Đậu đại học với 5-6 điểm/môn: Thêm nỗi lo về chất lượng đào tạo

25/06/2024 - 05:50

PNO - Hơn 30 trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT. Ngoài một số trường lấy mức điểm đến 29-30, nhiều trường lấy điểm chuẩn chỉ 5-6 điểm/môn, hoặc sử dụng điểm của 3/6 học kỳ THPT. Sự lo ngại về chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo đại học từ đó cũng tăng thêm.

Dưới 5 điểm/môn vẫn đậu

Năm 2024, Trường đại học (ĐH) Công nghệ TPHCM xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp Mười một; học kỳ I lớp Mười hai) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp Mười hai.

Điểm chuẩn của cả 2 phương thức này (trừ ngành dược là 24 điểm, các ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học là 19,5) là 18 và đã gồm điểm ưu tiên. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng lấy điểm chuẩn 18 cho tất cả các ngành; điểm chuẩn được xét theo tổ hợp 3 môn lớp Mười hai hoặc tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp Mười một; học kỳ I lớp Mười hai). Năm nay, trường dành 70% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này.

Các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội
Các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn thông báo điểm chuẩn trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm đợt 1 và 2. Ở cả 2 đợt, điểm chuẩn trúng tuyển của cả phương thức xét tuyển bằng học bạ 3 kỳ (điểm trung bình học kỳ I, học kỳ II lớp Mười một và học kỳ I lớp Mười hai), phương thức xét tuyển bằng học bạ 5 học kỳ (điểm trung bình cả năm lớp Mười, lớp Mười một và học kỳ I lớp Mười hai) và phương thức xét tuyển bằng học bạ lớp Mười hai (điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp môn) đều là 18.

Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ của Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đối với các ngành ở mức 15 (trừ ngành dược). Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ của Trường ĐH Gia Định là 16,5 cho cả 49 ngành. Trường ĐH Kiên Giang công bố danh sách hơn 900 thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ. Trừ 2 ngành sư phạm, 7 ngành khác của trường có điểm xét tuyển là 15, và 16 ngành có điểm xét tuyển là 16.

Ở phía Bắc, Trường ĐH Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh) có điểm xét tuyển học bạ trung bình lớp Mười hai từ 5 trở lên hoặc tổng điểm các môn theo tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên (trừ nhóm ngành sức khỏe).

Điểm sàn theo phương thức xét học bạ THPT với 10 ngành ngoài sư phạm của Trường ĐH Hải Dương là 15,5. Học viện Hàng không có điểm chuẩn trúng tuyển là 18, với các ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Điểm trúng tuyển là điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ở lớp Mười, Mười một và học kỳ I lớp Mười hai hoặc cả năm lớp Mười hai.

Đáng chú ý, nhiều trường lấy mức điểm chuẩn 15-18 là đã gồm điểm ưu tiên. Như vậy, nếu thí sinh thuộc diện ưu tiên, được cộng điểm, thì điểm trung bình dưới 6, thậm chí dưới 5 mỗi môn là đã đậu ĐH.

Cần có hệ thống kiểm định chặt chẽ

Về lý thuyết, xét học bạ trong tuyển sinh ĐH là hình thức tiên tiến, các trường trên thế giới đã áp dụng từ lâu, giúp giảm áp lực cho học sinh, tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Trường ĐH chủ động trong tuyển sinh, có thể tuyển sinh sớm.

Tuy nhiên, ở nước ta, sự băn khoăn về tình trạng “làm đẹp học bạ” đã tồn tại từ lâu. Bởi việc kiểm tra, đánh giá, chấm điểm thi ở mỗi địa phương, mỗi trường, mỗi giáo viên lại có sự nới - chặt khác nhau nên khó đảm bảo đánh giá đúng thực chất.

Bệnh thành tích cũng là yếu tố chi phối không nhỏ đến việc đánh giá, chấm điểm học sinh của giáo viên, nhà trường. Vì vậy, học bạ có thể chưa phản ánh chính xác năng lực của học sinh.

Đó cũng là lý do vì sao những trường ĐH tốp đầu ngày càng giảm chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển bằng học bạ. Có không ít trường kết hợp xét học bạ với phương thức khác. Nhiều trường còn bỏ hẳn phương thức này như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Luật TPHCM…

Việc nhiều trường ĐH lấy điểm trúng tuyển bằng học bạ ở mức thấp không chỉ có ở mùa tuyển sinh 2024 mà đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Năm 2019, Bộ GD-ĐT quy định phương thức xét tuyển bằng học bạ phải có mức điểm sàn từ 6 trở lên cho từng môn học trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình chung các môn học dùng để xét tuyển. Riêng với các khối ngành đặc thù như sư phạm và khoa học sức khỏe, Bộ GD-ĐT quy định mức điểm sàn xét tuyển chung 18-21 điểm tùy từng ngành.

Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT đã giao các trường tự quy định mức điểm xét tuyển (trừ khối ngành sư phạm và khoa học sức khỏe) dẫn đến việc nhiều trường lấy mức điểm chuẩn thấp để thu hút người học.

Theo tiến sĩ Phạm Tất Dong - cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam - cơ hội vào ĐH của thí sinh hiện nay bình đẳng ở cả khối trường công và tư. Tuy nhiên, tình trạng quá dễ vào ĐH hiện nay cũng đặt ra bài toán về chất lượng đào tạo cho các nhà quản lý.

Để hạn chế tình trạng vào ĐH dễ, tốt nghiệp ĐH cũng dễ; cần tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, yêu cầu từng trường phải có chuẩn đầu ra chặt chẽ. Việc kiểm định này còn để sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, ngoài chất lượng đầu vào của sinh viên, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên và cả hệ thống đảm bảo chất lượng của nhà trường.

Để đảm bảo chất lượng đầu vào trong điều kiện hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển ĐH vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, chất lượng đầu ra cũng cần phải được sàng lọc. Về lâu dài, cần có hệ thống kiểm định chặt chẽ trong khâu đánh giá chất lượng ở bậc THPT, để điểm học bạ phản ánh đúng “thực chất”, “thực học”.

Theo tiến sĩ Vũ Hoàng Hiệp - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội - việc “nới” đầu vào giúp nhiều thí sinh có cơ hội trúng tuyển. Song sau một thời gian, có thể có những sinh viên không thấy phù hợp và không đạt được chuẩn đầu ra của trường.

Việc siết chặt đầu ra có thể giữ được uy tín của nhà trường nhưng như vậy sẽ là không có trách nhiệm và không vì quyền lợi của người học. Do thí sinh không biết trước được mức độ khó của chương trình đào tạo, chỉ thấy có cơ hội là đăng ký học. Khi sinh viên không theo được chương trình thì sẽ mất cả cơ hội phù hợp, tiền bạc và thời gian.

Do đó, cần thiết lập chuẩn đầu vào với những yêu cầu nhất định - để phù hợp với yêu cầu của chuẩn đầu ra, giúp cân bằng giữa chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc