Dấu hiệu hội chứng tăng động giảm chú ý ở bé gái, các mẹ bỏ sót

25/11/2017 - 16:30

PNO - Khi nói về hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), hầu hết mọi người đều hình dung một cậu bé hiếu động.

Trong suy nghĩ, nhiều người thường không nghĩ một cô bé thơ ngây với rất nhiều bạn, và luôn chăm chỉ để được điểm cao sẽ không bị hội chứng tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, cô bé ấy có thể là nạn nhân của hội chứng này.

Bệnh biểu hiện khác nhau tùy theo giới tính. Nếu bé trai thường không ngồi yên trên ghế; ngược lại, bé gái hiếu động có thể ra khỏi chỗ ngồi của mình nhưng là nhằm che lấp dưới hành vi giúp đỡ bạn bè trong lớp học. Đối với giáo viên hành vi của bé không bị coi gây rối, mà ngược lại còn đáng khen.

Cuối cùng, các triệu chứng bệnh càng khó phát hiện khi bé gái luôn nỗ lực làm hài lòng người lớn, chẳng hạn như phải gọn gàng, ngăn nắp, đạt được điểm cao và nhu mì.

Dau hieu hoi chung tang dong giam chu y o be gai, cac me bo sot
Bé gái cũng có thể mắc hội chứng tăng động giảm chú ý nhưng biểu hiện khác bé trai

Sau đây là ví dụ về dấu hiệu hội chứng tăng động giảm chú ý ở bé gái: 

- Bài tập ở nhà mất nhiều thời gian hơn mức cần thiết: Bé quên làm bài hoặc mất tập trung vì mải lướt internet hoặc nhắn tin cho bạn bè, và phải thức khuya để hoàn thành bài vở.

- Học tập không hiệu quả: Dù tốn nhiều thời gian học tập, hiệu suất của bé dường như không tốt.

- Khả năng đọc hiểu kém: Bé có thể chọn lọc các sự kiện từ một văn bản nhưng không thể liên kết chúng với nhau. Bé thường xuyên hiểu sai hướng dẫn của bài tập và bài kiểm tra.

- Gặp rắc rối khi kết bạn: Bé khó bắt kịp các cuộc trò chuyện. Bạn bè bắt đầu từ chối giao tiếp, cô lập hoặc trêu chọc bé.

- Bé không chạy và leo trèo: nhưng là người năng nổ trong lớp học, có tính xã hội và dễ gần.

- Thường xuyên quên mất mình cần gì: Đây là một dấu hiệu cổ điển, bé mượn bút của bạn bè do quên mang theo.

- Thường xuyên lạc mất đồ đạc: ví dụ như điện thoại, chìa khóa hoặc thẻ học sinh.

- Nói rất nhiều: Bệnh nhi có thể nói liên tục, không ngừng nghỉ.

- Có rất nhiều bạn vì luôn vui vẻ: nhưng khi cố gắng tổ chức các hoạt động, bệnh nhi có vẻ lo lắng và thiếu quyết đoán; từ đó cần đến sự trợ giúp từ bạn bè để đưa ra quyết định, tìm kiếm đồ vật và giữ mọi thứ ngăn nắp.

- Trễ nải: Luôn xài “giờ dây thun” hoặc luôn chưa sẵn sàng khi được gọi.

- Năng động: Bé thích tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa như bơi lội, câu lạc bộ trường học và bóng đá.

- Không biết cách rút kinh nghiệm từ hậu quả đã xảy ra.

- Thường xuyên rơi vào tuyệt vọng khi bị chỉ trích khắc nghiệt.

Dau hieu hoi chung tang dong giam chu y o be gai, cac me bo sot
Kỳ vọng của gia đình khiến nhiều trẻ em gái "giấu bệnh".

Đôi khi, người lớn góp phần làm lơ biểu hiện bất thường của trẻ em gái bằng cách xem những hành vi đó là “ở dơ”, “tiểu thư” hoặc “có máu nghệ thuật”.

Nếu bệnh không được phát hiện, thường dẫn đến những hậu quả lâu dài bao gồm khả năng tham gia vào các hành vi nguy hiểm, trình độ học vấn kém và thiếu tự tin.

Tấn Vĩ (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI