Đau đầu tính tiền tiệc ngày lễ

01/05/2021 - 11:30

PNO - Tôi thấy việc góp tiền hay mua thêm thức ăn khi về nhà tiệc tùng là bình thường, nhưng chồng tôi cứ thích "bao hết".

Nhận được mấy trăm ngàn tiền thưởng dịp lễ của công ty, tôi định mua thêm sữa cho con gái nhưng vừa về nhà, mẹ chồng thông báo: “Ngày mai, chị Hoa đưa các cháu về chơi, con xem đi chợ mua gì nhé”.

Mẹ còn dặn, anh rể bị dị ứng thịt bò, các cháu thích ăn hải sản để mua thực phẩm cho phù hợp. Nhìn lại trong tài khoản còn chưa tới một triệu đồng, tôi vội nhắn cho chồng: “Lát về anh ghé ATM rút ít tiền đưa em đi chợ, mai nhà có khách”. Chồng trả lời ngay lập tức: “Anh làm gì còn tiền”. Thế là buổi tối vợ chồng tôi cãi nhau một trận nảy lửa.

Nhà chồng tôi có ba chị em, chị Hoa lấy chồng ở ngoại thành, chị Hường ở cách nhà bốn cây số. Vợ chồng tôi sống cùng ba mẹ, cứ đến lễ tết, gia đình các chị thường về chơi rồi tổ chức tiệc tùng.

Nghe đến nghỉ lễ, tôi lại rùng mình vì phải cân đo đong đếm mua gì nấu gì để đãi khách
Nghe đến nghỉ lễ, tôi lại rùng mình vì phải cân đo đong đếm mua gì nấu gì để đãi khách. Ảnh minh họa

Khi tôi mới về làm dâu, mỗi lần về chơi, các chị đều mua thức ăn đem về nhà ngoại nấu. Nhưng sau này chồng tôi mạnh miệng: “Lần sau các chị chỉ cần về, mọi thứ cứ để vợ chồng em lo”.

Lúc đó, chúng tôi chưa sinh con, lương không cao nhưng việc lo chi phí ăn uống cũng không vấn đề gì quá sức. Các chị nghe em trai thỉnh thoảng vẫn xách thêm vài ký thịt, chục trứng, vài hộp bò kho, ít chả giò cuốn sẵn... Số thực phẩm đó không dùng ngay nhưng đủ để nhà tôi dùng một tuần sau đó, đỡ phần nào tiền chợ.

Tuy nhiên, chồng tôi thích ra oai, anh hay gắt gỏng: “Các chị không cần mua gì mà, đi chơi mà xách theo thức ăn khó coi lắm, nhà có thiếu gì đâu”. Chồng tôi nói thế nhưng đâu có biết, mỗi lần lo tiệc tùng xong, tôi phải tính toán nát óc mới cân đối được chi tiêu cả tháng.

Thu nhập của chúng tôi chỉ gói gọn trong đồng lương mà phải lo đủ thứ từ ăn uống, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt và nuôi con. Nên nghe đến nghỉ lễ là tôi rùng mình vì phải cân đo đong đếm mua gì nấu gì, mỗi người một khẩu vị mà tiền bạc eo hẹp.

Các chị biết hoàn cảnh vợ chồng tôi nên có lần chị Hoa đưa cho tôi một triệu đồng, nói là phụ tiền ăn uống. Tôi đang kẹt tiền nên cầm luôn. Thế mà, sau đó, chồng tôi làm ầm lên, bắt tôi chuyển khoản trả cho chị.

Tôi thấy việc về nhà ăn uống rồi góp tiền cũng bình thường nhưng chồng tôi cứ làm quá lên. Ở nhà ngoại, mỗi lần về chơi, chị em tôi đều mua thức ăn hoặc đưa tiền cho em dâu đi chợ  để san sẻ, mọi người cùng nấu cùng ăn mà chẳng phải lăn tăn. 

Chồng tôi nói thế nhưng đâu có biết, mỗi lần lo liên hoan xong, tôi phải tính toán nát óc mới cân đối được chi tiêu cả tháng.
Chồng tôi đâu có biết, mỗi lần lo liên hoan xong, tôi phải tính toán nát óc mới cân đối được chi tiêu cả tháng. Ảnh minh họa

Lần này, tôi chỉ còn ít tiền do cuối tháng chưa có lương, nếu chi phí ăn uống cho mấy ngày nghỉ lễ thì tiền bỉm sữa của con và tiền ăn hàng ngày của cả nhà sau lễ không có. Tôi cũng nói thẳng quan điểm của mình với chồng, rằng tôi không thể gồng gánh kiểu này mãi.

Chồng trách tôi tính toán, các chị thỉnh thoảng về chơi cũng đòi góp thức ăn, góp tiền. Tôi giải thích rằng, khi đủ điều kiện kinh tế, tôi chẳng nề hà việc đó nhưng không có tiền mà cứ gồng lên, làm sao gia đình yên ổn được.

Tôi và chồng vẫn không thống nhất được quan điểm. May thay lúc gần đi ngủ, mẹ chồng sang phòng tôi nói: “Ngày mai con không phải đi chợ sớm nữa, chị Hường vừa gọi điện báo có người tặng ít thịt để mai cả nhà nhúng lẩu. Chị Hoa mua thêm ít hải sản và nước ngọt rồi”. Nghe vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm, chồng nằm bên cạnh im lặng, chẳng nói năng gì...

Thanh Quý

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI