PNO - Có cơ hội lựa chọn môi trường tốt hơn, nhưng họ đã chọn dạy học ở nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hạnh phúc của họ là chứng kiến các lứa học trò tốt nghiệp, học cao hơn và thành đạt.
Ngày tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, bạn bè rủ về một trường ở quận 5, chỉ cần nộp hồ sơ là được nhận nhưng cô Nguyễn Thị Tươi vẫn chọn về dạy ở huyện Cần Giờ. Gia đình ở xã Long Hòa, nhưng cô Tươi không chọn trường ở đất liền mà quyết định ra xã đảo Thạnh An. Cô chia sẻ, lúc đó, cô chỉ nghĩ mình còn trẻ, về nơi khó khăn hơn để cống hiến. Cô đã dạy môn vật lý ở Trường THCS - THPT Thạnh An 10 năm qua.
Cô Nguyễn Thị Tươi - giáo viên vật lý Trường THCS - THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) trong một tiết học thực hành với học sinh - Ảnh: P.T
Dù đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt khó khăn nhưng những ngày đầu, cô vẫn bị hụt hẫng bởi sự khó khăn nhiều hơn cô nghĩ. Mỗi ngày, cô phải dậy từ 4-5g sáng, chạy xe máy gần 13km đến bến tàu, sau đó gửi xe, bắt chuyến tàu sớm nhất lúc 6g30 để sang đảo. Buổi chiều, dạy xong, cô lại bắt chuyến tàu cuối cùng lúc 17g về lại đất liền. Lúc đầu, cảm giác chòng chành sóng nước khiến cô bị say sóng, mệt lử cả ngày, nhất là những lúc có sóng mạnh. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi ngày, cô có 2 lượt vượt biển, kể cả những khi đang mang bầu.
Khi đó, ngôi trường cũ kỹ, xập xệ, hễ mưa là ngập, thầy trò phải lội bì bõm. Mùa hè, nắng nóng như đổ lửa, cô trò mướt mồ hôi. Đến năm 2018, trường được xây mới, khang trang hơn, cơ sở vật chất của nhà trường cũng được nâng cấp dần. Trong điều kiện thiếu thốn chung ở xã đảo, để xây dựng những tiết học thực hành bổ ích cho học trò, giáo viên phải trăn trở, gói ghém. Cô Tươi tận dụng những vật liệu có sẵn để tổ chức các hoạt động làm tên lửa nước, chế tạo xe, pin cho học sinh.
“Ở xã đảo này, đa phần người dân có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Để đến được trường ở trung tâm xã Thạnh An, các em ở ấp Thiềng Liềng phải dậy từ 4g sáng, đi đò khoảng 1 giờ. Bởi vậy, thỉnh thoảng lại có em muốn bỏ học. Thầy cô, nhà trường cùng chính quyền địa phương phải tìm mọi cách giữ chân học sinh. Nhìn từng lứa học sinh được truyền dạy kiến thức và ngày càng có nhiều em học cao hơn, tốt nghiệp phổ thông rồi lên cao đẳng, đại học, chúng tôi rất hạnh phúc. Đó cũng là động lực để những giáo viên như tôi trụ lại nơi này” - cô Nguyễn Thị Tươi chia sẻ.
Hạnh phúc đơn sơ nơi xã đảo
Hành trình gần 14 năm gắn bó với xã đảo được cô Đinh Thị Liễu - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An - gói gọn trong 2 chữ “cái duyên”. Quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi tốt nghiệp cao đẳng vào năm 2009, cô Liễu chuẩn bị nộp hồ sơ làm giáo viên ở một trường gần nhà. Thế nhưng, trong một chuyến cùng người bạn đến xã đảo Thạnh An chơi, cô đã đổi ý.
Cô Đinh Thị Liễu đọc sách cùng các em học sinh Trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) - Ảnh: P.T
Khi đó, thầy hiệu trưởng của Trường tiểu học Thạnh An ngỏ lời mời cô ở lại dạy do trường đang thiếu giáo viên. “Ở một nơi hoàn toàn xa lạ, trước một đề nghị nằm ngoài dự định, tôi đồng ý một cách rất tự nhiên. Có lẽ bởi người dân, học sinh nơi đây chất phác, thân thiện quá. Ngay từ khi bước chân lên đảo, ai gặp tôi cũng nở nụ cười tươi rói như đón người quen lâu ngày trở về. Thiện cảm ban đầu này khiến tôi quyết định làm công việc gieo chữ nơi đây” - cô Liễu kể.
Những ngày đầu, cô cùng một số giáo viên ở nhà công vụ trong khuôn viên trường. Cách đây 14 năm, nước trên xã đảo rất thiếu, giáo viên phải thay phiên nhau về sớm hứng nước trữ vào bể, chắt chiu, dè sẻn từng giọt. Điện thì chập chờn cả ngày và đến 12g đêm là cúp nên giáo viên phải tranh thủ hoàn tất giáo án, sổ sách cho ngày hôm sau. Lúc đó, cô Liễu vừa đi dạy, vừa đi học liên thông ở Trường đại học Sư phạm TPHCM nên càng vất vả.
Cô cho hay, ở trường, có hơn 40% học sinh là con em hộ nghèo. Nhiều em đến trường với bộ đồ cũ sờn, vá víu, dép lê dính đầy bùn đất. Do đó, thầy cô ở đây không chỉ truyền thụ kiến thức mà luôn tìm mọi cách vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ để sắm cho các em cuốn vở, bộ đồng phục, đôi dép. Rất may, từ ngôi trường tạm bợ trước đây, đến năm 2017, trường được xây mới khang trang, sau đó được đầu tư thêm phòng máy vi tính.
Trong những năm qua, có nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, nhưng cô Đinh Thị Liễu vẫn chọn ở lại với ngôi trường tiểu học nơi xã đảo. Cô nói, động lực của những giáo viên bám trụ nơi đây là đôi mắt trong veo của những học sinh tiểu học, những tiếng “cô ơi”, “cô à”. Không ngừng nỗ lực dạy học và nuôi dưỡng đam mê học tập cho học sinh xã đảo, đến năm 2017, cô Đinh Thị Liễu được tập thể tín nhiệm và được cấp trên bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng nhà trường.
“Niềm vui của giáo viên xã đảo đơn sơ lắm. Ngày 20/11, phụ huynh, học sinh đem tặng thầy cô bánh xà bông, xâu cá. Mà cũng không cần đợi đến ngày Nhà giáo Việt Nam đâu. Lâu lâu, người nhà đi biển bắt được mớ cua, mớ cá ngon là phụ huynh lại đem vào trường cho thầy cô. Thực lòng, tôi luôn nghĩ mình may mắn vì có duyên và gắn bó với nơi đây, được làm nghề mình yêu thích, được sống trong môi trường sư phạm trong trẻo và giàu tình cảm” - cô Liễu xúc động.
Trọn đời với nghề giáo
Đến nay, cô Trang Thị Nhàn - giáo viên Trường tiểu học An Phú Tây, huyện Bình Chánh - đã gắn bó với nghề giáo 36 năm, từ năm 1986. Khi đó, huyện Bình Chánh còn rất nghèo. Mỗi ngày đi dạy, cô phải lội bùn từ nhà ra đường rồi chờ bắt xe buýt đến trường. Thời đó, nhiều học sinh đến lớp trong bộ quần áo còn lấm lem bùn đất do buổi sáng phải phụ cha mẹ mò cua, bắt ốc.
Cô kể: “Có lần, thấy một học sinh mặc chiếc áo cũ sờn, đứt nút, tôi dặn em về nói mẹ đơm lại. Ngày hôm sau, tôi thấy nút áo đã được đơm rồi, nhưng nhìn kỹ lại thì thấy thiếu chiếc nút bên dưới. Thì ra, mẹ em phải lấy nút ở dưới để đơm lên trên. Thương quá, tôi về nói người quen giặt sạch quần áo cũ, xếp lại, mang cho các em khó khăn. Chỉ là chiếc áo cũ thôi mà khi nhận, mắt các em sáng lên rạng rỡ”.
Theo cô Nhàn, sự trong trẻo, thơ ngây của học trò là nguồn động lực lớn nhất của giáo viên: “Nhìn các em như cây non mà mình cần khéo uốn nắn, tôi thấm thía công việc “trồng người” thiêng liêng, cao quý. Cũng chỉ còn 1-2 năm nữa, tôi đến tuổi nghỉ hưu. Tôi vẫn luôn tâm niệm, còn tháng ngày nào đứng trên bục giảng, mình đều hết mình để truyền cảm hứng cho học sinh bằng những bài giảng hay, ý nghĩa”.
Cô bộc bạch, hiện nay, đời sống kinh tế khá lên, điều kiện dạy và học cũng tốt hơn trước nhiều, nhưng sự trân quý của phụ huynh, học sinh dành cho thầy cô đôi khi không còn được như xưa: “Phụ huynh ngày nay có khi chỉ vì một việc nhỏ, họ cũng đến gặp thẳng ban giám hiệu, phòng giáo dục hoặc đưa lên mạng. Do đó, tôi mong phụ huynh, xã hội có cái nhìn cảm thông hơn với những áp lực của người thầy. Ở nhà, phụ huynh có 1-2 đứa con nhưng ở trường, mỗi thầy cô có đến 40-50 đứa con. Nếu thầy cô có thiếu sót nào đó do vô tình, phụ huynh cần giúp thầy cô có cơ hội sửa chữa”.
Năm học 2022-2023 này, cô Trang Thị Nhàn là 1 trong 50 giáo viên, cán bộ ngành giáo dục được trao giải thưởng Võ Trường Toản - giải thưởng hằng năm, do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Giáo viên quyết định sự thành bại của cuộc đổi mới giáo dục
Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường. Để ngăn, giảm số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc, bộ sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi - nhất là cho giáo viên mầm non, tiểu học - phải được thực hiện một cách cấp bách. Đó là việc chúng tôi đang đề xuất, kiến nghị. Tốt nhất, có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của nhân viên y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Dung Nhi (ghi)
“Tôi ấn tượng với ngày Nhà giáo Việt Nam”
Lần đầu trải nghiệm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi có chút bỡ ngỡ. Buổi sáng, tôi vào trường, thấy nhiều nhóm sinh viên đến từng bàn của các giảng viên, mang theo nhiều gói quà. Thấy đồng nghiệp được tặng quà, tôi tưởng lớp đó có chuyện vui nên định tránh đi, nhưng nhóm sinh viên lại ùa tới phía tôi và tươi cười nói: “Chúc mừng ngày nhà giáo”. Giờ da tôi mịn màng hơn nhờ món quà tẩy tế bào chết do sinh viên tặng. Đó là món quà tuyệt vời nhất mà tôi từng có.
Sinh viên bỏ công chuẩn bị rất công phu khiến tôi rất xúc động. Chỉ mới ở Việt Nam được 1 năm 4 tháng nhưng tôi cảm nhận được cách các em tôn trọng thầy cô. Đồng nghiệp của tôi cũng ấn tượng khi thấy truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời của người Việt Nam vẫn được gìn giữ cho đến bây giờ. Chúng tôi đều mong nét văn hóa này được giữ mãi.
Tiến sĩ Seng Kiong Kok - người Anh, Quyền Chủ nhiệm cấp cao bộ môn đổi mới và kinh doanh kiêm giảng viên môn tài chính, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Trường đại học RMIT Việt Nam