Dâu Đậm

03/12/2013 - 16:09

PNO - PN - Mười năm trước, ngày chị Nguyễn Thị Đậm (Ô Môn, Cần Thơ) theo chồng là anh Phan Văn Ròm về xã Phước Long (Giồng Trôm, Bến Tre), bà con hai bên xầm xì bàn tán không ít. Người mừng chị yên bề gia thất ở tuổi 40, người mỉa mai...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dau Dam

Đậm không chỉ là tên, đó còn là cái tình của chị dành cho nhà chồng

Năm gồng bảy gánh

Chị mới vừa cấn bầu thì ba chồng ngã bệnh tai biến. Mang thai, sinh con còn non ngày tháng, nhưng chị đã lãnh phần dìu đỡ ba. Bị giãn dây chằng vai do gồng gượng quá sức nhưng chị Đậm vẫn không ngại xốc ba lên xe lăn, đỡ xuống giường, tập thể dục và xoa bóp để ba không bị co rút, cứng khớp. Bốn giờ sáng, chị đã dậy xắt chuối cho vịt ăn, quét dọn, giặt giũ để sẵn sàng chăm lo cho ba khi thức giấc.

Nhà ở sâu trong vườn dừa, khi ba má chồng ngã bệnh, chị phải nhờ bà con phụ khiêng bằng võng ra lộ. Ba bệnh lâu ngày nhưng má lại là người đi trước vào cuối năm 2012. Má bệnh tim và xuất huyết bao tử nhiều lần, bác sĩ buộc phải hạn chế đi lại. Suốt ba tháng trời, chị ẵm má đi tắm rửa, vệ sinh. Sợ con dâu vất vả, má cứ lò dò tự đi. Có hôm mờ sáng, nghe tiếng bì bõm dưới cầu ao cạnh nhà, chị Đậm ra xem thì phát hiện má lén chị, tự giặt quần dơ do tiểu tiện không tự chủ được. Chị đỡ má lên, má ôm chị nói: “Vợ thằng Ròm cực khổ với má quá! Má làm được gì thì tự làm. Má không chịu nổi khi thấy sáng nào con cũng cầm hai cái bô của ba má đem đổ, rồi phải giải quyết mớ quần áo hôi thúi”. Chị ôm má, khóc: “Má thương con thì cứ để con lo. Má tự làm, lỡ trượt té, không ai cứu kịp thì con biết làm sao!”. Tương tự má, ba cũng nhiều lần cào giường chiếu đòi tiểu xuống đất với ý nghĩ đơn giản là con dâu khỏi phải bẩn thỉu, cực thân.

Ở bệnh viện, nhìn chị Đậm kiên trì đút sữa, xay nghiền thức ăn bón từng muỗng, thức quạt suốt đêm, ai cũng nghĩ chị là con gái chăm ba má ruột. Không đếm hết bao nhiêu lần má nói: “Dâu mà còn hơn con gái”. Chị Đậm xin má đừng nói thế, sợ các chị em nghe buồn lòng, chỉ vì các chị em khác ở xa nên ít có điều kiện kề cận, chăm sóc.

Những khi ba má có chuyện, mớ “động từ tu quơ” của chị không đủ để thông báo cho chồng, nhờ chồng phối hợp trong việc chạy chữa, cấp cứu nên chị luôn phải chủ động xoay xở. Nhà ở nơi hẻo lánh, ba má lại quá yếu, không thể mỗi chút mỗi chở đi bệnh viện, chị Đậm đành lạm quyền bác sĩ, thủ sẵn một số loại thuốc quan trọng trong nhà. Thuốc nào, công dụng gì, chị nhớ vanh vách, sử dụng linh hoạt, cân nhắc trong từng trường hợp. Kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc người già, bệnh nặng vượt xa trình độ tốt nghiệp… trường làng của chị.

Dau Dam

Nấu mềm, giã nhuyễn, chị Nguyễn Thị Đậm ân cần đút cơm cho ba chồng ăn mỗi ngày

Ruột rà không đổi

Hôm tôi đến thăm nhà, chị đang ăn cơm thì bất ngờ buông đũa, chạy vội đến giường ba, khi những người khác chưa hề nghe động tĩnh gì. Ba nói sảng vì sốt cao, chị đến sờ trán, cặp nhiệt kế, lau mát, cho ba uống thuốc. Dù ở đâu, làm gì, đôi tai của chị vẫn hướng về chỗ ba nằm. Vài lời thều thào, bâng quơ của ông với nhiều người là vô nghĩa, nhưng với chị lại là sự cảnh báo cho sức khỏe trồi sụt từng giờ của ba.

Chiều mát, chị mặc cho ba áo kín cổ, quần dài, đặt ba lên xe lăn, đẩy đi dạo trên đường làng, ghé thăm các nhà hàng xóm. Con dâu là “hướng dẫn viên” tận tình, dù có khi “vị khách” 92 tuổi nhớ quên lẫn lộn. Chị bảo, tinh thần thoải mái, khuây khỏa thì ba mới ăn được, ngủ ngon. Chữ hiếu của chị không chỉ là lo cho ba má chồng sạch sẽ, no đủ mà chăm sóc luôn cả tâm hồn.

Chỉ mới học đến lớp 5, chị Đậm không hiểu nhiều về quy luật cho - nhận, gieo - gặt, chỉ biết nhờ mình sống tốt với nhà chồng mà trời thương, ban cho đứa con trai học giỏi, hiếu thảo (Phan Minh Luân, hiện chín tuổi). Một lần chị nhức đầu nằm vật xuống giường, Luân khi đó mới ba tuổi đã biết lấy gối kê đầu cho mẹ. Mỗi lần kể lại, chị đều rớm nước mắt. Anh Ròm rất tự hào về vợ. Dù không nói được nhưng anh thường đưa ngón tay cái lên ý khoe “vợ tôi là số một”. Anh cũng luôn quan tâm, chia sẻ nhọc nhằn với vợ khiến chị thấy hạnh phúc, ấm lòng. Anh thường ú ớ, đưa tay ra dấu mỗi khi cần “nói” gì với vợ. Những ngày ba mệt, anh túc trực bên giường sẵn sàng theo sự điều hành của “y tá trưởng vợ”. Trọn hiếu với nhà chồng, chị Đậm đành “lép” với nhà ruột. Đường sá xa xôi, lại không thể giao ba lại cho chồng trông coi, chị Đậm ít khi về quê. Mười năm làm dâu xứ dừa, chị Đậm chỉ biết mỗi con đường từ nhà ra chợ xã.

Thấy chị Đậm tảo tần, vất vả, chị Nguyễn Thị Xứ, ở cạnh nhà, thường đến phụ giúp. Từng được tuyên dương là con dâu hiếu thảo nhưng chị Xứ vẫn khâm phục chị Đậm, công nhận chị Đậm mới thật sự là người con dâu có tấm lòng tốt hiếm thấy. Chị Trần Thị So (cháu gọi chị Đậm bằng mợ) chia sẻ: “Các dì cậu trong nhà đều ở xa nên trăm sự nhờ mợ. Khi ông trở nặng thì tụ về cùng phụ một tay, nhưng mợ vẫn là người nặng gánh nhất. Ai cũng tin tưởng, an tâm khi ông được mợ phụng dưỡng chu đáo bằng tình yêu thương không khác gì ruột thịt. Mọi người trong nhà từ lâu đã xem mợ là ruột chứ không phải là dâu”.

Tháng Chín, ba bệnh nguy kịch phải nằm viện một tháng. Ở bệnh viện, các con cháu cùng chung lo nhưng khi rước ba về, chị Đậm phải “ôm sô”. Lo ngày “cạn dầu” của ba lại đến, chị Đậm vừa săn sóc vừa hoang mang, rối bời. Chị cứ thầm thì nói như van: “Ba ơi, ba ráng sống thêm với con cháu!”.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI