Đau đầu khi con thích thì đi học, không thích thì... nghỉ ở nhà

07/03/2024 - 20:34

PNO - Trò chuyện một cách thẳng thắn, cởi mở với tinh thần lắng nghe con, chị có thể tìm ra những vấn đề của con và của chính mình.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em năm nay 42 tuổi, có 2 con trai. Cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ học lớp 1. Em thật sự đau đầu với cậu con trai lớn chị ạ.

Cháu không có mục tiêu học tập, không muốn đi học, chỉ thích chơi bời, lêu lổng, kết bạn với những bạn cũng không đi học, tối nào cũng đi chơi đến 10, 11 giờ đêm mới về.

Ba mẹ nói thế nào cháu cũng không nghe. Lúc nào cháu thích thì đi học, không thích thì thôi. Cháu cũng không bao giờ làm giúp mẹ việc nhà, suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào điện thoại nhắn tin và xem YouTube.

Chị cho em lời khuyên làm sao để cháu tiếp tục đi học như các bạn cùng trang lứa với ạ.

Trần Thị Như Thanh

Chị Như Thanh thân mến,

Câu hỏi chị đặt ra quá lớn và quá nhiều vấn đề. Chắc để trả lời cần phải viết cả... cuốn sách, làm cả một... công trình nghiên cứu mà có khi còn chưa giải quyết được. Bởi nó liên quan đến cả cha mẹ lẫn con cái, những thói quen, cách xử sự, giáo dục, hướng dẫn của cả hai bên trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Chỉnh sửa, thay đổi nó không phải chỉ là vấn đề của cậu bé lớp 8, mà còn của cả cha mẹ. 

Hạnh Dung chỉ có thể giúp chị vài điều cơ bản để chị suy ngẫm, xem điều nào có thể áp dụng với chính bản thân mình và con mình. Bởi mỗi người là một cá thể, cả con trẻ cũng vậy. Không có công thức chung cho tất cả.

Hạnh Dung vẫn cho rằng, con trẻ sinh ra mặc nhiên đã tò mò, thích khám phá, thích được động viên, khen ngợi, thích nhìn thấy mình trong hình ảnh cha mẹ. Nhưng chúng không mặc nhiên là sẽ nghe lời sai bảo, làm tất cả những việc cha mẹ muốn, trở thành đứa trẻ như cha mẹ mong. Để có được điều đó, phải có sự nỗ lực trợ giúp, khuyên bảo, đồng hành của cha mẹ và con cái.

Trước tiên, chị hãy suy nghĩ và trò chuyện với con xem vì sao con sợ học đến như thế? Điều gì khiến con thấy việc đến trường và về nhà với cha mẹ là một cực hình? Trò chuyện một cách thẳng thắn, cởi mở với tinh thần lắng nghe con, chị mới tìm ra những vấn đề của con và của chính mình, để có thể chỉnh sửa, thay đổi và có kế hoạch tạo động lực giúp cháu trở lại trường. 

Không có đứa trẻ nào hoàn toàn bất tài, không có khả năng, hay không đam mê một thứ nào trong kho tàng kiến thức cả. Chị hãy tìm hiểu năng khiếu và sở thích của con, để có thể hướng con vào điều đó. Làm sao cho con mong muốn khát khao những thành công. Đặt ra cho con những phần thưởng để phấn đấu....

Bên cạnh việc động viên, khuyến khích con, chị cũng phải làm sao cho con hiểu được những ranh giới của việc cư xử, những kỷ luật "mềm" của đời sống gia đình.

Dựa trên sự hiểu biết và tự nguyện của con để cùng đề ra những việc con phải làm, phải tuân theo. Làm sao cho con hiểu rằng một đứa trẻ muốn đi đâu thì đi, về giờ nào thì về và bất tuân mọi kỷ luật của gia đình là điều sai trái. 

Có vẻ như có quá nhiều việc chị phải làm, bởi con chị đã vượt tầm kiểm soát của chị trong nhiều mặt. Giờ đây, chị phải chấn chỉnh lại từng chút một, và phải hết sức kiên nhẫn và cứng rắn, hết sức chú ý và kỹ lưỡng.

Mong rằng chị có thể đưa con trai chị trở về quỹ đạo sinh hoạt bình thường của một đứa trẻ, bởi đó sẽ là tấm gương cho đứa con thứ hai của chị noi theo.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI