"Đau đầu" với đường Thái nhập lậu

30/12/2016 - 11:42

PNO - Nhiều nhà sản xuất đường trong nước đã than phiền về tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan đang lấn thị phần đường trong nước, thậm chí đang được “đội lốt” các thương hiệu đường sản xuất trong nước.

Tại hội nghị thương mại ngành mía đường niên vụ 2016-2017 diễn ra tại TP.HCM ngày 29/12, nhiều nhà sản xuất đường trong nước đã than phiền về tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan đang lấn thị phần đường trong nước, thậm chí đang được “đội lốt” các thương hiệu đường sản xuất trong nước như Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay, một số cơ sở tuy có đăng ký sản xuất, chế biến đường tại miền Trung nhưng thực chất không có nhà máy sản xuất mà lại tiêu thụ đường lậu thông qua việc đóng bao lại hoặc vô túi nhỏ để phân phối với bao bì, nhãn mác của cơ sở mình.

Đường nhập lậu từ Thái Lan hiện không chỉ vào nước ta qua biên giới Campuchia mà còn qua đường biên giới với Lào. Đường lậu được đóng gói bằng bao của các nhà máy đường trong nước, có khi ngang nhiên để nguyên bao bì của các nhà máy đường Thái Lan để vận chuyển và cung ứng ngay tại thị trường Việt Nam.

Không những vậy, cách xử lý đường lậu sau khi bắt giữ hiện cũng đang vô tình tiếp tay cho buôn lậu. Cụ thể, đường nhập lậu sau khi bị bắt được bán đấu giá nhưng với giá thấp, được hợp thức hóa giấy tờ rồi ung dung trở ngược ra thị trường tiêu thụ với giá rẻ. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì đường trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng vì không thể cạnh tranh được về giá. Đại diện Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công (Tây Ninh) cho biết, công ty đã làm việc lại với các tỉnh giáp biên giới Campuchia để xin cơ chế thu mua lại lượng đường lậu bị bắt giữ, sau đó sẽ tinh chế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, theo một số đại diện doanh nghiệp, hàng năm, có một lượng lớn đường được cho tạm nhập tái xuất nhưng lại không xuất mà quay ngược lại bán trong nước. Đại diện Công ty Mía đường Trà Vinh tiết lộ, có trường hợp đường từ Thái Lan được tạm nhập vào Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng tàu chở lượng đường này sau khi cập cảng Hải Phòng, lại tuồn ra thị trường trong nước bán.

“Hơn hai năm nay, Việt Nam không xuất khẩu được hạt đường nào sang Trung Quốc vì không cạnh tranh được với đường Thái Lan. Vì vậy, đường tạm nhập từ Lào hay Thái Lan sang Việt Nam, đã tốn chi phí vận chuyển, thì không thể tái xuất sang Trung Quốc. Chúng tôi đã đánh nhau đau đầu với đường lậu, nay lại thêm đường tạm nhập, tái xuất. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập đường dạng này”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI