Đau đầu chống trộm ở xứ ngàn cau

26/09/2022 - 06:18

PNO - Những năm gần đây, quả cau tươi được thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên giá tăng cao, thu nhập của đồng bào vùng miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhờ vậy cũng khấm khá. Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp cũng diễn ra phổ biến phức tạp.

Nhiều cách chống trộm nguy hiểm, người dân đã bỏ dần

Lót dạ bữa sáng với củ sắn luộc, vợ chồng ông Đinh Văn Mẽo (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) tranh thủ ra làm cỏ cho đám cau non. Mấy tuần nay, vợ chồng ông Mẽo phải ở lại vườn để giữ vườn cau lớn đang vào mùa thu hoạch.

Nhờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, giá quả cau tươi nhiều tuần nay lên đến 60.000 đồng/kg (bình thường khoảng 30.000 đồng/kg). Tùy vào giá cả, nhưng nhìn chung, vài năm trở lại đây, mỗi cây cau cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/năm. Vườn cau 200 cây mỗi năm cũng cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng. Nhưng cau được giá thì tình trạng trộm cắp cau cũng nhan nhản, cho nên mấy tuần nay, vợ chồng ông Mẽo phải cất chòi ở lại để canh giữ. 

Người dân quấn kẽm gai quanh cây cau để chống trộm
Người dân quấn kẽm gai quanh cây cau để chống trộm

Tại “xứ ngàn cau” Sơn Tây, Quảng Ngãi, cau trải dài khắp các thung lũng lên đến gần đỉnh núi. Để bảo vệ thành quả lao động, bà con từng dùng dao lam dắt vào cây cau hoặc đặt chông dưới đất để chống trộm. Nhưng về sau, nghe lời tuyên truyền của cán bộ, bà con không dùng những biện pháp nguy hiểm nữa mà chỉ dùng lồ ô và kẽm gai quấn quanh thân cây.

Bà Đinh Thị Trơn, chủ vườn cau rộng 1ha ở xã Sơn Liên chỉ tay vào những tấm bùa được đính trên thân cau nói: “Mình dán bùa để báo cho trộm biết là cau đã có chủ, ai tham lam hái sẽ bị ma bắt. Trước còn cài chông dưới đất đi kèm với bảng cảnh báo, nhưng sau nghe cán bộ tuyên truyền nên không làm nữa”.

Ở sâu trong xã Sơn Tinh, giáp ranh với những ngọn núi trùng điệp phía tỉnh Kon Tum, ông Đinh Văn Hanh được biết như là một đại gia phất lên nhờ cây cau với mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng và xây nhà to như khách sạn ở trong vườn cau.

Ông Hanh kể: “Khoảng 6-7 năm trước, cau rớt giá, không ai mua, cả huyện đua nhau đốn hạ cây cau để chuyển sang trồng cây keo. Mình cũng thuê người đốn, nhưng rừng cau nhiều, thấy tốn tiền thuê quá nên để mặc, không đốn nữa. Khi cau có giá trở lại thì nhà mình trúng. Cau nhiều nên trộm cũng lắm, mình không dám làm bẫy mà chỉ thuê người quấn chông lồ ô trên cây. Thỉnh thoảng bắt được vài người hái trộm nhưng rồi thấy họ nghèo cũng đành thả”. 

Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh răn đe

Ông Hà Phải, Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây kể: “Năm 1993 tôi lên nhận công tác thì năm 1994 cây cau được giá lịch sử, mỗi trái cau giá 2.000 đồng, trong khi vàng khoảng 250.000 đồng một chỉ, lương cán bộ như tôi là 150.000 đồng/tháng. Nói vậy để thấy cây cau cho giá trị tùy từng thời điểm. Lúc giá cao thì sinh ra trộm cắp, lúc mất giá thì dân lại đốn hạ để trồng keo.

Các tấm bùa được treo quanh vườn cau như một biện pháp chống trộm
Các tấm bùa được treo quanh vườn cau như một biện pháp chống trộm - Ảnh: Đình Dũng

Sau này chính quyền xã và các cấp đã tuyên truyền người dân không đốn hạ cây cau nữa, để phát triển bền vững, đồng thời cũng khuyến cáo người dân không nên đặt bẫy nguy hiểm để chống trộm mà nên phát triển vườn cau theo kiểu tập trung rồi canh giữ. Đến mùa cau, xã cử cán bộ hằng đêm xuống các thôn bản để tuyên truyền nhắc nhở bà con”.

Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết, H.Sơn Tây hiện có hơn 1.000ha cau, trong đó có hơn 900ha trồng tập trung. Nhiều hộ không phá cau, mấy năm qua thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Còn thu nhập vài ba trăm triệu thì nhiều. Đây cũng là một biện pháp nhằm phủ xanh rừng bền vững.

Ngoài việc tuyên truyền trong nhân dân, các địa phương cũng tăng cường xử phạt nghiêm đối với hành vi trộm cắp cau nhằm lặp lại tình hình an ninh trật tự. 

Tại huyện Tiên Phước, vùng cau của tỉnh Quảng Nam với hơn 1.000ha, trong đó hơn 500ha đã cho quả với sản lượng trên 2.600 tấn quả tươi/năm, giá trị thu nhập từ quả cau và các sản phẩm phụ ước đạt từ 100-150 tỷ đồng/năm, “cau tặc” cũng đang hoành hành.

Chị Trần Thị Lạc (thôn 3, xã Tiên Ngọc) cho biết, từ đầu mùa đến nay, mặc dù đã rào lưới và kẽm gai, nhưng vườn cau của chị vẫn bị bẻ trộm. Vào ngày 25/8 vừa qua, tại xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, L.Q.C., 30 tuổi, đã lẻn vào vườn nhà người dân để bẻ trộm một buồng cau. Khi bị công an xã bắt giữ, C. khai một tuần trước đã trộm 37kg cau tại vườn nhà người khác mang đi bán lấy tiền tiêu xài…

Trước tình hình trên, Công an huyện Tiên Phước đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền trong nhân dân nâng cao cảnh giác với bọn trộm cắp để bảo vệ tài sản của mình.

 Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI