Đầu gối người thầy không phải để quỳ!

14/06/2018 - 06:00

PNO - Là những người chịu trách nhiệm rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách cho học trò, hình ảnh người thầy vẫn luôn là tấm gương cho học sinh noi theo. Khi thầy cô giáo phải quỳ, đó là lúc nền giáo dục sụp đổ.

Hình ảnh các cô giáo Trường mầm non Tuổi Thơ (thị trấn Thanh Chương, H. Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) quỳ gối trước lãnh đạo thị trấn Thanh Chương vào sáng 12/6, xin được tiếp tục giảng dạy, khiến dư luận xã hội tràn ngập bi phẫn. Điều gì và chuẩn mực nào đã buộc các cô giáo phải quỳ gối để xin làm đúng công việc của mình - dạy dỗ và chăm sóc trẻ em?

Như Phụ Nữ Online đã đưa tin, sáng 12/6, đoàn công tác của thị trấn Thanh Chương, do đích thân Chủ tịch thị trấn Nguyễn Văn Vinh dẫn đầu đã đến Trường mầm non Tuổi Thơ, yêu cầu trường tạm dừng mọi hoạt động, đồng thời yêu cầu phụ huynh không đưa con em đến trường, vì Trường mầm non Tuổi Thơ chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. 

Dau goi nguoi thay khong phai de quy!
Hình ảnh phản sư phạm vào sáng 12/6 tại Nghệ An - các giáo viên quỳ lạy xin được tiếp tục giảng dạy

Chuyện thủ tục, hồ sơ pháp lý của Trường mầm non Tuổi Thơ là chuyện của chủ đầu tư và UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị trấn Thanh Chương. Đương nhiên, đó là những câu chuyện ngoài giáo dục. Các giáo viên, bảo mẫu tại trường hoàn toàn có quyền được hành nghề và cần được đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh, để họ có thể chú tâm vào sự nghiệp trồng người. Việc dừng hoạt động một cơ sở giáo dục đang vận hành ổn định rất cần được cơ quan chức năng lưu ý đặc biệt để đảm bảo quyền lợi của giáo viên lẫn học sinh.

Tuy nhiên, khi gác lại những chuyện giấy tờ, thủ tục ấy, câu hỏi nhói lòng vẫn cần được đặt ra: từ bao giờ mà các thầy cô giáo lại sẵn sàng quỳ gối, van xin?

Mới đầu năm nay, dư luận bàng hoàng trước việc cô giáo B.T.C.N. - giáo viên lớp 4/3, Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, H.Bến Lức, tỉnh Long An - phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh vì trước đó đã phạt một số học sinh lớp 4/3 quỳ gối.

Dau goi nguoi thay khong phai de quy!
Trường tiểu học Bình Chánh - nơi cô giáo B.T.C.N. phải quỳ xin lỗi phụ huynh

Khuất phục trước uy lực lại càng là hành vi phản sư phạm, phản giáo dục. Kết quả là một phụ huynh đã bị khai trừ Đảng, một hiệu trưởng bị cách chức, điều chuyển về làm giáo viên (cũng chưa hẳn là cách giải quyết đúng) và niềm tin vào hệ thống giáo dục vốn đã lung lay càng thêm rệu rã.

Khi các thầy cô giáo quỳ gối, không chỉ bản thân họ tự hạ thấp danh dự, vùi lấp phẩm hạnh của mình mà đồng thời là sự nhục nhã, ê chề cho cả ngành giáo dục. Nghề giáo, thầy cô giáo - biểu tượng của sự uy nghiêm, đạo đức - là tấm gương xây dựng, vun đắp nhân cách cho học trò đã chịu khuất phục và phải cúi đầu trước cái xấu - thứ mà họ vẫn từng ngày dạy dỗ học trò không được thoả hiệp và phải loại bỏ khỏi đời sống văn minh.

Tất nhiên, sức mạnh của các phụ huynh Trường tiểu học Bình Chánh hay mệnh lệnh của lãnh đạo thị trấn Thanh Chương là không thể bàn cãi. Nguy cơ mất việc làm, mất chén cơm nếu giáo viên không được tiếp tục giảng dạy là điều rất rõ ràng. Những điều đó chắc chắn tác động và buộc các thầy cô giáo phải suy nghĩ.

Nhưng trên tất cả, sự kiêu hãnh của nghề nghiệp, lòng tự trọng của người thầy không thể bị mang ra so sánh với chuyện áo cơm. Các giáo viên ở Thanh Chương, nếu ý thức được sự cao cả của nghề giáo, ý thức giữ gìn sự tự trọng của mình sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện quỳ lạy đại diện cơ quan chức năng.

Là trí thức, họ sẽ có nhiều cách khác để bày tỏ nguyện vọng hoặc thậm chí là phản đối một quyết định từ cơ quan nhà nước thay vì phải quỳ gối, cúi đầu.

Chúng ta sẽ dạy cho con trẻ điều gì khi ngay trước mắt chúng là hình ảnh chính thầy cô giáo của mình đang quỳ gối, van xin? Vết hằn ấy trong ký ức trẻ thơ làm sao có thể xoá đi khi chúng khôn lớn, trưởng thành? Khi thầy cô giáo quỳ, ta không chỉ thấp lùn về thể trạng mà thấp lùn cả về ý thức.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI