Má lật tờ lịch, thở dài thườn thượt: “Nhanh dữ bây, tết tới nơi rồi”. “Hình như càng già lại càng sợ tết”, anh Ba nói vậy rồi lững thững ra hiên nhà.
Chị Hai ngồi thả câu nói bâng quơ: “Người già sống bằng ký ức”. Càng già thì cái ký ức càng mờ dần theo heo may tuổi đời. Càng già thì cũng như ngọn đèn leo lét trước gió. Sợ lắm một ngày nào đó chẳng còn thức dậy sau giấc ngủ dài. Sợ lắm một ngày ngồi đó, nhìn thấy hết, nghe thấy hết mà hổng biết ai, hổng nhớ gì. Hẫng nhẹ vô ưu.
Nhưng giữa những âu lo cạn cùng đó, chắc má sợ nhất là không còn được mặc áo dài mỗi mùa xuân sang. Có lần má nói với chị Hai, rằng cái áo dài nó như áo đời của má. “Mà hổng phải riêng mình má, chắc mấy bà già sinh thời cỡ má, cũng y chang vậy thôi”, má trầm ngâm.
|
Ảnh mang tính minh họa: Phùng Huy |
1.
Má dân chánh gốc Sài Gòn. Má học Gia Long, má dạy Trưng Vương. Má gần tám mươi, cũng đằng đẵng thời gian má gắn phận mình với chiếc áo dài. Ngày thường lên lớp cũng áo dài, tiệc tùng cưới hỏi cũng áo dài, giỗ chạp tết nhất lại càng áo dài. Cho đến bây giờ, má vẫn luôn giữ cái nếp lệ thường đó. Cứ cúng giao thừa xong là má xỏ chiếc áo dài, bắt đầu thong dong đi lễ những chùa gần. Má hay chọn áo dài màu sáng, như đỏ, vàng, xanh, hồng. Má nói mặc vậy cho hên, cho cả năm tươi sáng.
Mà đâu riêng gì má, mấy đứa con gái dù ruột hay dâu, đều phải bận áo dài. Nhớ một mùa tết, anh Ba dẫn vợ về ra mắt, má dòm tới dòm lui, rồi gật gù: “Tướng này mặc áo dài ngon hết ý nghen bây”. Chị dâu được thể khoe, tủ đồ ở nhà chị có đến chục cái áo dài. Má cười tươi rói: “Đàn bà con gái nước mình, trời sinh cái vóc dáng là để mặc áo dài. Mà hình như áo dài vốn dĩ dành riêng cho người Việt mình hen bây. Kể bây nghe nè…”.
2.
Cứ vậy mà cái ký ức phong kín cả năm trời, mỗi mùa tết má lại đem ra hong, riết mấy đứa con thuộc nằm lòng: “Hồi má học Gia Long, nữ sinh áo tím nức tiếng thời trước. Chiều mát trời tan trường, đám con trai Collège Chasseloup-Laubat, Pétrus Ký hay từ bên Võ Trường Toản cũng thập thò chọc ghẹo, rồi theo, có bận theo về tới nhà, ngoại bây lấy cây rượt chạy có cờ”.
Rồi xuống đường cùng nhau, những đêm hát vang dậy cả Sài Gòn, nắm tay nhau đi qua cuộc chinh chiến. Vậy đó mà thương nhau, rồi hẹn nhau ngày về chung một nhà. Hồi đó, ba cũng gặp má trong buổi “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Cái nắm tay kết đoàn sục sôi tinh thần “Dậy mà đi” đã gắn phận đời hai người hơn năm chục năm nghĩa tình.
Ba thoát ly, ngỏ lời với má. Bận đó, má chỉ lắc đầu, dúi vào tay ba chiếc khăn. Hỏa châu còn cháy sáng cả ngày lẫn đêm, đâu ai dám nói trước điều gì. Hẹn chi để nặng lòng. Ngày về, gặp rồi hẵng tính. Mà thời cuộc thì nghiệt ngã lắm. “Nhiều thằng con trai mới mười tám à bây, đi là đi luôn, nằm lại mãi mãi nơi chiến trường. Nhiều thằng có biết thương ai lần nào đâu. Có khi trở về chỉ là tờ giấy báo tử”.
Bữa má đưa ba đi, chuyến xe lam chiều chạy tuốt miệt Củ Chi, má chỉ tiễn tới ngã tư Bảy Hiền, rồi lặng lẽ vẫy tay. Đó là cái tết đầu tiên má thắt thẻo ruột gan. Cảm giác chờ đợi một người luôn nặng nề lòng dạ, huống chi là đợi chờ trong cuộc chiến. Nó thấp thỏm theo từng tiếng bom rơi đạn nổ. Nhiều đêm ngoại ô ì đùng sáng rực trái châu, má nghe từng tiếng nổ mà thót tim thể như ai đạp lên tim mình.
Đi qua thêm ba cái tết thì tàn cuộc chinh chiến. Má nhớ như in cái tết ba từ rừng về, chiều ba mươi, lấy đâu cái xe đạp cũ kỹ đòn ngang chạy qua nhà má. Má khóc, ba cũng khóc. Một vài miếng đạn còn ghim trong da thịt, trời lạnh thì nhức mà trái tim vẫn còn nguyên vẹn. Sáng mùng Một năm đó, ông bà nội qua nhà với xấp áo dài đỏ, trà rượu, cùng gói bánh kẹo, dăm cục xà bông thơm Bến Thành. Vậy là má theo ba. Hơn nửa đời người, vẫn cứ nghe ba má gọi nhau hai chữ “mình ơi” ngọt lịm.
|
Ảnh minh họa |
3.
Bữa đó, chị dâu ngồi nghe xong quay qua nói anh Ba, hay ra Giêng mình cưới đi anh. Má cười rổn rảng. Tết năm đó, chị dâu mặc chiếc áo dài thêu cành hoa mai, má mặc áo dài gấm màu đỏ mận, đưa nhau đi chùa. Gặp hàng xóm, má cười, hớn hở khoe: “Con dâu tui nè!”. Má nói thời này mấy đứa trẻ ít chịu bận áo dài. Tết nhất ra đường toàn đầm váy hở lưng, khoét ngực, ngắn cũn. Không thì toàn quần jeans rách te tua hoặc lùng thùng. “Trời thần, dòm hổng có đặng, dẫu gì cũng đầu năm mà bây. Mặc vậy làm mất cái duyên thâm trầm của đàn bà con gái hết trơn”, má cảm thán.
Rồi má tiếp: “Hồi xưa đó heng, thời của má, tết nhất áo dài rợp trời. Trước tết là bắt đầu sắm vải, kiếm nhà may”. Hồi đó, áo dài bắt đầu được cách tân, có nhà may Dung ở Đa Kao đưa ra kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan (giác lăng). Cách ráp này khiến những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách không còn nữa. Rồi họ bố trí nút cài chạy từ dưới cổ xéo xuống nách, kế đó chạy dọc một bên hông.
Với cách ráp tay raglan, làn vải được bo khít theo thân người mặc, khiến chiếc áo dài ôm gọn từng đường cong. Mặc cái áo dài, lượn lờ phố xuân, thấy mình kiều diễm lắm. Mấy thằng con trai cứ ngẩn ngơ nhìn theo miết. “Hồi đó điệu đà nhưng kín đáo mà cũng hấp dẫn lắm nghen. Ba bây lần đầu thấy má bận vậy, đứng ngẩn tò te, xin phép ông bà ngoại chở má đi coi hát ở rạp Lệ Thanh khu Hào Huê, mà luống cuống dắt nhầm chiếc xe Mobylette của ông ngoại. Cả nhà cười rân trời”, má kể.
Hồi nghe má kể, chị Hai cứ thắc mắc hoài về kiểu áo dài má nói. Chị lùng sục khắp các nhà may cũ để tìm lại cách may tôn dáng thắt đáy lưng ong. Tìm khắp vòng Sài Gòn chừng cả tháng chị mới lần ra tiệm may của cụ Đào nằm ngay Cống Quỳnh.
Tiệm may giữ đúng nếp xưa của người phụ nữ tám mươi năm gắn bó với áo dài. Chị mừng như bắt được vàng, về khoe với má. Năm đó, má lôi cả con dâu, con rể đến may lại kiểu áo dài xưa. Mấy thằng con trai cũng nhao nhao đòi mặc áo dài bữa sáng mùng Một để chụp hình gia đình. Tấm ảnh duy nhất đầy đủ con cháu, dâu rể mặc áo dài được má rửa lớn, treo ngay phòng khách.
Năm đó má cũng ngoài 70. Bên mâm cơm tết, ba buông một câu khiến má rưng rưng: “Đâu còn bao nhiêu năm nữa để má bây mặc áo dài đón tết”. Vậy nên, thành lệ trong gia đình, mùng Một con cháu đều mặc áo dài chúc tết, chơi xuân.
Đó cũng là lần đầu tiên ba má cùng đám con mặc áo dài dạo đường hoa Nguyễn Huệ. Má cười tấm tắc: “Thấy chưa, tết đâu cần phải tiền đầy túi hay mâm cao cỗ nhiều. Cứ thấy áo dài đỏ vàng xanh hồng tà đôi bay phấp phới là thấy tết”.
4.
Bận đứa cháu gái sang nước ngoài du học, má dặn chị Hai gói theo vài bộ áo dài cho con nhỏ kèm lời thủ thỉ: “Đi đâu cũng vậy nghen con, cứ thấy áo dài là thấy quê hương, thấy ai mặc áo dài là đồng bào mình. Cứ thấy áo dài rợp trời là thấy tết”.
Có năm đứa cháu gái vướng lịch học không về sum vầy nhưng cũng ráng canh đúng đêm giao thừa ở Việt Nam là gọi video call cho má thấy nó mặc áo dài chúc tết. Má gật gù ra chừng ưng bụng. Bữa con nhỏ điện thoại báo quen bạn trai người ngoại quốc, má dặn: “Nhớ nói nó đám cưới phải mặc áo dài nghen con. Chịu tao mới gả à!”. Nhỏ cháu gật đầu lia lịa.
Đứa cháu cưng và anh chàng ngoại quốc lỡ hẹn tết này với chiếc áo dài. Mùa dịch nên tụi nhỏ đâu về được. Bữa đi đặt áo tết cho cả nhà, chị Hai nói: “Năm nay nhà mình đàn ông màu vàng, đàn bà màu xanh lá cây nhen.
Màu vàng thêu chữ Miên Trường, màu xanh thêu chữ Vĩnh Cửu. Má chịu hông?”. Má chịu liền chứ. “Màu nổi vậy cho nó hên. Hồi xưa đó bây…”, dòng hồi ức của má lại tràn về. Chị Hai lại cười. Người già sống bằng ký ức. Ký ức neo họ làm họ thao thiết mà trải lòng. Đâu có bao nhiêu năm nữa mấy đứa con còn nghe má nói chuyện ký ức. Nghĩ vậy mà thương đến thắt lòng mớ ký ức tết xa xưa của má.
Tống Phước Bảo