Đau đầu với nạn vi phạm bản quyền phim

14/12/2018 - 13:11

PNO - Công ty cổ phần DID TV vừa nộp đơn lên Tòa án nhân dân Q.3, kiện Công ty cổ phần Viễn thông FPT Telecom vi phạm bản quyền phim 'Gạo nếp gạo tẻ' trên trang web fptplay.net.

Công ty cổ phần DID TV vừa nộp đơn lên Tòa án nhân dân Q.3, kiện Công ty cổ phần Viễn thông FPT Telecom vi phạm bản quyền phim Gạo nếp gạo tẻ trên trang web fptplay.net. Đây được xem là hành xử quyết liệt của một đơn vị trước tình trạng vi phạm bản quyền phim tràn lan trên mạng.

Ngang nhiên ăn cắp

Không phải lần đầu FPT Telecom xâm phạm bản quyền của DID TV. Trước đó, tháng 7/2016, DID TV từng khiếu nại với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về việc FPT Telecom vi phạm bản quyền một số chương trình truyền hình/phim của DID TV. Điển hình là các bộ phim ăn khách: Hậu duệ mặt trời phiên bản Hàn Quốc, series phim tết Cô Thắm về làng…

Dau dau voi nan vi pham ban quyen phim
Gạo nếp gạo tẻ - bộ phim đầu tư lớn của DID TV bị vi phạm bản quyền trắng trợn

“Khi ấy, FPT Telecom đã bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm và cũng đã cam kết bằng văn bản không tái phạm. Khi phát hiện FPT Telecom phát phim Gạo nếp gạo tẻ, chúng tôi làm việc trực tiếp với họ. Phía FPT Telecom cũng đã xác nhận hành vi vi phạm và có công văn cam kết không khai thác phim Gạo nếp gạo tẻ, kèm theo đó là đề nghị DID TV cấp phép cho FPT Telecom tiếp tục phát sóng với chi phí bản quyền trọn bộ phim là 250 triệu đồng” - ông Bảo Thái, đại diện DID TV cho biết.

Ông Thái cho rằng, mức giá này quá thấp so với giá bản quyền và thương mại của phim Gạo nếp gạo tẻ, bởi giá bán bản quyền với các kênh truyền hình là từ 200-250 triệu đồng/tập. DID TV đã đề nghị FPT Telecom trả 150 triệu đồng/tập với thời hạn sử dụng 1 năm. Tuy nhiên, từ khi DID TV gửi công văn yêu cầu trả phí bản quyền (ngày 30/10/2018) đến nay, FPT Telecom chưa phản hồi. Kênh fptplay.net vẫn tiếp tục phát “chùa” các tập tiếp theo của phim Gạo nếp gạo tẻ (hiện lên đến tập 96).

Dau dau voi nan vi pham ban quyen phim
Phim Gạo nếp gạo tẻ bị vi pham bản quyền vì được khán giả đón theo dõi rất nhiều

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, vi phạm của FPT Telecom đã gây ra những tổn thất lớn cho DID TV: gây ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số người xem (rating) trên kênh truyền hình HTV2 - Vie Channel và Giải trí TV; làm giảm doanh thu quảng cáo mà DID TV đang khai thác trên các kênh truyền hình; giảm tỷ lệ người xem và doanh thu từ các nền tảng online của DID TV; làm giảm cơ hội khai thác kinh doanh bản quyền phim Gạo nếp gạo tẻ.

Cần tiếng nói chung

Không riêng kênh fptplay.net, chỉ cần vào Google gõ từ khóa “Gạo nếp gạo tẻ”, có thể thấy bộ phim ăn khách này đang được chiếu trên rất nhiều trang web: xemvtv, videofly, xemphimso, ovuinhi… Phía DID TV khẳng định, từ ngày 17/12, đơn vị chỉ mới cung cấp bản quyền phát online phim Gạo nếp gạo tẻ tại Việt Nam cho duy nhất ứng dụng xem video online VieOn. Nghĩa là, quy mô và mức độ vi phạm bản quyền Gạo nếp gạo tẻ đang cực kỳ khủng khiếp.

Dau dau voi nan vi pham ban quyen phim

“Phim Gạo nếp gạo tẻ được đầu tư rất lớn, thực hiện công phu suốt 4 năm ròng. Việc phát sóng phim vi phạm bản quyền ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu quảng cáo. Chúng tôi đã tạo cơ hội thỏa thuận, hợp tác, nhưng phía FPT Telecom không nghiêm túc thực hiện. Việc khởi kiện sẽ là tiếng nói đánh động cho những đơn vị vi phạm khác, góp phần lành mạnh hóa môi trường làm phim tại Việt Nam” - ông Bảo Thái nói thêm.

Đài Truyền hình Việt Nam - VTV cũng đau đầu với nhiều trường hợp vi phạm bản quyền những bộ phim “hot”: Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Người phán xử… Nếu làm quyết liệt, cũng xử phạt được các cá nhân, đơn vị phát phim trái phép. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất chỉ 500 triệu đồng (trường hợp phim Chạy án, Bí thư tỉnh ủy) và thấp nhất 75 triệu đồng (trường hợp phim Sống chung với mẹ chồng Người phán xử). Theo đánh giá của người trong nghề, mức tiền phạt này không đủ sức răn đe. 

Dau dau voi nan vi pham ban quyen phim
Phim Quỳnh búp bê cũng không thoát khỏi số phận như Gạo nếp gạo tẻ

DID TV và VTV chỉ là hai trường hợp điển hình của vấn nạn vi phạm bản quyền phát sóng phim/chương trình truyền hình. Nhiều website vô tư vi phạm, nhưng không nhiều đơn vị sản xuất quyết liệt lập vi bằng, khởi kiện. Việc YouTube siết chặt kiểm soát video vi phạm bản quyền, cùng một số vụ kiện được YouTube xử lý rốt ráo trong thời gian qua cũng góp phần giúp các đơn vị sản xuất tự tin lên tiếng.

Trailer phim Gạo nếp gạo tẻ:

Theo Cục Bản quyền tác giả, thời gian tới, cục sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lý để có thể xử lý triệt để các hành vi vi phạm bản quyền truyền hình tại Việt Nam. 

Vi phạm bản quyền đã lên “tầm cao mới”?

Không riêng phim truyền hình Việt Nam, phim các nước cũng bị nhiều trang phim online vi phạm bản quyền. Những tập phim mới được tải về, chuyển cho các nhóm chuyển ngữ, làm phụ đề và đăng ngược lên mạng với tốc độ chóng mặt.

Các trang phim lậu còn qua mặt hệ thống rà soát bản quyền tự động của YouTube bằng cách làm nhỏ khung hình, bóp méo tiếng hoặc tạo Facebook giả để phát trực tiếp những bộ phim ăn khách. Việc vô tư vi phạm bản quyền này cũng gây khó khăn cho các đơn vị nhập phim. Trường hợp gần nhất là phim Diên Hi công lược khiến nhà nhập phim phải đau đầu và khán giả đối mặt với nguy cơ không được xem tiếp những bộ phim mới.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI