Đau đầu chọn bạn cho con

30/06/2022 - 09:48

PNO - Dù quan tâm và cố gắng định hướng, thậm chí chọn lựa cho con những người bạn mà theo mình là phù hợp nhất, tốt nhất, cha mẹ vẫn thường mắc sai lầm.

Chọn bạn cho con là vấn đề cha mẹ đặc biệt quan tâm vì “Hãy chỉ bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”. Bạn bè ảnh hưởng khá rõ nét đến tâm lý, tình cảm, tính cách trẻ. Tuy nhiên, dù quan tâm và cố gắng định hướng, thậm chí chọn lựa cho con những người bạn mà theo mình là phù hợp nhất, tốt nhất, cha mẹ vẫn thường mắc sai lầm.

Chẳng hạn, có khi cha mẹ cố định hướng, chọn lựa (thậm chí ngăn cấm) cho con những người bạn mà mình cho là phù hợp nhất, tốt nhất nhưng ít hoặc không quan tâm đến nhu cầu, ý muốn của con trẻ. Cha mẹ “nhìn người” qua lăng kính của người lớn, dù có kinh nghiệm, nhưng không hoàn toàn hiểu thấu được nhu cầu, nguyện vọng, tính cách của trẻ trong việc chọn bạn để chơi. 

Cha mẹ chọn bạn cho con không nên can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của trẻ mà làm sự phát triển tâm sinh lý của trẻ có thể không được bình thường. Các bậc cha mẹ nên quan tâm, chú ý nhiều hơn đến các mối quan hệ của trẻ và phải có sự cẩn trọng trong nhận xét, đánh giá, định hướng. 

Thực tế cho thấy, đâu phải lúc nào cha mẹ cũng nhìn ra rằng con mình chơi với bạn A chỉ vì hợp về sở thích thể thao, chơi với bạn B chỉ vì hợp với sở thích âm nhạc, chơi với bạn C chỉ vì hợp với sở thích ăn mặc, chơi với bạn D chỉ vì bạn hay có những lời khuyên xác đáng, chơi với bạn E chỉ vì con mình có thể thể hiện được sự vượt trội với bạn…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Từ đó, cha mẹ có thể không hiểu thấu được “mâu thuẫn”, thậm chí “xung đột” xảy ra giữa tính cách của những người bạn này với nhau và với chính đứa con mình. Chẳng hạn, bạn A không thích bạn B vì A chê B chỉ nghe nhạc rap, bạn C không ưa bạn D vì cho rằng D hay lên mặt dạy đời… đồng thời, cha mẹ cũng có thể không hiểu rằng bạn thân con mình cũng không thích bạn A về sở thích ăn mặc, không thích bạn B về sở thích ăn uống, không thích bạn C về sở thích thể thao…

Như vậy, cha mẹ đôi lúc đã không nhìn ra được “sự thống nhất giữa các mặt đối lập”, tức là con của mình đã chọn bạn theo tiêu chí riêng và cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn đó. Sự can thiệp nếu thô bạo, sai lầm sẽ dẫn đến những tổn thương ở trẻ.

Đã vậy, cha mẹ lắm khi nhìn nhận bạn của con theo cách nhìn của mình mà không hiểu về tâm lý, lứa tuổi, trào lưu… Nhiều người tỏ thái độ phật ý khi thấy con mình chơi với một bạn có tóc nhuộm vàng hoe, xăm (có khi thực ra chỉ là hình dán) vằn vện, nói năng thì hay dùng “ngôn ngữ teen”, nói nhiều tiếng lóng và đôi lúc còn văng tục… 

Người lớn thường “mặc định” rằng những người có biểu hiện đó là thiếu đứng đắn. Nhưng như vậy không có nghĩa rằng ở thế hệ của con mình, biểu hiện đó cũng là chưa đứng đắn. Bởi vì với sự thay đổi sở thích, sự tiếp thu các “mốt”, các “trào lưu” rất nhanh, trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy và không thể hoặc không muốn đứng bên ngoài, cho nên với rất nhiều trường hợp, nhuộm tóc, xăm (dán) mình… chẳng qua là “cho giống bạn”, nói tiếng lóng là để thể hiện mình trong một “hội” nào đó, văng tục đôi lúc cũng là để khẳng định mình… 

Với thế hệ trẻ (nhất là thế hệ sinh năm 2000 trở lại đây), những điều đó chưa hẳn thể hiện bản chất tư cách của trẻ, tức là dù có tất cả những biểu hiện này thì cũng chưa thể cho rằng đó là những đứa trẻ hư hỏng. 

Vì vậy, sự “nhận diện” của cha mẹ e rằng có nhầm lẫn và nếu từ nhận diện này mà có sự can thiệp thô bạo e rằng sẽ mắc sai lầm.

Ngoài ra, cha mẹ hay cho rằng con dễ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu của bạn mà bỏ qua sự tác động ngược lại của con mình đối với bạn trong việc điều chỉnh những hành vi chưa tốt của bạn. Nhà báo lão thành Nguyễn Văn Trấn (1914 - 1998) kể trong cuốn Chuyện trong vườn lý (Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM, 1982) một câu chuyện: Mẹ bé Ngọc dạy con: “Có chơi thì lựa đứa ngoan mà chơi. Chứ cái Đông nó hư lắm, con đừng đánh bạn với nó”.

Ngọc hỏi: “Con có ngoan không mẹ?”. “A, Ngọc của mẹ thì còn phải nói. Ngọc của mẹ là đứa bé rất ngoan!”. Ngọc hỏi: “Vậy cái Đông nó có được lựa con mà chơi không hả mẹ?”. Hẳn nghe đến đây, người mẹ sẽ ngỡ ngàng và cảm thấy khó xử. Việc bé Đông có hư hay không là do người mẹ nhìn nhận, có thể đã mắc một trong hai (hoặc cả hai) sai lầm như ở trên. 

Nhiều người bảo rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” ở góc độ sẽ bị ảnh hưởng “mực” chứ không nghĩ đến khả năng làm “đèn” của bản thân. Nếu cha mẹ chỉ e rằng con mình bị bạn tác động thì dường như chưa có đủ lòng tin ở tính cách và năng lực của con, cũng như đánh giá thấp sự lan tỏa khả năng thuyết phục, ảnh hưởng của con mình đối với bạn.

Cả hai trạng thái này đều không nên, nhất là trong lúc nhiều người kêu gọi xu hướng giáo dục đề cao sự chủ động, độc lập cho người được giáo dục.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Cuối cùng, cha mẹ hay nói đến sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực của con mà ít quan tâm, chú ý đúng mức đến sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của con và bạn của con.

Phần nhiều cha mẹ tin tưởng ở sự ngoan ngoãn, lễ độ của con, cũng là sự tin tưởng và bằng lòng với phương pháp dạy con của mình, nhưng ít khi thấy mặt trái.

Không phải đứa trẻ nào cũng “đóng kịch” trước mặt cha mẹ, tức là cố làm ra vẻ ngoan ngoãn, cố che giấu tính cách chưa tốt của mình, nhưng nhiều trẻ không có điều kiện bộc lộ những điều mà cha mẹ có thể cho là chưa tốt. 

Chẳng hạn, một số trẻ có xu hướng bạo lực, cộc tính nhưng chỉ khi có “đối tượng” thì mới bộc lộ điều đó. Vì vậy, khi có bạn phù hợp, tính xấu này của trẻ có thể sẽ chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, một đứa bạn đúng là chưa ngoan nhưng qua thời gian, với sự tác động của nhiều phía, sự tự chuyển biến, đứa trẻ đó có thể sẽ dần ngoan hơn; nếu cha mẹ ngăn cản con mình chơi với bạn thì hóa ra con mình bị cho là không độ lượng, thiếu cảm thông… 

Trúc Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI