Dân phản ứng việc chặn dòng
Từ thượng nguồn, sông Vu Gia chảy qua những cánh rừng Quảng Nam đổ về Đà Nẵng rồi ra cửa sông Hàn, còn sông Thu Bồn chảy về Hội An đổ ra cửa Đại. Hàng loạt thủy điện được cấp phép chặn dòng sông Vu Gia, đổ nước qua sông Thu Bồn, làm giảm một lượng lớn nước về Đà Nẵng.
Để chia sẻ nguồn nước, cách đây nhiều năm, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho đắp đập tạm ở sông Quảng Huế (nối 2 dòng Vu Gia - Thu Bồn) nhằm điều tiết nước về Đà Nẵng. Tuy nhiên, con đập đã làm cho cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn khi bờ sông bị xói lở, mực nước ngầm hạ thấp, gây khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
|
Người dân xã Đại An (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bức xúc khi đập ngăn nước sông Quảng Huế gây sạt lở và thiếu nước cho sản xuất |
Quá bức xúc nên vào trung tuần tháng Tư vừa qua, người dân thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã ngăn cản việc đổ đá đắp đập chặn dòng của Dawaco. Ông Nguyễn Đức Sỹ - người dân thôn Phú Nghĩa - quả quyết: “Họ đắp đập làm xói lở 50m bờ sông vào sát nhà tôi, đất hoa màu bị cuốn trôi. Nay họ lại đắp tiếp gây nên tình trạng hụt nước ngầm, không có nước sinh hoạt”. Anh Nguyễn Thôi - cùng thôn - cho hay, mực nước ngầm trước đây thường ở độ sâu 9m, nay tụt xuống đến 15m. Đang mùa nắng nóng, hoa màu cần tưới tiêu nhưng không có nước.
Đại Lộc là vùng chuyên canh rau quả để cung cấp cho khu vực Đà Nẵng và các địa phương lân cận, cho nên nguồn nước tưới tiêu rất quan trọng. Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An - cho biết: hiện mực nước ngầm đã xuống rất thấp, ảnh hưởng đến 300 hộ chuyên canh tác rau màu của xã. Chia sẻ nguồn nước thì địa phương rất ủng hộ, nhưng cũng phải điều tiết một lượng nước về hạ du sông Quảng Huế để người dân có nước sinh hoạt và phục vụ nông nghiệp.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho hay, chia sẻ nguồn nước cho Đà Nẵng thì dân rất đồng tình. Tuy nhiên, chỉ thống nhất đắp đập tạm bằng bao cát ở ngã ba sông, đồng thời phải chừa dòng chảy để điều tiết về hạ lưu sông Quảng Huế, đến mùa mưa lũ thì chủ đầu tư phải tháo dỡ bao cát để tránh cản trở dòng chảy, gây ra việc xói lở như đã xảy ra. Tuy nhiên, mấy năm qua người dân Đại Lộc phải tự tháo dỡ chứ không thấy chủ đầu tư nào làm.
Cũng theo phó chủ tịch huyện Đại Lộc, đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa có thông báo việc khởi công; hồ sơ đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế cũng chưa gửi cho các cơ quan chức năng huyện và xã để giám sát. “Thế nhưng mấy ngày qua họ đã tổ chức thi công, đổ đá hộc chặn dòng ở vị trí kè cũ với cao trình 2,3m là không đúng quy định và không đúng tinh thần cuộc họp giữa 2 địa phương là đắp đập tạm. Hiện, huyện đã giao cho lãnh đạo xã Đại An và Đại Cường đến hiện trường kiểm tra, nếu không đảm bảo thủ tục hồ sơ thì phải tạm dừng thi công và lập biên bản” - ông Hồ Ngọc Mẫn nói.
Ông thông tin thêm, tại vị trí đập mà chủ đầu tư đang tổ chức thi công đã xảy ra xói lở bờ sông nghiêm trọng, huyện đã phải đầu tư khoảng 4 tỉ đồng để gia cố tạm, sau đó tỉnh phải chi thêm 64,5 tỉ đồng để làm kè cứng 2 bên bờ sông. Nếu chủ đầu tư tiếp tục làm đập tại vị trí cũ thì các dự án trên sẽ không hiệu quả.
|
Người dân ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cần mẫn tưới số nước ít ỏi cho cánh đồng ớt đang vào độ chín |
Loay hoay đảm bảo cấp nước cho thành phố
Sở dĩ Dawaco sốt sắng đắp đập là nhằm đảm bảo kế hoạch cấp nước trong các kỳ nghỉ lễ cũng như mùa hè năm nay.
Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã xảy ra 3 lần thiếu nước sinh hoạt vào các ngày 26/2, 5/3, 1/4. Ông Võ Tấn Hà - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho hay, để đảm bảo cấp nước cho dân và du khách, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp như vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa nước về nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay trong trường hợp sông bị nhiễm mặn.
Đồng thời, khai thác tối đa công suất các nhà máy nước khác như nhà máy nước Hòa Liên và các nhà máy nhỏ lẻ. Ông Võ Tấn Hà cũng cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Nam để sớm triển khai thi công gia cố, đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm điều tiết tăng nước về hạ du sông Vu Gia.
Không những thế, thành phố cũng tính đến việc đắp đập tạm trên sông Cẩm Lệ (ở hạ lưu nhà máy nước Cầu Đỏ) để lấy nguồn nước thô của toàn bộ lưu vực sông Túy Loan trong trường hợp đã áp dụng tất cả biện pháp nhưng vẫn không đủ nước.
Nhà máy nước Cầu Đỏ có tổng công suất 290.000 m3/ngày, là nhà máy nước lớn nhất Đà Nẵng. Nhưng do nằm ở hạ lưu sông Vu Gia nên thường xảy ra tình trạng thượng lưu thiếu nước - hạ lưu nhiễm mặn vào mùa khô.
Ngoài ra, nguồn nước cho Đà Nẵng còn liên quan đến việc xả nước của các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đắk Mi 4. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xả nước hợp lý từ các hồ thủy điện nhằm đảm bảo mực nước cho việc vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước của TP Đà Nẵng vào cao điểm mùa nắng nóng vào khoảng 360.000 m3/ngày đêm. Do đó, địa phương này đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm, phối hợp với các sở, ngành của thành phố trong việc giám sát chặt chẽ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành theo đúng Quy trình 1865 (Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được ban hành tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ) để đảm bảo cấp đủ nước cho sinh hoạt của nhân dân, phục vụ du lịch, sản xuất và các mục đích khác ở vùng hạ du.
Đồng thời, đối với các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, trong trường hợp xả nước phát điện với lưu lượng ít, thì vẫn phải đảm bảo lưu lượng xả đủ để duy trì mực nước tại khu vực đập dâng An Trạch không dưới 1,6m, nhằm đảm bảo cấp nước cho TP Đà Nẵng.
Lê Đình Dũng