù hận của ba hoặc mẹ? 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI