Đau đầu tính toán bữa ăn mùa giãn cách

05/06/2021 - 11:34

PNO - Hàng quán đóng cửa, hầu hết mọi người đang ăn cơm nhà, nhưng mới vài ngày, nhiều chị nội trợ đã than mệt với câu hỏi "hôm nay ăn gì?".

Một ngày là ba bữa ăn, 2 tuần giãn cách là 14 bữa sáng và 28 bữa chính. Như vậy, chỉ nghĩ đến việc nấu hơn 40 bữa ăn phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình cũng khiến các bà nội trợ... phát bệnh!

Chị Diệp Nguyễn (Q.2) cho biết, từ khi có dịch COVID-19, chị vẫn phải đi làm nhưng vẫn đảm bảo một ngày 2 đến 4 bữa ăn cho con. Không chỉ đồ ăn sáng, đồ ăn trưa, chị còn làm cả đồ ăn xế cho con.

Bí quyết để có thể làm được như vậy, chị Diệp sơ chế bữa ăn từ tối hôm trước, sáng hôm sau chị dậy sớm hơn để có thể nấu bữa ăn sáng và bữa ăn trưa để sẵn. Con chị có thể tự hâm cơm trưa và ăn xế. Món ăn điểm tâm thường sẽ là bánh flan, rau câu chị chuẩn bị từ tối qua, hoặc có thể là đồ ăn sáng còn lại.

Chị cũng nhờ con chị có thể sơ chế trước đồ ăn như gọt khoai, nhặt rau… vì chị đi làm về khá trễ nên con chị cần bữa xế để chờ mẹ chị về cùng ăn bữa tối.

Bé Diệp Quỳnh (10 tuổi) đang giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn.
Bé Diệp Quỳnh (10 tuổi) đang giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn.

Cũng như chị Diệp, Chị Diễm nhà Bình Chánh thì lại thích thú với việc nấu ăn, các bữa ăn cũng được bày biện khá là đơn giản. Nhà có hai con gái chị chọn món gọn gàng để có thể chỉ bày con tập nấu các món như cơm chiên thập cẩm hoặc gỏi khổ qua.

Món gỏi khổ qua rất thích hợp với những ngày hè oi bức được chị Diễm chăm chút cẩn thận.
Món gỏi khổ qua rất thích hợp với những ngày hè oi bức được chị Diễm chăm chút cẩn thận.

Chị Kim (Q.8) cho biết nhà chị ăn uống đơn giản với một món mặn có thể ăn 2 ngày, mỗi buổi ăn chị nấu một món canh mới, bữa ăn sáng cũng được chế biến nhanh gọn tuỳ vào tủ lạnh có gì.

Dù có cố gắng thay đổi các món ăn luân phiên, tuy nhiên, do hạn chế ra ngoài nên việc thiếu rau, trái cây cũng là điều dễ hiểu. Sau vài ngày, các con chị bị nhiệt miệng do quên uống nhiều nước, ăn nhiều mì gói và các món chiên, nướng. 

Thỉnh thoảng, có bạn bè gửi đồ ăn "tiếp tế" thì nhà chị mới có dịp thay đổi món ăn lạ. Không chỉ là đồ ăn, đó cũng là những tình cảm trân quý giữa mùa dịch bệnh. Món xôi bồ câu khá đơn giản vì bồ câu chị đã ướp sẵn. Chị Kim chỉ phải nấu xôi, thêm vài lát trứng cắt mỏng và ít dưa kiệu ngâm còn trong tủ lạnh.

Việc nấu liên tục nhiều bữa ăn trong nhiều ngày dễ khiến cho các bà mẹ dễ nản lòng. Nhất là nhà có nhiều thành viên với độ tuổi và sở thích khác nhau. Chưa kể với việc đi chợ hạn chế, việc mua rau tươi cũng khó khăn. Việc đi chợ online không thể bằng việc đến tận nơi để lựa chọn các mặt hàng tươi sống.

Nam Phương (Huấn luyện viên Sức khoẻ toàn diện – Health coach) cho biết: Trong mùa dịch, ngoài việc chăm sóc sức khoẻ thể chất còn cần để ý nhiều hơn đến sức khoẻ tinh thần. Trong hoàn cảnh hiện nay, người ta dễ lo sợ, hoang mang và suy nghĩ tiêu cực.

Cô gợi ý “Chế độ ăn cầu vồng”, tô điểm bữa ăn với thật nhiều màu sắc của rau củ quả tự nhiên. Khi có đa dạng màu sắc, tự động bữa ăn có đầy đủ dinh dưỡng, tươi ngon và gây cảm hứng. 

Hình ảnh các bữa ăn của học viên theo chế độ cầu vồng.
Một bữa ăn theo chế độ cầu vồng

Các lớp học nấu ăn online cũng được nhiều mẹ, chị ủng hộ, bởi đây cũng là lúc có nhiều thời gian cho việc nấu ăn. Nếu cải thiện được bữa ăn gia đình, nâng cao kỹ năng nấu nướng, việc nấu ăn mỗi bữa sẽ dần trở thành niềm vui.

Nhưng nếu mệt mỏi hoặc ngán những món quen, các chị các mẹ có thể đặt hàng từ các quán ăn chuyên nghiệp. Đừng để những việc chuẩn bị bữa ăn trở thành gánh nặng khi gia đình có nhiều điều kiện vui vầy bên nhau.

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI