Đau cơ xơ hóa

21/08/2016 - 06:41

PNO - Đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia) là một chứng rối loạn bởi cơn đau cơ xương lan rộng, kèm theo mệt mỏi, mất ngủ, trí nhớ kém và thay đổi tâm trạng.

Phụ nữ dễ phát triển đau cơ xơ hóa (ĐCXH) hơn nam giới. Theo các nhà nghiên cứu, căn bệnh này ảnh hưởng đến cách não xử lý tín hiệu đau và gây khuếch đại cảm giác đau.

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân ĐCXH, từ rối loạn nội tiết tố đến di truyền (thường xuất hiện bệnh ở mẹ và con gái). Dù vẫn chưa có sự thống nhất nhưng hầu hết các chuyên gia tin rằng, bệnh tạo thành từ kết hợp của nhiều yếu tố gây stress về thể chất và tinh thần.

Dau co xo hoa
Đau cơ xơ hóa ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ hơn nam giới

Triệu chứng

Dấu hiệu phổ biến của ĐCXH là cơn đau toàn thân, tác động nhiều đến bả vai, lưng, hông… và nhiều triệu chứng dễ nhận biết khác:

- Đau nhức sâu trong cơ bắp: Đặc biệt ở các nhóm cơ được sử dụng thường xuyên, chẳng hạn các cơ bắp ở chân, xương chậu, vai và cánh tay. Cảm giác từ hơi nhói cho đến như bị... dao đâm.

- Nóng bức: Bạn có thể thấy nóng rát dữ dội tại các khu vực bị đau.

- Kiệt sức: Tay chân như bị đè nặng bởi những khối bê tông, cơ thể thiếu năng lượng đến mức dù là công việc bình thường cũng đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất lớn.

- Mất ngủ: Người bệnh thường bị cảm giác khó chịu hay đau đớn đánh thức giữa đêm, khó ngủ, hậ u quả là họ đờ đẫn khi tỉnh dậy vào buổi sáng.

- Nhạy cảm hơn với các kích thích: Cơ thể trở nên rất nhạy cảm trước va chạm, ánh sáng hay âm thanh.

- Trầm cảm: Cảm thấy một nỗi buồn không rõ nguyên nhân, lo lắng, có cảm giác tội lỗi và vô dụng, chán đời, giảm hoặc tăng cân do ăn theo cảm xúc.

- Làn da thay đổi: Một số nơi trên cơ thể có thể sưng, da bị nổi đốm, sáng bóng, chuyển màu xanh, hoặc có mụn đỏ ngứa ngáy như nổi mề đay.

- Đổ mồ hôi bất thường: Bạn có thể đổ mồ hôi một cách khác thường.

- Đờ đẫn: Bệnh nhân thường khó tập trung, khó tìm từ ngữ khi cần diễn đạt, mất nhạy bén với các thông tin mới. Bạn có cảm giác đờ đẫn tương ứng với mức độ của cơn đau.

- Cứng khớp: Bạn có thể cảm thấy các khớp xương như cứng lại, nhất là vào buổi sáng. - Nhức đầu: Đau đầu dữ dội hoặc đau nửa đầu tái phát biểu hiện ở 50-70% số người bị ĐCXH. Triệu chứng có thể nặng, xảy ra một-hai lần mỗi tuần.

- Vấn đề cân bằng: Cơ thể gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, ảnh hưởng đến khả năng đi lại.

- Rối loạn tiêu hóa: Nhiều bệnh nhân ĐCXH có vấn đề về đường ruột như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, hội chứng ruột kích thích, buồn nôn, trào ngược dạ dà y, hoặc tiêu hóa chậm.

Chữa trị

ĐCXH khó điều trị, cần điều trị kết hợp cùng vật lý trị liệu, thay đổi lối sống để giảm thiểu các triệu chứng và cải thiện sức khỏe nói chung

- Điều trị bằng thuốc: Thuốc có thể giúp giảm đau và cải thiện giấc ngủ. Thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc naproxen sodium (Aleve). Thuốc chống trầm cảm như Duloxetine (Cymbalta) và milnacipran (Savella) giúp giảm bớt sự đau đớn và mệt mỏi liên quan đến bệnh ĐCXH. Bác sĩ còn có thể kê toa amitriptylin hoặc fl uoxetine (Prozac) để thúc đẩy giấc ngủ. Thuốc chống động kinh (khá hữu hiệu trong việc giảm đau) như Gabapentin (Neurontin, Gralise), pregabalin (Lyrica).

- Quản lý giấc ngủ: Ngủ đủ giấc vào ban đêm sẽ cải thiện các triệu chứng. Để có giấc ngủ tốt bạn cần: giữ thói quen ngủ đúng giấc, cụ thể là cố gắng ngủ vào cùng khoảng thời gian mỗi ngày. Tránh sử dụng caff eine và rượu vào cuối buổi chiều hay buổi tối. Tập thể dục thường xuyên nhưng lưu ý tránh tập thể dục trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ. Tránh ngủ vào buổi chiều. Giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, thoáng mát, không có đồ điện tử. Tránh các bữa ăn nhiều chất lỏng và gia vị trước khi đi ngủ. Nên thư giãn như nghe nhạc nhẹ hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ.

- Hỗ trợ tâm lý: Một tư vấn viên có chuyên môn có thể giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh và giải tỏa stress trong cuộc sống.

- Các biện pháp khác: Vật lý trị liệu, xoa bóp, nắn khớp xương, vận động dưới nước, tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng. Luyện yoga, thực hiện bài tập thư giãn kết hợp kỹ thuật thở. Trị liệu bằng hương thơm, liệu pháp nhận thức, bấm huyệt, chườm nóng hoặc lạnh, châm cứu. Sử dụng các loại thảo mộc, bổ sung dinh dưỡng (vitamin D, axít béo omega-3 và chất chống ôxy hóa từ rau củ quả).

Bảo Tùng (Theo Medicinenet, webMD, Prevention)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI