Đau đầu vì du khách thiếu ý thức

03/07/2023 - 17:08

PNO - Mới đây, một đoạn video lan truyền trên internet ghi lại cảnh người đàn ông tươi cười khắc tên mình và bạn gái lên bức tường của Đấu trường La Mã ở Ý đã gây ra sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng khắp thế giới. Bộ trưởng Văn hóa Ý nói nghi phạm cần bị trừng phạt đích đáng.

Những hành động xấu từ khách du lịch

Hãng tin ANSA của Ý cho biết, du khách trong đoạn video có thể phải đối mặt với án tù 5 năm cùng khoản tiền phạt 16.400 USD vì khắc chữ “Ivan+Haley 23” lên công trình gần 2.000 năm tuổi ở Rome. Thành phố Rome - nơi sở hữu một số địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới - đã và đang trong cuộc chiến trấn áp những du khách thiếu ý thức. Vào năm 2018, thị trưởng thành phố ra chỉ thị cấm những hành vi xấu nhất định, chẳng hạn như tắm trong các đài phun nước công cộng. Chỉ thị cũng yêu cầu những du khách phá hoại các hiện vật như Đấu trường La Mã phải chịu trách nhiệm khôi phục chúng về tình trạng ban đầu. 

Khách du lịch đến đảo Bali, Indonesia sẽ nhận được một tài liệu hướng dẫn về ứng xử phù hợp (trong ảnh: Một du khách nhìn về phía núi Abang và núi Agung ở Bali) - ẢNH: FRANK HEUER - LAIF/REDUX
Khách du lịch đến đảo Bali, Indonesia sẽ nhận được một tài liệu hướng dẫn về ứng xử phù hợp (trong ảnh: Một du khách nhìn về phía núi Abang và núi Agung ở Bali) - Ảnh: Frank Hueer - Laif/Redux 

Venice - một thành phố nổi tiếng khác của Ý - cũng chứng kiến nhiều hành vi xấu xí từ khách du lịch. Từ năm 1986, thành phố đã áp đặt các quy tắc ứng xử và đưa ra mức tiền phạt dành cho những hành vi ngang ngược, bao gồm cho chim bồ câu ăn, xả rác và lướt sóng trên kênh rạch. Năm 2022, có 2 du khách Úc bị phạt 1.500 USD mỗi người sau khi lướt sóng bằng thuyền có động cơ ở kênh đào Grand Canal. Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro gọi những người lướt sóng là “kẻ ngu ngốc”. Tháng 10/2022, một du khách người Mỹ đã đập vỡ 2 tác phẩm điêu khắc vô giá trong Bảo tàng Vatican sau khi được thông báo rằng anh ta không thể diện kiến Đức giáo hoàng. Eike Schmidt - Giám đốc phòng trưng bày Uffizi ở Florence (Ý) - bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất ở Ý năm 2021 - nói việc khách du lịch cư xử tệ không có gì mới, nhưng khi lượng khách du lịch tăng lên sau đại dịch, các điểm đến nổi tiếng phải đối mặt với nhiều người thiếu ý thức hơn. 

Cũng trong tháng 10/2022, Nhật Bản lần đầu mở cửa cho du khách nước ngoài đến nước này sau 3 năm. Dù điều đó có lợi cho việc kinh doanh, nó lại gây rắc rối cho dân địa phương tại nhiều nơi. Một trong những địa điểm đang gặp khó khăn là thành phố Kamakura ở tỉnh Kanagawa - nơi sở hữu tuyến đường sắt nổi tiếng trong bộ truyện tranh và phim hoạt hình bóng rổ Slam Dunk. Nhiều du khách đứng ngay giữa đường để có thể chụp ảnh toàn cảnh tuyến đường sắt, dẫn đến một số va chạm với người lái xe hơi và người đi xe đạp. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức cảnh sát phải đứng xung quanh khu vực với các biển báo bằng nhiều thứ tiếng, yêu cầu mọi người không đi xuống lòng đường. 

Hòn đảo Hawaii (Mỹ) cũng đang chịu gánh nặng vì quá tải du lịch. Tình trạng thiếu nhân viên khách sạn buộc người lao động thường xuyên làm thêm giờ, đường sá tắc nghẽn và thời gian chờ đợi ở nhà hàng kéo dài đến 90 phút chỉ là một số vấn đề mà chính quyền Hawaii phải cố gắng giải quyết.

Mềm mỏng hay mạnh tay?

Một số điểm đến nổi tiếng dường như đã thu hút những hành vi sai trái. Các hành vi xấu, thường xuyên của du khách ở Bali, Indonesia thúc đẩy chính quyền hòn đảo ra các quy tắc mới. Theo kế hoạch của Thống đốc Bali Wayan Koster, khách du lịch đến đảo sẽ nhận được một tài liệu hướng dẫn nên ăn mặc giản dị trong các ngôi đền và tránh chạm vào cây thánh, chửi thề nơi công cộng, leo trèo lên các công trình tôn giáo hoặc làm gián đoạn những nghi lễ của người bản địa. Ngoài ra, biện pháp mạnh nhất đang được chính quyền xem xét là lệnh cấm đi bộ lên núi.

Hoạt động đi bộ đường dài vốn được nhiều công ty du lịch tại Bali khai thác, dẫn dắt các chuyến tham quan đến những đỉnh núi và núi lửa hùng vĩ. Đề xuất của thống đốc được đưa ra sau khi một phụ nữ Đức khỏa thân bước vào một ngôi đền và một phụ nữ Nga khỏa thân chụp ảnh tại cây đa linh thiêng. Các quan chức nhập cư của Bali cũng vừa trục xuất một người đàn ông Nga sau khi anh này cởi quần và chụp ảnh trên đỉnh núi Agung - một địa điểm linh thiêng của người theo đạo Hindu. I Nengah Subadra - phó giáo sư về du lịch tại Đại học Triatma Mulya (Bali) - cho biết, sự thất vọng về hành vi sai trái từ khách du lịch đã gia tăng ở Bali trong hơn 1 thập niên. Dù vậy, các quy tắc du lịch mới gặp phản ứng trái chiều từ người dân địa phương. Ông giải thích: “Một số người Bali rất ủng hộ bảo tồn văn hóa và rất vui về động thái của chính quyền. Nhưng những người làm việc trong ngành du lịch có thể không hài lòng vì các doanh nghiệp thực hiện tour đi bộ đường dài lên núi sẽ bị ảnh hưởng”. 

Linh La (theo Washington Post, National Geographic, Euro News, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI