Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, Việt Nam thuộc vùng dịch tễ viêm gan siêu vi B, C với tỉ lệ mắc mới của ung thư gan là 26.418 ca mỗi năm. Trong các loại ung thư, ung thư gan được xem là “sát thủ hàng đầu” với số ca tử vong là 25.272 trường hợp, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng đang tư vấn cho một trường hợp về điều trị ung thư gan - Ảnh: M.T. |
Nhiều bệnh nhân trong độ tuổi lao động
Anh N.V.Đ. (43 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết mấy ngày nay, anh cứ tức tức phía hạ sườn phải. Dạo này anh sụt cân hẳn, đi đâu mọi người cũng khen dáng dấp gọn gàng, tưởng anh chăm chỉ tập thể dục. Do mệt mỏi, tình trạng đau tức bụng ngày càng tăng, anh Đ. đi khám, siêu âm và chụp CT ổ bụng thì phát hiện có khối u gan đa ổ. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C. Anh Đ. vô cùng sốc khi biết mình có khối u ở gan bởi tuổi còn trẻ. Được biết anh Đ. có tiền sử viêm gan siêu vi C. từ lâu.
Mới đây, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã phát hiện rất nhiều trường hợp bị ung thư gan. Đa số bệnh nhân đều thuộc nhóm đối tượng yếu tố nguy cơ cao nhưng không biết để tầm soát sớm cũng như thay đổi các thói quen sống tiêu cực tác động xấu tới gan.
Cụ thể là trường hợp anh T.T.A. (45 tuổi, ngụ TPHCM). Anh cũng đi khám vì bệnh cảnh đau nhức hạ sườn phải. Kết quả kiểm tra phát hiện bệnh nhân có khối u gan đường kính 10cm. Các chỉ số ung thư như PIVKA II và AFP của anh A. tăng rất cao. Anh đã được can thiệp phẫu thuật nội soi cắt gan.
Phòng tránh và phát hiện sớm
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, các đối tượng nguy cơ cao của bệnh ung thư gan rất cần thăm khám và tầm soát ung thư định kỳ. Trước tiên, đó là người mắc bệnh gan mạn tính như viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào. Bên cạnh đó, những người bị gan nhiễm mỡ lâu ngày, đái tháo đường type 2, bệnh gan do di truyền, nhiễm độc chất aflatoxin, dioxin, hút thuốc lá nhiều... cũng là đối tượng có nguy cơ bị ung thư gan rất cao.
Tầm soát ung thư gan định kỳ có thể giúp người bệnh phát hiện các bất thường từ sớm. Thực tế cho thấy việc theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng bằng siêu âm bụng và theo dõi chỉ số AFP (alpha-fetoprotein) ở các đối tượng nguy cơ sẽ giúp phát hiện được cả khối u có kích thước dưới 2cm.
Điều này được xem như cơ hội vàng cho việc điều trị. Hiện nay, kết hợp siêu âm bụng cùng bộ 3 xét nghiệm AFP, AFP-L3, PIVKA II làm tăng giá trị chẩn đoán sớm và chính xác bệnh ung thư gan. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang cắt lớp có cản quang, chụp cộng hưởng từ… để chẩn đoán chi tiết hơn tùy trường hợp.
Nhiều kỹ thuật điều trị ung thư gan
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long - Phó trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, nếu người bệnh phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm khi khối u còn nhỏ thì phương pháp điều trị không chỉ ít xâm lấn, nhẹ nhàng mà còn mang lại hiệu quả cao là hủy u tại chỗ. Khối u sẽ được hủy bằng sóng cao tần. Đối với trường hợp phát hiện lúc khối u lớn hơn nhưng chức năng gan còn tốt, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Hiện nay, trên thế giới, tỉ lệ sống 5 năm sau khi phẫu thuật là 50 - 70%.
Bên cạnh đó, với người bệnh có tình trạng ung thư chưa vào giai đoạn muộn nhưng chức năng gan lại rất kém thì có thể cân nhắc phương pháp ghép gan. Ở phương pháp này, bệnh nhân sẽ được loại bỏ hoàn toàn phần gan đã bị tổn thương (xơ hóa, chứa khối u). Sau đó, bác sĩ sẽ ghép vào gan khỏe mạnh của người thân hoặc người hiến tặng để khôi phục chức năng gan cho bệnh nhân.
Ở mức độ ung thư gan nặng, khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp vừa kể, có một cách khác là làm tắc mạch nuôi khối u (TACE). Cụ thể, người bệnh được tiến hành bơm hóa chất làm tắc các mạch máu nuôi khối u, nhờ vậy giúp khống chế sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Một điểm lưu ý đối với các bệnh nhân đã tiến hành phương pháp này: cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra xem còn sót mạch máu nuôi khối u không. Nếu còn, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục thực hiện thêm thủ thuật TACE.
Cuối cùng, khi bệnh ung thư đã vào giai đoạn muộn mà tất cả biện pháp can thiệp tại chỗ không còn hiệu quả thì sẽ được xử trí bằng giải pháp toàn thân - hóa trị. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Quốc Trung - Phó trưởng Khoa Hóa trị ung thư Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, đối với lĩnh vực điều trị ung thư, giải pháp điều trị toàn thân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kéo dài sự sống cho các trường hợp được chẩn đoán ung thư giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn, giai đoạn trung gian nhưng điều trị thất bại hoặc không phù hợp điều trị can thiệp tại chỗ.
Các liệu pháp toàn thân được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích kết hợp miễn dịch. Hiệu quả đem lại của liệu pháp toàn thân trên bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn được ghi nhận có thể giúp người bệnh kéo dài thời gian sống tới 20 tháng.
Hóa trị toàn thân là hình thức đưa thuốc vào cơ thể người bệnh thông qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Lúc này, thuốc sẽ đi vào máu đến các cơ quan. Do đó, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến da, tóc, tiêu hóa, huyết áp… Tuy vậy, các phản ứng không mong muốn này vẫn có thể kiểm soát được và liệu pháp toàn thân vẫn là sự lựa chọn tối ưu trong điều trị ung thư ở giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn. Để quá trình điều trị dễ dàng, thoải mái hơn, bệnh nhân nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ.
| Từng có trường hợp nguy kịch vì tự ý dùng lá đu đủ trị ung thư - Ảnh: Internet |
Nguy kịch vì bỏ tây y, uống lá đu đủ Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM của cụ ông P.H.V. (80 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho thấy chỉ số ung thư trong máu rất cao. Các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân có khối u ở gan. Tuy nhiên, gia đình cụ không đồng ý can thiệp điều trị tây y vì cho rằng cụ V. đã lớn tuổi, thuốc men, hóa chất, dao kéo sẽ gây nhiều tác dụng phụ. Sau 3 tuần, cụ V. được con gái đưa trở lại khám thì phát hiện các tế bào ung thư đã xâm lấn, di căn xa. Theo lời kể của con cụ, từ lúc phát hiện cụ có khối u ở gan, gia đình đã sắc lá đu đủ cho cụ uống thay trà. Hằng ngày, bệnh nhân ăn mãng cầu. Theo quan niệm dân gian, trái mãng cầu và lá đu đủ có chất ức chế tế bào ung thư. Ngoài ra, các con còn đưa cụ V. đi châm cứu, bấm huyệt để giảm đau… Tuy nhiên, vài tuần sau, bụng cụ V. chướng to, đau nhức, mệt đừ nên gia đình đưa cụ quay lại bệnh viện. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên làm trái chỉ định của bác sĩ, thay thế phương pháp điều trị ung thư bằng lối dân gian. Trong điều trị ung thư, vẫn có thể đông - tây y kết hợp nhưng cần có sự hội chẩn, thăm khám và phác đồ phù hợp từ bác sĩ chuyên môn. Việc từ bỏ tây y để uống các loại thảo dược thiên nhiên là sai lầm. Tế bào ung thư phát triển rất nhanh, những thảo dược kia dù có tác dụng thật cũng không thể theo kịp tiến triển của bệnh. Đó còn chưa kể, chức năng gan của các bệnh nhân này đang rất kém, dùng thuốc bừa bãi sẽ khiến gan thêm suy kiệt. |
Trâm Anh