Dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ hoặc đã bị xâm hại

15/03/2017 - 10:27

PNO - Dấu hiệu tâm lý: Trẻ có biểu hiện bất thường như tỏ ra bất an, lo lắng, sợ hãi, xa lánh mọi người, sợ bị đụng chạm vào cơ thể, sống khép kín, hay cáu gắt, sa sút trong học tập, gặp ác mộng, mất ngủ...

Nếu kẻ xâm hại tình dục (XHTD) là người thân quen trong gia đình, trẻ sẽ rất sợ sệt khi nhắc đến kẻ đó hoặc sợ hãi khi gặp trực tiếp. Hoặc ngược lại, có thể trẻ tự nhiên nói hay hỏi về các vấn đề tình dục, quan hệ với người khác giới, nói những từ ngữ lạ liên quan đến vấn đề tình dục, quan tâm nhiều hơn đến bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ hoặc người khác, thích gần gũi, thích đi chơi với người nào đó…

Dau hieu nhan biet tre co nguy co hoac da bi xam hai
 

Dấu hiệu thể chất: Trẻ có những tổn thương cơ thể như chảy máu, vết bầm, vết cào cấu, quần áo bị rách hoặc vùng kín có những dấu hiệu bất thường… (bé gái là âm đạo, bé trai là khu vực hậu môn). Trẻ kêu đau, sưng, ngứa ở vùng đồ lót, đi lại, đứng ngồi khó khăn, đau buốt khi tiểu tiện…

Gần đây trên facebook, chị Phan Hồ Điệp, mẹ bé Đỗ Nhật Nam (nhà văn, dịch giả) đã tâm sự một chuyện chị đã giấu kín nhiều năm. Đó là chị từng nhìn thấy một thầy giáo cho tay vào quần một bạn gái cùng lớp. “Mình quá sợ hãi, hoảng loạn, chạy giữa trời nắng bời bời, về góc vườn nhà ngồi khóc tu tu. Lúc đó mình cũng không biết đó là một dạng tội phạm, chỉ mơ hồ nhận thấy đó là điều xấu xa. Nhưng mình lại không thể mở lời để nói với ai, kể cả bố mẹ, vì thực sự lúng túng không biết diễn tả thế nào. Và mình âm thầm cất giữ bí mật' - chị chia sẻ.

Người chứng kiến sự việc đã có tâm trạng như vậy, thì những đứa trẻ trong cuộc còn che giấu kỹ đến thế nào? Thực tế, trẻ bị XH rất khó nói cho cha mẹ biết, nên cha mẹ cần quan tâm và dành thời gian cho con để phát hiện sớm, giúp đỡ con kịp thời, tránh để con bị tổn thương thêm, tránh nguy cơ con bị XH nhiều lần. Ngoài ra, còn để kịp thời đưa con đến các cơ quan y tế, công an để kịp giữ bằng chứng tố cáo kẻ xấu, đòi lại công lý cho con - điều đứa trẻ bị XH cần nhất. Trẻ thường sợ nói ra khi bị XH vì một số lý do: 

Sợ phải nhớ lại chuyện xấu. Dù trẻ chưa biết về tình dục nhưng với trẻ, những cử chỉ đụng chạm của kẻ XH để lại ấn tượng rất xấu trong tâm trí, trẻ biết đó là chuyện xấu. Hành vi XH gây tác hại đặc biệt nghiêm trọng và lâu dài đến tâm lý của trẻ, làm tổn thương cơ thể và cả tâm hồn trẻ. 

Sợ không còn được yêu thương. Cho đó là chuyện xấu nên trẻ sợ cha mẹ, bạn bè, thầy cô biết sẽ chê cười, không yêu thương mình nữa. Những trẻ từng bị XH thường tâm sự cảm giác mình bị bẩn, không còn sạch sẽ, trong sáng nữa. 

Cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Nhiều ca tâm sự với tôi là những người lớn có tuổi thơ bị xâm hại. Họ đã giữ kín chuyện đó nhiều chục năm vì xấu hổ và cảm thấy mình có lỗi khi để kẻ xấu thực hiện hành vi XH, mình đã không nghe lời cha mẹ đi chơi khuya, nhận quà của người lạ, hay cảm thấy ngu ngốc vì đã để bị dụ dỗ…

Sợ bị khiển trách. Vì thấy mình có lỗi nên trẻ rất sợ cha mẹ đánh mắng, nhất là trong những gia đình có cha mẹ nghiêm khắc, thường xuyên đánh mắng con, trẻ càng không dám nói ra. Đây cũng chính là kẽ hở để kẻ XH lợi dụng chạy tội, dọa dẫm trẻ không nói ra. 

Sợ hậu quả. Kẻ XH thường khống chế nạn nhân bằng cách đe dọa sự an toàn của trẻ và gia đình, như nói ra sẽ giết cả nhà, nói ra mọi người sẽ chê cười, tẩy chay…

Rất nhiều ca XHTD có đặc điểm chung là gia đình, cha mẹ ít có thời gian dành cho con cái. Tình trạng XHTD trẻ em dồn dập gần đây là hồi chuông nghiêm trọng cảnh tỉnh những người làm cha mẹ phải quan tâm hơn đến con, dành thời gian cho con nhiều hơn. Con cần an toàn hơn là sự đủ đầy về vật chất. Cha mẹ đừng vì mưu sinh mà bỏ bê con cái!

 Tiến sĩ PHẠM THỊ THÚY 
(Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI