Dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ bị đau bụng kéo dài

30/10/2016 - 06:50

PNO - Mỗi ngày, bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 có hơn 100 bệnh nhi (BN) đến khám liên quan tới vấn đề tiêu hóa, trong đó nhiều trẻ bị đau bụng kéo dài.

Đau bụng kéo dài có nhiều nguyên nhân, đôi khi khá nguy hiểm nhưng không phải lúc nào cũng do bệnh lý. Để giúp phụ huynh đánh giá đúng dấu hiệu nguy hiểm, kịp thời đưa trẻ đến BV, chúng tôi đã nhờ bác sĩ (BS) Hoàng Lê Phúc - trưởng khoa tiêu hóa (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) hướng dẫn.

* Thưa BS, nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau bụng kéo dài ở trẻ?

- Đau bụng chia ra làm hai nhóm: cấp tính và mãn tính. Đau bụng kéo dài nằm trong nhóm mãn tính. Nguyên nhân do hai yếu tố là chức năng và thực thể. Đau do nguyên nhân chức năng, có thể hiểu đơn giản là không có bệnh lý gì cả, chẳng qua do ngưỡng chịu đau của các bé này thấp hơn bình thường hoặc bé đau bụng do bị stress, lo lắng. Đau bụng kéo dài do nguyên nhân thực thể nghĩa là bé có bệnh lý đi kèm, điều trị hết bệnh sẽ hết đau.

Dau hieu nguy hiem khi tre bi dau bung keo dai
Nhiều bệnh nhi đi khám vì đau bụng kéo dài - Ảnh: Thanh Huyền

* Vậy làm sao phân biệt trẻ bị đau bụng do nguyên nhân chức năng hay thực thể, thưa BS?

- Đau bụng do nguyên nhân chức năng sẽ không ảnh hưởng tới tổng trạng của trẻ. Trẻ không bị cơn đau đánh thức khi đang ngủ, không cảm thấy đau lúc chơi đùa hay đang tập trung vào hoạt động nào đó. Ngược lại, đau bụng do thực thể có các biểu hiện như: chậm tăng cân hoặc sụt cân, bị cơn đau đánh thức lúc ngủ, các hoạt động bị gián đoạn vì đau. Đau bụng kéo dài, trẻ có thể đau âm ỉ hoặc đau từng cơn, mỗi cơn cách nhau vài giờ, thậm chí vài ngày, hoặc cả tháng mới đau lại.

* Đau bụng kéo dài do nguyên nhân thực thể thường là vì những bệnh lý nào?

- Táo bón là nguyên nhân gây đau bụng kéo dài dễ điều trị nhất. Bị táo bón lâu ngày trẻ đau bụng có cơn, nhất là đang bón mà đột nhiên ăn thức ăn nhuận tràng trẻ sẽ đau bụng dữ dội. Một số trẻ uống nước trái cây nhiều quá, cơ thể không dung nạp cũng gây đau. Những trường hợp này còn kèm theo đầy bụng và đi tiêu sền sệt.

Đau bụng do uống sữa cũng là nguyên nhân thường gặp. Có những trẻ lúc dưới năm tuổi thì uống sữa bình thường nhưng sau năm tuổi cơ thể đột nhiên không dung nạp lactose. Cơn đau thường xuất hiện sau khi trẻ uống sữa khoảng một-hai tiếng. Trẻ bị đau lặp đi lặp lại theo số lần uống sữa.

Bên cạnh các nguyên nhân thực thể thường gặp kể trên, còn có những bệnh lý phức tạp hơn gây đau bụng kéo dài: viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, tụy, gan, viêm ruột mãn tính, polyp, lồng ruột bán tắc…

* Xin BS cho biết, đau bụng kéo dài nếu không kịp thời điều trị có gây biến chứng nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn, viêm loét dạ dày - tá tràng dễ biến chứng thành xuất huyết tiêu hó a, thủng ruột, viêm phúc mạc.

Một khi đã bị biến chứng viêm phúc mạc BN cần phải mổ cấp cứu trong vòng 24 giờ. Lồng ruột bán tắc nếu để lâu có nguy cơ thành tắc toàn phần. Táo bón không điều trị trẻ dễ biến chứng són phân (đi tiêu nhiều lần/ ngày, mỗi lần đi ri rỉ dẫn tới mặc cảm khi đi học)…

* BS có lời khuyên nào giúp các phụ huynh có thể đưa ra quyết định đúng khi thấy con có biểu hiện đau bụng kéo dài?

- Khi một đứa trẻ kêu đau thì dù trẻ đau do nguyên nhân nào cũng không được bỏ qua, phải tìm cách giúp trẻ hết đau. Đau chức năng thì không cần dùng thuốc, chỉ cần nâng đỡ, điều chỉnh tâm lý. Nếu đau do thực thể, trẻ cần nhanh chóng được điều trị các bệnh lý đi kèm gây ra cơn đau. Tùy từng bệnh và tình trạng của BN bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

Khi trẻ than đau bụng, phụ huynh đừng vội vàng đưa trẻ đi khám vượt tuyến ngay. Nếu đưa trẻ đi khám, BS kết luận trẻ chỉ bị đau bụng do nguyên nhân cơ năng (chức năng) thì người nhà nên bình tĩnh, tin tưởng, tránh tạo sức ép để trẻ phải làm những xét nghiệm không cần thiết. Nhiều trường hợp trẻ đau không phải do bệnh lý nhưng cha mẹ quá lo lắng, yêu cầu làm nhiều xét nghiệm là không tốt vì có những xét nghiệm xâm lấn gây tổn thương khiến trẻ thành đau thật.

Phụ huynh cũng không được nghe con kêu đau là đoán con đau bao tử, tự mua thuốc về cho uống. Không phải đau do bao tử mà uống thuốc bao tử, trẻ có thể bị tác dụng phụ thành đau thật.

* Xin cám ơn BS.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI